Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam: An toàn trên môi trường trực tuyến
Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 (15/3) với chủ đề : 'Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn' cho thấy tầm quan trọng của thông tin với sự an toàn của người tiêu dùng.
Thương mại điện tử trở thành một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ngoài việc giúp người tiêu dùng mua bán nhanh chóng, thuận lợi là những rủi ro đi kèm như lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản; lừa đảo, bán hàng giả, hàng nhái, kéo dài thời gian giải quyết khi có khiếu nại…
Do đó, Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 (15/3) với chủ đề : “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn” cho thấy tầm quan trọng của thông tin với sự an toàn của người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh ngày càng nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến.
*Còn nhiều bất cập
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại đây, xu hướng tiêu dùng ngày càng thay đổi và đi liền đó là sự bùng nổ của thương mại điện tử. Bởi, bên cạnh sự tiện lợi, không mất thời gian lang thang tìm kiếm, người tiêu dùng còn được trải nghiệm việc so sánh giá cả và chất lượng trước khi đưa ra quyết định mua một sản phẩm hay dịch vụ nào đó. Thế nhưng, lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng, nhiều đối tượng đã tranh thủ tuồn hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng vào bán để trục lợi cùng muôn vàn thủ đoạn, chiêu trò che mắt cơ quan chức năng.
Chị Trịnh Thúy Hồng tại Hoàng Hoa Thám cho hay, do đặc thù công việc làm văn phòng nên không có nhiều thời gian ra ngoài mua sắm, tranh thủ thời gian rảnh thường ngồi lướt mạng xã hội và đặt hàng qua sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, dù mặt hàng đa dạng nhưng nhiều lần nhận hàng đều không đúng như quảng cáo. Nếu là quần áo, giày dép có thể sửa chữa, tận dụng được nhưng với những mặt hàng như mỹ phẩm hay thực phẩm chức năng, đồ ăn có thể gây nguy hại đến sức khỏe.
Theo chị Trịnh Thúy Hồng, trước đây nhiều lần đặt hàng online tại shop Ngọc Quyên Gia Lai, có thể một phần do ham rẻ, hàng hóa lại đa dạng với đủ thương hiệu nổi tiếng nhưng sản phẩm nhận lại chất lượng rất kém. Chẳng hạn như nước hoa mới nhận nút xịt đã rơi khỏi chai hay dầu gội sau khi gội tóc có hiện tượng rối cục khó gỡ, thậm chí không có chút mùi thơm mà thoang thoảng mùi khó chịu.
Sau nhiều lần nhắn tin không thấy shop hồi âm, chị Hồng điện thoại vào số hotline trình bày nhưng nhận lại là phản bác từ phía nhân viên rằng ai cũng khen sản phẩm tốt, lưu hương lâu và cảm ơn shop đã mang đến cho họ sản phẩm tốt giá rẻ. Cũng từ lúc ấy shop đã chặn số liên lạc qua mọi hình thức nên chị Hồng đành ngậm bồ hòn làm ngọt.
Chia sẻ về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Lê Triệu Dũng- Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho hay, thời gian qua, Ủy ban đã triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cùng đó, Ủy ban đã chỉ đạo triển khai có hiệu quả các Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng; Đề án Phát triển Hệ thống Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng tại Bộ Công Thương giai đoạn 2021-2025;Đề án phát triển hệ sinh thái số, tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử…Ngoài ra, Ủy ban đã thực hiện tốt việc thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với khoảng trên 150 hồ sơ; hoàn thiện quy trình, giải quyết phản ánh, kiến nghị của người tiêu dùng trên hệ thống tổng đài tư vấn miễn phí và các phương thức khác.
Trong năm 2023, đơn vị đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với 5 doanh nghiệp, đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt 600 triệu đồng. Dù đạt được nhiều kết quả nhưng ông Lê Triệu Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra việc phối hợp giữa Ủy ban với các Sở Công Thương, Hội Bảo vệ người tiêu dùng chưa thực sự hiệu quả bởi nguồn lực của Ủy ban và các cơ quan liên quan tại địa phương cũng đều bị hạn chế.
*Chung tay bảo vệ
Ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhấn mạnh: Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hàng năm, Trung ương hội đều có văn bản gửi đến Hội bảo vệ người tiêu dùng các tỉnh, thành phố về chương trình năm tới, bao gồm chủ đề cũng như những hoạt động cần bám sát… Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, thành phố, các hội địa phương sẽ triển khai hoạt động cụ thể theo tinh thần chung, tích cực huy động người tiêu dùng ở mọi cấp độ tham gia.
Bên cạnh đó, sau gần 2 năm tiến hành sửa đổi, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với việc tăng thêm quyền cho người tiêu dùng, gắn chặt với bảo đảm môi trường kinh doanh, bảo vệ lợi ích của người sản xuất, phân phối hàng hóa. Đồng thời, đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng nhận thức được rằng những hình thức kinh doanh chộp giật, thiếu minh bạch sẽ dần bị loại bỏ.
Chung tay hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã tổ chức tuyên truyền, khuyến mại, kích cầu và thu hút người tiêu dùng mua sắm sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Đồng thời, tổ chức hội chợ, triển lãm, phiên chợ... để thúc đẩy sự hiểu biết và tương tác giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Cụ thể, tỉnh Ninh Thuận đã lên kế hoạch tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngay quý II/2024 cho công chức, viên chức, người lao động, cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn. Ngoài ra, từ nay đến hết tháng 3, tỉnh tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại chợ, siêu thị, tuyến đường trung tâm các huyện, thành phố,... Riêng Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam sẽ diễn ra vào 15/3 với khoảng 300 người tham gia…
Tương tự, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cũng chú trọng tuyên truyền pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng; kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa; kiểm soát thị trường, giá cả; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực bảo vệ người tiêu dùng; hoàn thiện tổ chức, bộ máy, cán bộ thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở địa phương…
Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Thanh Hóa còn xây dựng tổng đài (hoặc đường dây nóng) tiếp nhận phản ánh, khiếu nại, tố cáo; tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng; lắp đặt hòm thư góp ý kiến tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, hàng tuần mở hòm thư để tiếp nhận ý kiến đồng thời giải quyết khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng.
Cùng đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chất lượng, sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường. Qua đó nhằm phòng, chống, xử lý hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đáng lưu ý, để hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam thường niên năm 2024 (15/3) do Bộ Công Thương phát động, bắt đầu từ ngày 8/3/2024, người mua hàng trên sàn Shopee có thể trả lại các sản phẩm đã mua có gắn nhãn “Đổi ý miễn phí 15 ngày”. Thời hạn cho phép trả lại hàng kéo dài lên đến 15 ngày kể từ ngày giao hàng (kéo dài hơn so với 3 ngày như chính sách trước đây) và miễn 100% phí ship hoàn về.
Người mua có thể yêu cầu trả hàng/hoàn tiền với lý do “không còn nhu cầu hoặc hàng có vấn đề”. Với thời hạn trả hàng được kéo dài này, người tiêu dùng sẽ có nhiều lợi ích hơn và cảm thấy yên tâm hơn khi mua sắm trực tuyến.
Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số thuộc Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: Trung tâm đã và đang triển khai các giải pháp như Hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ nhằm truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, chống hàng giả, hàng nhái, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý hoạt động thương mại điện tử có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn hành vi lừa đảo trong giao dịch trên không gian mạng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
Để khắc phục những hạn chế, ông Lê Triệu Dũng khẳng định: Năm 2024, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý; hoàn thiện cơ cấu tổ chức, tăng cường năng lực thực thi; tập trung xác minh dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh, tổ chức điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, đặc biệt là một số lĩnh vực mang tính chất nổi cộm…Đặc biệt, Ủy ban sẽ tập trung thực hiện kế hoạch triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2024 đồng thời tiếp tục quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh.