Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới 2025: Bảo vệ giá trị sáng tạo của con người
Ngày Sở hữu Trí tuệ Thế giới 2025 tôn vinh sự đóng góp của các chủ thể sáng tạo, nhà sáng chế và doanh nhân, những người đã mở rộng giới hạn sáng tạo và truyền cảm hứng cho một tương lai đổi mới.

Các đại biểu cùng thực hiện nghi thức khởi động, đánh dấu sự kiện chính thức hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới 2025. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Sáng ngày 25/4 tại Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp cùng Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức sự kiện "Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới 26/4/2025."
Chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới năm 2025 là "Sở hữu trí tuệ và Âm nhạc – Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ" nhằm tôn vinh những đóng góp của các cá nhân sáng tạo, nhà sáng chế và doanh nhân, những người không ngừng mở rộng giới hạn sáng tạo và truyền cảm hứng cho tương lai đổi mới.
Trong bối cảnh ngành công nghiệp âm nhạc hiện đại, sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng, bảo vệ giá trị sáng tạo và quyền lợi của các cá nhân và tổ chức. Không chỉ là công cụ quản lý, sở hữu trí tuệ còn là nền tảng bảo vệ quyền lợi tinh thần của nhạc sĩ.
Ông Lưu Hoàng Long - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), nhấn mạnh rằng thông điệp của Ngày Sở hữu trí tuệ năm nay là lời nhắc nhở chúng ta suy ngẫm sâu sắc về vai trò của sở hữu trí tuệ trong thế giới tinh thần của con người.
Sở hữu trí tuệ không chỉ là động lực thúc đẩy sáng tạo và tăng trưởng kinh tế, mà còn là công cụ bảo vệ những kho tàng nghệ thuật quý giá của nhân loại. Âm nhạc, như một phần của nghệ thuật, là nguồn nuôi dưỡng tinh thần, giúp người dân thư giãn và giảm bớt căng thẳng trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên theo ông Long, giống như các ngành nghệ thuật khác, âm nhạc cũng cần một hệ thống bảo vệ sở hữu trí tuệ mạnh mẽ để bảo vệ và thúc đẩy việc khai thác quyền lợi thương mại và tinh thần của các nghệ sĩ sáng tạo và biểu diễn.
"Nhịp điệu của sở hữu trí tuệ chính là khả năng linh hoạt và sẵn sàng điều chỉnh để thích ứng với thay đổi và tạo ra sự thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp hiện đại. Trong kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo, các sản phẩm âm nhạc có thể dễ dàng bị sao chép và khai thác trái phép, do đó cần một hệ thống sở hữu trí tuệ hiệu quả để ngăn chặn những hành vi này," ông Long cho biết.

Ông Lưu Hoàng Long - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ đã xác định sở hữu trí tuệ là một trong những trụ cột quan trọng trong chiến lược đổi mới sáng tạo quốc gia. Cục đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan, bộ ngành để tổ chức các chương trình nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ và hỗ trợ cộng đồng hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ. Trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách và thúc đẩy giáo dục về sở hữu trí tuệ trong trường học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ bảo vệ và thương mại hóa tài sản trí tuệ.
Về phía Hà Nội, trong thời gian qua, Thủ đô đã được công nhận là một điểm sáng trong lĩnh vực khoa học công nghệ của cả nước, với kết quả đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực. Thành phố tập trung hơn 70% các tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học và viện nghiên cứu, tạo ra một lợi thế quan trọng cho việc đầu tư vào phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Khẳng định tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ cũng như vai trò của Cục Sở hữu trí tuệ, ông Nguyễn Quốc Hà - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội nhấn mạnh sự kiện là dịp để tôn vinh vai trò của đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.

Ông Nguyễn Quốc Hà - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ông Hà cũng cho biết, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai một số định hướng quan trọng, bao gồm: xây dựng Hà Nội trở thành "Thành phố Sáng tạo," phát triển các khu công nghệ cao và trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong các lĩnh vực AI, Blockchain, chuyển đổi số và công nghệ xanh; nâng cao nhận thức cộng đồng và tăng cường giáo dục về sở hữu trí tuệ trong các trường học và qua các phương tiện truyền thông; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tận dụng các chính sách pháp lý mới và phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ để triển khai các cơ chế hỗ trợ theo Luật Thủ đô và các chính sách phát triển tài sản trí tuệ.
Cũng tại sự kiện, các đại biểu đã cùng thực hiện nghi thức khởi động, đánh dấu chính thức hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới 26/4/2025./.