Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau

“…Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn/ Hai người sống giữa cô đơn/ Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi...”.

Cứ chiều chiều ông lại khiêng chiếc ghế mây ra bên hiên nhà ngồi hóng gió, miệng lẩm nhẩm đến thuộc lòng những câu thơ của Nguyễn Bính, thi thoảng mắt lại liếc chừng sang nhà hàng xóm bên kia bờ rào. Ở bên ấy hẳn bà cũng có những nỗi niềm riêng muốn được nói cùng ông. Ấy vậy mà chẳng có giậu mồng tơi nào ngăn cản, ông bà vẫn đành ngậm ngùi nhìn nhau len lén từ xa.

Ông, bà ở hai miền quê khác nhau, cơ duyên gặp gỡ là ông, bà vào ở cùng con, vừa đỡ cô quạnh tuổi già vừa đỡ đần con trông coi nhà cửa. Sáng sáng ông, bà xách chổi quét một lượt sân nhà rồi ra đến ngõ, cứ thế họ trở thành những người bạn từ lúc nào không rõ. Ông, bà đều đã ngoài 60 tuổi, cùng mất đi một nửa đời mình khi còn khá trẻ. Họ vì thương con mà không đành đi thêm bước nữa, hoàn cảnh giống nhau, cách nói chuyện quan tâm đã khiến họ đồng cảm và xích lại gần nhau hơn.

Thế rồi, hai người con của ông, bà nhận ra sự thân mật của cha, mẹ mình có vẻ đã hơi bất thường. Ban đầu, họ bóng gió đẩy đưa để ông, bà biết mà dừng lại. Về sau họ chẳng ngại nói thẳng mặt đối phương làm ông, bà xấu hổ. Mấy đứa con bảo rằng họ già rồi, gần đất xa trời còn tính gì chuyện tình cảm yêu đương. Suy nghĩ dăm ngày ông, bà quyết định dừng lại việc quan tâm chăm sóc lẫn nhau để con cái được vui lòng. Dẫu sao cũng đã chịu đựng sự cô đơn trong ngần ấy thời gian, họ chỉ tiếc vì không còn người tâm sự sẻ chia vui buồn trong cuộc sống. Sau hôm ấy ông, bà cố gắng không chạm mặt nhau nữa, nhưng từ đó ngày nào ông cũng ra ngồi bên hiên nhà để yên tâm vẫn thấy bóng bà lọ mọ phía bên kia.

Một hôm ông ra ngồi cả buổi mà không thấy bóng bà thấp thoáng, suy nghĩ mông lung tim ông như thắt lại, giờ này con cháu đều không có ở nhà ngộ nhỡ xảy ra chuyện gì. Ông vội vàng chạy sang và hốt hoảng thấy bà ngã sõng soài dưới bếp bất tỉnh. Chẳng suy nghĩ được nhiều, ông gọi ngay cho con trai về đưa bà đi cấp cứu. Mấy hôm bà nằm viện, lòng ông nóng như lửa đốt. Ông cứ đến bệnh viện rồi lại đứng ngoài cửa ngó vào, thấy bà vẫn bình an, ông lặng lẽ ra về. Đến ngày thứ ba thì con gái bà bắt gặp, vừa vui mừng vừa ngại ngùng vì những lời nói của mình hôm trước. Cô cúi gằm mặt xin lỗi và cảm ơn ông, nhờ có ông phát hiện kịp thời bà mới không nguy hiểm đến tính mạng.

Bà nằm viện thêm mấy hôm, ông đều đặn đến chăm nom nhưng không cần đón xe ôm nữa mà con trai ông tình nguyện chở vào. Bà nằm trên giường bệnh nhỏ bé nhưng trên mặt đã có nhiều nét tươi tỉnh. Chốc chốc ông lại bóp tay chân cho bà, pha từng ly sữa, bóc từng quả cam, người ngoài vẫn nghĩ ông, bà là vợ chồng lâu năm. Nắm bàn tay xanh xao, gầy guộc của bà, mắt ông rơm rớm, rồi ông bảo đọc thơ cho bà nghe nhé, bài thơ của Nguyễn Bính mà bà vẫn rất thích ấy; rồi hôm nào bà xuất viện ông nhất định sẽ trồng giậu mồng tơi ngay bờ rào, để bà tha hồ vuốt ve những chùm trái căng mọng tím thẫm như thời trẻ bà vẫn thích.

Sau đận ấy, những người con của ông, bà đã thôi không ngăn cản chuyện hai người quan tâm chăm sóc lẫn nhau nữa. Họ có cuộc sống, gia đình và niềm vui của riêng họ, thì việc ông, bà có nhu cầu sẻ chia cũng là tất yếu. Vả lại họ cũng chẳng thể ở bên cha mẹ mọi lúc mọi nơi, thì việc cha mẹ có người bạn đời càng trở nên cần thiết.

Tình yêu là thứ tình cảm không phân biệt tuổi tác, địa vị sang hèn, yêu chỉ vì yêu thôi không cần một lý do nào khác. Và dù ở tuổi xế chiều thì thứ người ta luôn mong mỏi cũng chính là có được tình yêu và hạnh phúc, giống như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết “... xin hãy cho mưa qua miền đất rộng, ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…”.

Minh Khôi

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/150155/ngay-sau-soi-da-cung-can-co-nhau