Ngày Rằm tháng Giêng - Tết Nguyên tiêu
Rằm tháng Giêng, Tết Nguyên tiêu diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 14 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Vào ngày này người dân thường cúng bái tổ tiên, trời đất và lên chùa, đi lễ để cầu bình an trong cuộc sống.
![Mâm cỗ cúng ngày rằm tháng Giêng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_619_51454023/f16c9234a47a4d24146b.jpg)
Mâm cỗ cúng ngày rằm tháng Giêng.
Cội nguồn của Tết Nguyên Tiêu được lưu truyền trong dân gian với nhiều giai thoại khác nhau. Tết Nguyên Tiêu, Tết Nguyên Đán cũng như nhiều ngày Tết khác của người Việt, đều có sự ảnh hưởng từ các tích truyện của Trung Quốc. Khi về đến Việt Nam, qua sự tiếp biến văn hóa, các phong tục, ngày lễ này đều có sự thay đổi ít nhiều. Tuy nhiên, cũng trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa, nước ta đồng thời có sự du nhập của Phật giáo, ảnh hưởng đến nhiều phương diện truyền thống, trong đó có ngày Tết Nguyên Tiêu. Nhờ sự hỗn dung văn hóa này, Tết Nguyên Tiêu cũng có ít nhiều sự biến đổi.
Theo truyền thống Phật giáo, ngày Rằm tháng Giêng là ngày trọng đại và vô cùng đặc sắc, mang ý nghĩa rất lớn. Vào ngày này, dân chúng lên chùa cúng dâng sao giải hạn với mong muốn giải trừ tai ách, cầu nguyện an lành. Chính vì vậy mà vào Rằm tháng Giêng, nhiều chùa lập đàn, tụng niệm và hồi hướng công đức đầu năm, mong cầu phát sinh an lành, hạnh phúc.
Từ nghi thức Phật giáo này kết hợp thêm với tục thờ cúng tổ tiên của người Việt, từ đó, không gian thờ cúng của ngày Rằm tháng Giêng càng mang nhiều ý nghĩa hơn.
Bên cạnh đó, sau Rằm tháng Giêng, người nông dân bắt tay chuẩn bị một vụ mùa mới. Trước khi xuống đồng, người dân làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Bởi vậy, từ lâu nay, mọi người luôn quan niệm "Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng" đã trở thành biểu tượng trong đời sống tín ngưỡng của người Việt, nhấn mạnh vị trí đặc biệt của ngày lễ này. Đây không chỉ là dịp để bày tỏ lòng thành, mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, gắn kết con người với truyền thống và nguồn cội. Rằm tháng Giêng mang nghĩa cầu an lành và may mắn.
Vào ngày này, mỗi gia đình thường chuẩn bị mâm cỗ cúng thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, ông bà, cầu năm mới phát tài phát lộc, khỏe mạnh. Vào dịp lễ ngày 14 và 15 âm lịch, người dân thường đi chùa lễ Phật, làm việc thiện, phóng sinh... để cầu mong bình an, phúc lộc. Tùy theo từng vùng, từng điều kiện gia đình mà có cách chuẩn bị mâm cỗ khác nhau. Quan trọng nhất vẫn là lòng thành tâm của gia chủ gửi tới tổ tiên, ông bà.
Cũng theo quan niệm xưa, cúng Rằm tháng Giêng vào ngày chính Rằm, giờ Ngọ (từ 11h trưa đến 1h chiều) là thời điểm tốt nhất. Mọi người tin rằng, đây là khung giờ thần Phật giáng thế, sẽ chứng nghiệm cho lòng thành của gia chủ. Tuy nhiên, nếu không sắp xếp được thời gian trên, gia chủ có thể làm lễ cúng trong khoảng thời gian từ sáng ngày 14 tháng Giêng đến trước 19h ngày 15 tháng Giêng.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/ngay-ram-thang-gieng-tet-nguyen-tieu-3175328.html