Ngày này năm xưa 19/6: Thành lập Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro
Ngày này năm xưa 19/6/1981, thành lập Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô (nay là Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro).
Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 19/6 trong nước và quốc tế; các sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
* Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 19/6/1912: Ngày sinh nhà thơ Lưu Trọng Lư, quê huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, qua đời ngày 10/8/1991 tại Hà Nội. Từ nǎm 1932, Lưu Trọng Lư và một số người khác khởi xướng phong trào Thơ mới. Trước Cách mạng Tháng Tám, Lưu Trọng Lư đã xuất bản tập thơ "Tiếng thu" (1939) và các tập vǎn xuôi "Người Sơn nhân", "Khói lam chiều", "Con voi già của Vua Hàm Nghi". Từ nǎm 1946, ông tiếp tục hoạt động vǎn học, lần lượt cho ra các tập thơ: "Tỏa sáng đôi bờ" (nǎm 1959), "Người con gái sông Gianh" (nǎm 1966), "Từ đất này" (nǎm 1971), tập hồi ký "Mùa thu lớn" (nǎm 1978) và nhiều vở kịch.
Ngày 19/6/1924: Chàng thanh niên yêu nước Phạm Hồng Thái thực hiện vụ mưu sát tên Toàn quyền Đông Dương Méclanh (Merlin) khi hắn ghé thăm tô giới Sa Điện của Pháp ở Quảng Châu. Vụ mưu sát không thành công và Phạm Hồng Thái đã hy sinh sau khi buộc phải gieo mình xuống dòng Châu Giang để tránh sự truy đuổi của mật thám Pháp. Dù vậy, sự kiện này đã gây ra một tiếng vang lớn đối với chính quyền thực dân Pháp, đồng thời thôi thúc tinh thần đấu tranh cách mạng của những người Việt Nam yêu nước.
Ngày 19/6/1975: Việt Nam và New Zealand chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong suốt 48 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ, được nâng cấp từ quan hệ Đối tác Toàn diện (2009) lên quan hệ Đối tác Chiến lược (2020), đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia cũng như việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương.
Ngày 19/6/1981: Hiệp định Liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên Xô về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô (đến năm 2011 được đổi tên thành Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro) tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía Nam Việt Nam đã được long trọng ký kết tại Mát-xcơ-va. Sự ra đời của Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô trong hoàn cảnh đất nước đang khó khăn đã trở thành bước ngoặt quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam.
Trải qua chặng đường lịch sử hơn bốn thập kỷ, từ những ngày đầu gian khó tới thời điểm tìm thấy dòng dầu đầu tiên và liên tiếp khai thác hàng triệu tấn dầu từ lòng đất, Vietsovpetro giờ đây đã đổi mới, ngày càng lớn mạnh và khẳng định vị trí của mình trên bản đồ dầu khí khu vực và trên thế giới.
Ngày 19/6/2002: Chính phủ ban hành Nghị định 64/2002/NĐ-CP của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần.
Ngày 19/6/2003: Bộ Công nghiệp có Quyết định 100/2003/QĐ-BCN về việc giải thể Tổng Công ty Da - Giầy Việt Nam.
Ngày 19/6/2009: Quốc hội ban hành Nghị quyết 34/2009/NQ-QH12 đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngày 19/6/2012: Quyết định 3416/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về định hướng Kế hoạch 5 năm 2011-2015 của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam.
Ngày 19/6/2015: Bộ Công Thương ban hành công văn số 6056/BCT-TTTN về việc điều hành kinh doanh xăng dầu.
* Sự kiện quốc tế
Ngày 19/6/1623: Ngày sinh của nhà khoa học và triết học nổi tiếng thế giới Blaise Pascal. Ông chính là tác giả của chiếc máy tính cơ học đầu tiên, đồng thời là người đưa ra nhiều học thuyết khoa học nổi tiếng, trong đó có định luật Pascal và lý thuyết xác suất.
Ngày 19/6/1961: Vương quốc Anh trao đổi công hàm với Kuwait thống nhất hủy bỏ Hiệp ước bảo hộ Anh - Kuwait tồn tại từ năm 1899, đồng thời chính thức công nhận nước này là một quốc gia độc lập.
Ngày 19/6/1953: Vợ chồng nhà khoa học người Mỹ Julius Rosenberg và Ethel Rosenberg bị hành quyết trên ghế điện tại Nhà tù Sing Sing ở Ossining, New York bởi tội danh “gián điệp” giúp Liên Xô có được bí mật công nghệ chế tạo vũ khí nguyên tử của Mỹ. Julius Rosenberg và Ethel Rosenberg là những công dân Mỹ đầu tiên bị kết án tử và hành quyết vì tội danh gián điệp. Cho đến ngày nay, cái chết của vợ chồng nhà khoa học này vẫn còn là chủ đề khiến nhiều người tranh cãi.
* Sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 19/6/1924: Khi người thanh niên yêu nước Phạm Hồng Thái thực hiện vụ mưu sát tên Toàn quyền Đông Dương Méclanh (Merlin) tại Sa Diện, Nguyễn Ái Quốc lúc này đang hoạt động ở Liên Xô đã đưa ra lời nhận định: “Nó báo hiệu bắt đầu thời đại đấu tranh dân tộc, như chim én báo hiệu mùa Xuân”.
Ngày 19/6/1947: Nhân dịp tròn 6 tháng Toàn quốc Kháng chiến, Bác ra lời kêu gọi: “Vì đồng bào ta đại đoàn kết. Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng: Quyết không làm nô lệ. Chỉ có một chí: Quyết không chịu mất nước. Chỉ có một mục đích: Quyết kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”.
Ngày 19/6/1948: Nhân “kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến”, Bác có bài viết đăng trên Báo Vệ Quốc quân với nhan đề “Các tướng sĩ yêu mến tiến lên!” để biểu dương “những bộ đội đã làm cho giặc Pháp thiệt hại nhiều, đã có thành tích vẻ vang” và khen ngợi “những bộ đội du kích phụ lão và phụ nữ cùng các chú liên lạc đã tỏ ra rất oanh liệt, đã làm cho thế giới biết rằng: người già, đàn bà và trẻ con Việt Nam đều là những chiến sĩ yêu nước và dũng cảm, tranh đấu hy sinh cho Tổ quốc”.
“Bất cứ công việc gì thiếu cán bộ, khó thực hiện được” - đây là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết: “Tại sao hợp tác xã chưa thấy xuất hiện ở thôn quê” đăng trên Báo Cứu quốc số ra ngày 19/6/1946, với bút danh “Q.Th”.
Sau khi cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chúng ta tập trung củng cố chính quyền non trẻ mới được thành lập, quan tâm đến đời sống của nhân dân, xây dựng lực lượng cách mạng, chủ động đối phó với thù trong giặc ngoài. Lúc này ở miền Bắc đang đẩy mạnh phong trào xây dựng hợp tác xã kiểu mới theo chủ trương của Chính phủ, song đội ngũ cán bộ của ta còn mỏng về số lượng, phần lớn chưa qua đào tạo, kinh nghiệm về xây dựng hợp tác xã kiểu mới còn nhiều hạn chế.
Để khắc phục những khó khăn trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác cán bộ. Người đánh giá cao vị trí, vai trò của cán bộ trong mọi công việc. Đồng thời, Người luôn căn dặn đội ngũ cán bộ, đảng viên phải là những người tiên phong đưa đường lối, chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống, đi vào quần chúng nhân dân lao động, biết cách biến đường lối, chủ trương đó thành hiện thực. Người khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, do đó: “Cán bộ quyết định mọi việc”.