Ngày này năm xưa 2/12: Phê duyệt danh mục nhà máy điện phối hợp vận hành với nhà máy điện lớn

Ngày này năm xưa 2/12, Bộ Công Thương ban hành Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại; phê duyệt danh mục nhà máy điện...

Sự kiện trong nước

Ngày 2/12/2002, Bộ Công nghiệp ban hành quyết định số 53/2002/QĐ-BCN về việc ban hành Quy chế làm việc của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công nghiệp.

Ngày 2/12/2004, Thủ tướng chính phủ ban hành quyết định số 2020256/2003/QĐ-TTg quyết định về việc phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Ngày 2/12/2004, Bộ Công nghiệp ban hành quyết định số 151/2004/QĐ-BCN quyết định của Bộ Công nghiệp về việc chuyển Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh thành Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh.

Ngày 2/12/2008, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 15/2008/TT-BCT hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16/1/2008 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại.

Bộ Công Thương ký Quyết định 4712/QĐ-BCT phê duyệt danh mục nhà máy điện phối hợp vận hành với nhà máy điện lớn.

Bộ Công Thương ký Quyết định 4712/QĐ-BCT phê duyệt danh mục nhà máy điện phối hợp vận hành với nhà máy điện lớn.

Ngày 2/12/2016, Bộ Công Thương ký Quyết định 4712/QĐ-BCT phê duyệt danh mục nhà máy điện phối hợp vận hành với nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gồm Thủy điện Bản Chát, Thủy điện Huội Quảng, Thủy điện Pleikrông, Thủy điện Sesan 3, Thủy điện Sesan 4.

Ngày 2/12/1953: Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra quyết định số 34/NQ/TW thành lập Ban nghiên cứu Văn học, Lịch sử, Địa lý, còn gọi là Ban nghiên cứu Văn, Sử, Địa, là một ban nghiên cứu khoa học xã hội trực thuộc Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) vào những ngày đầu mới thành lập.

Theo quyết định này, Ban đặt dưới sự quản lý của Ban Tuyên huấn Trung ương trực thuộc Trung ương Đảng. Từ năm 1957 Ban chuyển sang chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Giáo dục. Ban đã giải thể vào đầu năm 1959 để thành lập các tổ chức khác.

Ban nghiên cứu Văn, Sử Địa chỉ tồn tại trong khoảng 5 năm nhưng đã đặt những cột mốc đầu tiên cho lộ trình thành lập Viện Khoa học xã hội Việt Nam, là cơ sở cho sự phát triển toàn diện ngành khoa học xã hội Việt Nam sau này.

Ngày 2/12/1964: Mở đầu chiến dịch Bình Giã đến ngày 3/1/1965, trong đó các trận đánh chính diễn ra tại nơi nay là xã Bình Giã, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là chiến dịch đầu tiên của bộ đội chủ lực trên chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ, góp phần vào việc chuyển hóa tương quan so sánh lực lượng trên chiến trường, tạo ra thế và lực mới để đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Thắng lợi của chiến dịch Bình Giã không chỉ đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của quân chủ lực miền Nam mà còn góp phần phát triển nghệ thuật chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ngày 2/12/2022, Văn phòng Chủ tịch nước công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố một số Luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Sự kiện quốc tế

Ngày 2/12/1975, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào được thành lập, xóa bỏ chế độ quân chủ lạc hậu, tay sai đế quốc, cử Hoàng thân Xuphanuvông làm Chủ tịch nước, kết thúc thắng lợi 30 năm kháng chiến chống đế quốc (1945-1975). Kể từ đây đất nước Triệu Voi bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, dân chủ và xây dựng xã hội công bằng, văn minh. Cùng với Việt Nam và Campuchia, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã góp phần bảo vệ hòa bình và hữu nghị trên bán đảo Đông Dương.

Ngày Quốc tế Giải phóng nô lệ. Sự kiện này được ấn định bởi Liên hợp quốc lần đầu tổ chức vào năm 1986. Lý do ngày 2/12 được lựa chọn là để kỷ niệm ngày 2/12/1949, khi các công ước về chống vận chuyển người và mại dâm trái phép được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua.

2/12/1804: Napoléon Bonaparte làm lễ đăng quang hoàng đế Pháp tại Nhà thờ Đức bà Paris, là hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Pháp trong vòng một nghìn năm.

2/12/1988: Bà Benazir Bhutto tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Pakistan, trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo chính phủ trong một đất nước Hồi giáo.

2/12/1982: Tại thành phố Salt Lake (Hoa Kỳ), tim nhân tạo có tên là Jarvik 7 đã được bác sĩ De Vries ghép lần đầu tiên cho một người bệnh tên là Clarke. Phương pháp ghép tim nhân tạo đã cho phép y học đạt tiến bộ trong việc chữa trị người bệnh

2/12/1908: Phổ Nghi lên ngôi, trở thành hoàng đế cuối cùng của triều Thanh cũng như của Trung Quốc.

Sự kiện về Bác Hồ

“Bộ đội phải kính trọng dân, giúp đỡ dân. Dân phải thương yêu bộ đội, ủng hộ bộ đội. Quân và dân phải luôn luôn đoàn kết nhất trí” - Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong thư “Gửi toàn thể cán bộ và chiến sĩ Đường số 4 cùng dân quân du kích và đồng bào trong miền Đường số 4”, đăng trên Báo Cứu quốc, số 1411, ra ngày 2/12/1949.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một Quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”.

Lời căn dặn của Bác có ý nghĩa sâu sắc, là sự nhắc nhở ân cần về trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm của quân đội đối với nhân dân. Thấm nhuần lời căn dặn của Hồ Chủ tịch, 78 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn chăm lo xây dựng, giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp, đoàn kết quân dân; gắn bó máu thịt với nhân dân, hết lòng thương yêu dân, quý trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân; ngược lại, nhân dân cũng hết lòng yêu thương, đùm bọc, chăm sóc, giúp đỡ quân đội.

Ngày 2/12/1965, phát biểu tại Đại hội những phụ nữ xuất sắc trong phong trào “Ba đảm đang” của Thủ đô, Bác nhấn mạnh: “Dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng, thanh niên Việt Nam là thanh niên anh hùng, phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng. Hai nghìn năm trước đây, ta có các nữ anh hùng Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, trong kháng chiến chống giặc Pháp trước kia và trong kháng chiến chống giặc Mỹ ngày nay, ta cũng có nhiều anh hùng là phụ nữ. Trên thế giới chưa có nơi nào phụ nữ làm Phó Tổng tư lệnh như ở miền Nam nước ta... Khó khăn đến mấy chúng ta cũng vượt qua được và nhất định chúng ta đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược”.

Đỗ Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-212-phe-duyet-danh-muc-nha-may-dien-phoi-hop-van-hanh-voi-nha-may-dien-lon-289291.html