Ngày Quốc tế xóa đói giảm nghèo 2024: Vì xã hội công bằng, hòa bình và toàn diện

Ngày quốc tế xóa đói giảm nghèo (17/10) là một sự kiện quan trọng nhằm tăng cường nhận thức và hành động toàn cầu trong việc xóa bỏ nghèo đói và bất bình đẳng. Đây cũng là cơ hội để các quốc gia cùng nhìn lại và đẩy mạnh tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là mục tiêu chấm dứt nghèo đói vào năm 2030.

Chủ đề năm nay được Liên Hợp Quốc lựa chọn là “chấm dứt sự ngược đãi về mặt xã hội và thể chế, hành động cùng nhau vì xã hội công bằng, hòa bình và toàn diện”. Theo Liên Hợp Quốc, chủ đề của năm nay sẽ nêu bật một trong những nguyên nhân của nghèo đói là sự ngược đãi về mặt xã hội và thể chế mà những người sống trong cảnh nghèo đói phải trải qua, đồng thời xem xét các cách thức cùng nhau hành động hướng tới Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG)16 nhằm thúc đẩy xã hội công bằng, hòa bình và toàn diện.

Trong một thông điệp nhân ngày Quốc tế xóa đói giảm nghèo năm nay, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết, nghèo đói là một tai họa toàn cầu, ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người trên khắp thế giới.

Nghèo đói không phải là điều không thể tránh khỏi: “Nếu không hành động, tình hình sẽ xấu đi. Xung đột đang gia tăng. Khủng hoảng khí hậu sẽ leo thang, khi lượng khí thải tiếp tục tăng. Và tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã gia tăng theo từng năm. Chương trình Lương thực Thế giới ước tính rằng có hơn 330 triệu người bị ảnh hưởng vào năm 2023. Và chương trình này đã cảnh báo về sự suy thoái nghiêm trọng ở mười tám điểm nóng đói nghèo vào đầu năm nay. Để tránh các mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với hòa bình và an ninh quốc tế, chúng ta phải vào cuộc. Và hành động ngay bây giờ để phá vỡ mối liên hệ chết chóc giữa xung đột, khí hậu và mất an ninh lương thực".

Trẻ em nghèo ở Ấn Độ xếp hàng chờ thực phẩm. Ảnh: CNBC

Trẻ em nghèo ở Ấn Độ xếp hàng chờ thực phẩm. Ảnh: CNBC

Theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc, tình trạng nghèo đói toàn cầu đang có những thách thức đáng kể. Năm 2023, khoảng 1,1 tỷ người trên toàn thế giới vẫn đang sống trong tình trạng nghèo đa chiều, đặc biệt là ở vùng châu Phi cận Sahara và Nam Á. Mặc dù nhiều quốc gia đã đạt được tiến bộ trong việc giảm nghèo, song công cuộc xóa nghèo của thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt ở các quốc gia thu nhập thấp.

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cho biết 26 quốc gia nghèo nhất trên thế giới, nơi sinh sống của 40% dân số có hoàn cảnh khó khăn nhất, đang mắc nợ nhiều hơn bao giờ hết kể từ năm 2006. Các nước này nằm ở khu vực cận Sahara châu Phi, từ Ethiopia đến Cộng hòa Chad và Congo. Afghanistan và Yemen cũng nằm trong nhóm các quốc gia nghèo nhất. Ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng nghèo đói luôn là thách thức lớn tại nhiều quốc gia. Dự kiến, khoảng 590 triệu người sẽ vẫn sống trong tình trạng nghèo cực đoan vào năm 2030 nếu không có sự cải thiện đáng kể.

Ngày 17/10 hàng năm nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của việc đảm bảo sự phát triển bền vững, công bằng, và không ai bị bỏ lại phía sau. Ngày này cũng là dịp để tôn vinh những cá nhân và tổ chức đang ngày đêm nỗ lực trong công tác xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng một thế giới công bằng, thịnh vượng, và bền vững hơn cho tất cả mọi người.

Hoàng Nguyễn/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ngay-quoc-te-xoa-doi-giam-ngheo-2024-vi-xa-hoi-cong-bang-hoa-binh-va-toan-dien-post1129040.vov