Ngày này năm xưa 2/9: Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam; chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc

Ngày này năm xưa: Ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc.

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương và quốc tế; các sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 2/9.

Sự kiện trong nước

Ngày 2/9/1945: Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngay sau khi Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đã trang trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Thắng lợi vang dội của cuộc Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời bản "Tuyên ngôn Độc lập" năm 1945 khẳng định đất nước ta đã hoàn toàn độc lập, nhân dân ta từ thân phận nô lệ, xứng đáng được hưởng cuộc sống tự do, hạnh phúc và làm chủ vận mệnh của mình. Kể từ thời khắc thiêng liêng ấy đến nay đã 78 năm nhưng niềm tự hào, cảm xúc về ngày Độc lập luôn vẹn nguyên trong tâm trí của biết bao thế hệ người Việt Nam.

Ngày 2/9/1948: Hội nghị chuyên môn quân giới toàn quân được tổ chức. Đây là hội nghị chuyên môn đầu tiên của toàn ngành sản xuất vũ khí nước Việt Nam.

Ngày 2/9/1955: Diễn ra lễ tuyên dương Anh hùng quân đội lần thứ hai. Đại hội tuyên dương 26 anh hùng, trong đó truy phong 8 liệt sĩ.

Ngày 2/9/1965: Ngày thành lập Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4). Đây là sư đoàn chủ lực cơ động đầu tiên trên chiến trường miền Đông Nam bộ, được thành lập trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sư đoàn 9 đã làm nên những chiến thắng vang dội như Bầu Bàng, Dầu Tiếng, đánh bại lữ đoàn 173 thuộc sư đoàn bộ binh số 1 anh cả đỏ của Mỹ... Sau ngày giải phóng, sư đoàn làm nhiệm vụ quân quản Sài Gòn - Gia Định, đồng thời tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, góp phần giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.

Ngày 2/9/1969: Sau một thời gian lâm bệnh nặng, vào lúc 9 giờ 47 phút, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi vào cõi vĩnh hằng. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi nhưng tên tuổi, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Người vẫn còn sống mãi trong muôn triệu trái tim, khối óc của nhân dân Việt Nam cũng như bạn bè khắp năm châu trên thế giới.

Các công trình trong Khu Di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông còn là nơi để đồng bào, chiến sĩ cả nước và khách quốc tế đến dâng hương tưởng niệm

Các công trình trong Khu Di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông còn là nơi để đồng bào, chiến sĩ cả nước và khách quốc tế đến dâng hương tưởng niệm

Ngày 2/9/2015: Khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích K9 - Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội).

Sự kiện quốc tế

Ngày 2/9/1945: Kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Sáng ngày 2/9/1945, tại vịnh Tokyo, nghi lễ đầu hàng của phát xít Nhật trước quân Đồng minh diễn ra trên chiến hạm USS Missouri của Hải quân Mỹ, chính thức kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai - cuộc chiến quy mô nhất, tàn khốc và đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại, cướp đi sinh mạng của hơn 70 triệu người.

Ngày 2/9/1960: Đại hội toàn quốc nhân dân Cuba khai mạc. Đại hội thông qua những quyền cơ bản của công dân, xác định đường lối chống đế quốc và đoàn kết với các dân tộc đấu tranh cho tự do và hòa bình.

Ngày 2/9/1870: Chiến tranh Pháp - Phổ: Quân Phổ giành chiến thắng trước quân Pháp trong trận Sedan, bắt Napoléon III và khoảng 100.000 binh sĩ Pháp làm tù binh.

Ngày 2/9/1998: Một máy bay của Swissair rơi xuống Đại Tây Dương ngoài khơi Canada khi trên đường từ New York đến Genève, khiến 229 người trên máy bay thiệt mạng.

Sự kiện về Bác Hồ

Ngày 2/9/1946, tại Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự lễ kỷ niệm Quốc khánh đầu tiên cùng đông đảo kiều bào Việt Nam, một số bạn Pháp và Đoàn Việt Nam dự Hội nghị Fontainebleau.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ Việt kiều tại Pháp năm 1946. (Nguồn: Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao)

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ Việt kiều tại Pháp năm 1946. (Nguồn: Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao)

Ngày 2/9/1947, Bác ra lời kêu gọi nhân kỷ niệm ngày Cách mạng và Quốc khánh lần đầu tiên tổ chức trong hoàn cảnh kháng chiến. Bác kêu gọi: “Tướng sĩ trước mặt trận, đồng bào ở hậu phương, ai nấy đều phải đoàn kết chặt chẽ, cố gắng làm đúng bốn chữ Cần, Kiệm, Liêm, Chính, thì cuộc trường kỳ kháng chiến của ta nhất định vững vàng”.

Ngày 2/9/1947, trên báo “Sự Thật”, Bác viết bài “Cán bộ và Đời sống mới” đưa ra nguyên lý: “Cán bộ muốn cho xứng đáng, phải làm được việc. Muốn làm được việc, thì phải được dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn được dân tin, dân phục, dân yêu, cán bộ phải tự mình làm đúng đời sống mới. Nghĩa là phải siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng. Nếu không thực hành bốn điều đó, mà muốn được lòng dân, thì cũng như bắc dây leo trời”.

Ngày 2/9/1950, trong bài viết “Phải tẩy sạch bệnh quan liêu” đăng trên báo “Sự Thật”, Bác chỉ ra “thang thuốc chữa bệnh quan liêu là: Phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết. Phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân. Phải thật thà thực hành phê bình và tự phê bình. Phải làm kiểu mẫu: Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-29-quoc-khanh-nuoc-chxhcn-viet-nam-chien-tranh-the-gioi-lan-thu-2-ket-thuc-269781.html