Ngày sức khỏe Tiêu hóa Thế giới 29/5: Tiêu hóa khỏe là chìa khóa phòng chống bệnh tật

Hệ thống tiêu hóa đóng vai trò rất quan trọng để hỗ trợ chức năng miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, bởi 70% hệ miễn dịch biểu mô của chúng ta nằm ở đường ruột.

Dinh dưỡng ảnh hưởng đến thành phần vi khuẩn đường ruột và hệ miễn dịch

Hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới, sáng ngày 29/5/2023, Báo Sức khỏe và Đời sống đồng hành cùng Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức phát động chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày sức khỏe Tiêu hóa Thế giới với thông điệp "Khỏe tiêu hóa, khỏe đề kháng". Chương trình có sự đồng hành tài trợ của Công ty CP Sữa Việt Nam – Vinamilk.

Chương trình nhằm nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe tiêu hóa của cộng đồng, giúp cộng đồng có nhận thức đúng về ý nghĩa của tiêu hóa đối với sức khỏe, các giải pháp dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường đề kháng, xây dựng thói quen tốt để chăm sóc hệ tiêu hóa khỏe mạnh tự nhiên.

Hệ thống tiêu hóa đóng vai trò rất quan trọng để hỗ trợ chức năng miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, bởi 70% hệ miễn dịch biểu mô của chúng ta nằm ở đường ruột.

Có thể nói Tiêu hóa khỏe đồng nghĩa với Đề kháng khỏe, là chìa khóa phòng tránh bệnh tật, giúp cơ thể khỏe mạnh. Ngoài ra, các nghiên cứu mới cũng chỉ ra mối liên hệ giữa hệ thần kinh ruột với thần kinh trung ương mang tính chất hai chiều và được gọi là trục não ruột.

PGS.TS Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia phát biểu tại sự kiện.

PGS.TS Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia phát biểu tại sự kiện.

Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, sức khỏe tiêu hóa đóng vai trò rất quan trọng đối với sức đề kháng và sức khỏe của cơ thể con người, đặc biệt hệ đường ruột được xem như người gác cổng, hàng rào đường ruột, bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho cơ thể.

Hệ vi sinh đường ruột có vi khuẩn, virus, nấm sống dọc chiều dài khoảng 7,5 mét của đường ruột. Vi khuẩn ruột giúp duy trì hàng rào, có lợi cạnh tranh về thức ăn, tiêu diệt vi khuẩn có hại, hình thành đáp ứng miễn dịch.

Lớp niêm mạc nhày của ruột là hàng rào ruột khỏe mạnh được bao phủ bởi lớp niêm mạc nhày, những tế bào niêm mạc tạo nên hàng rào vật lý và sinh hóa ngăn các vi sinh vật gây hại và các chất độc xâm nhập, trong khi cho phép các chất dinh dưỡng có lợi hấp thu. Các nhà khoa học đã thấy thiếu chất xơ trong chế độ ăn sẽ ăn mòn hàng rào niêm mạc nhày, làm chúng ta dễ mắc các vi khuẩn gây bệnh.

Hệ miễn dịch tại đường ruột, có khoảng 70% hệ miễn dịch của cơ thể nằm tại ruột, trong thành ruột có khu vực đặc biệt được gọi là mô lympho liên quan đến ruột (GALT) như mảng Peyer…. GALT sản xuất và dự trữ tế bào miễn dịch (IgA…) giúp giám sát miễn dịch những chất đi qua ruột. Chúng nhận ra, xác định và trung hòa bất kỳ chất gây hại mà thấy trên đường vào cơ thể. Tế bào miễn dịch trong ruột tương tác với hệ vi khuẩn ruột và trực tiếp tác động bởi chế độ ăn và lối sống của cá thể. Những hệ vi khuẩn chí này sẽ khỏe và hỗ trợ hệ miễn dịch mạnh khỏe khi chúng ta có chế độ ăn khỏe, cân đối, đa dạng.

"Chế độ dinh dưỡng tốt rất quan trọng đối với hệ vi khuẩn đường ruột và tăng chức năng miễn dịch. Chế độ ăn cân đối, lối sống lành mạnh có thể hỗ trợ hệ thống miễn dịch trong khi chế độ ăn nghèo nàn có thể làm giảm hệ thống miễn dịch làm dễ mắc nhiễm trùng. Chế độ ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm sẽ cung cấp các chất dinh dưỡng cần cho hệ miễn dịch khỏe mạnh", PGS.TS Trần Thanh Dương nói.

Các nhà dinh dưỡng học khuyến cáo cung cấp các chất dinh dưỡng từ thực phẩm cung cấp chất đạm, chất béo tốt, chất chống oxy hóa và các vitamin và chất khoáng cần thiết cho hệ miễn dịch hoạt động tốt. Dinh dưỡng ảnh hưởng đến thành phần vi khuẩn đường ruột và hệ miễn dịch.

Hệ tiêu hóa khỏe là tiền đề của cơ thể khỏe mạnh

Với việc tổ chức Chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới 2023, chủ đề: Khỏe tiêu hóa, khỏe đề kháng, Báo Sức khỏe và Đời sống cùng Viện Dinh dưỡng Quốc gia mong muốn thực hiện mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân trước thực trạng về các vấn đề tiêu hóa, dinh dưỡng tại Việt Nam và thế giới, hiểu rõ vai trò của hệ tiêu hóa đối với sức đề kháng, sức khỏe tổng thể, và cách chăm sóc sức khỏe tiêu hóa, nâng cao sức khỏe cộng đồng, hướng tới cuộc sống vui vẻ, khỏe mạnh cho mọi người, mọi nhà.

Ông Trần Tuấn Linh - Tổng Biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống

Ông Trần Tuấn Linh - Tổng Biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống

Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Tuấn Linh - Tổng Biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, sức khỏe tốt là nền tảng cơ bản của một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc và thành công. Mỗi người chỉ có thể tự do thực hiện ý tưởng, ước mơ, nguyện vọng của cuộc đời mình khi có đủ sức khỏe. Chính vì vậy, việc thực hành chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh tật vô cùng quan trọng đối với mỗi người, mỗi gia đình. Trong đó, chăm sóc sức khỏe cho hệ tiêu hóa cũng chính là chăm sóc sức khỏe cho cơ thể bởi sức khỏe hệ tiêu hóa có tác động trực tiếp đến sức khỏe toàn diện của cơ thể. Một hệ tiêu hóa khỏe được xem là một trong những tiền đề giúp cơ thể khỏe mạnh.

Từ năm 2004, Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 29/5 bởi Tổ chức Tiêu hóa Thế giới (WGO). Chủ đề của Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới 2023 là: Đường ruột khỏe mạnh ngay từ điểm khởi đầu. Với chủ đề về đường ruột khỏe mạnh, nội dung truyền thông tập trung tuyên truyền, phổ biến đến cộng đồng về các chức năng bình thường của đường tiêu hóa và các cách để giữ cho đường tiêu hóa khỏe. Qua đó, có thể thấy vai trò, ý nghĩa quan trọng của một hệ tiêu hóa khỏe mạnh đối với cơ thể.

"Là cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, với vai trò là diễn đàn vì sự nghiệp chăm sóc bảo vệ nâng cao sức khỏe toàn dân, Báo Sức khỏe và Đời sống xác định hoạt động hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới cũng chính là nhiệm vụ truyền thông của báo, góp phần tuyên truyền phổ biến kiến thức nhằm nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe tiêu hóa của cộng đồng, giúp cộng đồng có nhận thức đúng về ý nghĩa của tiêu hóa đối với sức khỏe tổng thể", ông Trần Tuấn Linh phát biểu tại sự kiện.

Các đại biểu tham dự sự kiện chụp ảnh lưu niệm.

Các đại biểu tham dự sự kiện chụp ảnh lưu niệm.

Đồng hành cùng Báo Sức khỏe Đời sống trong Chương trình truyền thông thường niên hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới là Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đơn vị nghiên cứu dinh dưỡng đầu ngành của cả nước. Sự đồng hành của các chuyên gia dinh dưỡng, cũng như những tư vấn quý giá của các chuyên gia trong chương trình sẽ đem đến cho người dân và cộng đồng những thông tin hữu ích, các giải pháp dinh dưỡng khoa học, lành mạnh, giúp xây dựng thói quen tốt để chăm sóc hệ tiêu hóa khỏe mạnh, từ đó nâng cao sức đề kháng của cơ thể, giúp cơ thể phòng tránh bệnh tật", ông Trần Tuấn Linh nói.

Theo PGS.TS Trần Thanh Dương, chăm sóc hệ tiêu hóa nâng cao sức khỏe cần chủ động và duy trì đều đặn hằng ngày bằng chế độ ăn uống cân đối, lành mạnh, đa dạng thực phẩm, đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng là bột đường, đạm, béo, vitamin - khoáng chất. Khi đó chế độ ăn sẽ cung cấp đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu như các acid amin cần thiết, acid béo không no omega 3, các loại vitamin A, D, E, C và các chất khoáng như sắt, kẽm, đồng selen…. đó là nguyên liệu cũng như góp phần quan trọng trong đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Vitamin A giúp bảo vệ niêm mạc và da, tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, vitamin D có vai trò trong điều chỉnh các phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với các tác nhân nhiễm trùng.

Tọa đàm "Hệ phòng thủ 1170 nâng cao đề kháng, giúp cơ thể khỏe mạnh" được tổ chức trong khuôn khổ sự kiện.

Tọa đàm "Hệ phòng thủ 1170 nâng cao đề kháng, giúp cơ thể khỏe mạnh" được tổ chức trong khuôn khổ sự kiện.

Trong các thực phẩm lành mạnh hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa, sử dụng sữa chua hàng ngày không chỉ cung cấp các nguồn dinh dưỡng như đạm, đường, canxi, phốt pho, vitamin, chất khoáng… dễ hấp thu mà còn được lên men với lượng lớn men vi sinh giúp cải thiện cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, từ đó nâng cao sức khỏe hệ tiêu hóa và đề kháng miễn dịch cho cơ thể.

BS Nguyễn Vũ Linh - Trưởng Trung tâm dinh dưỡng Vinamilk chia sẻ, vẫn mang sứ mệnh và tinh thần chung của Ngày Sức khỏe tiêu hóa thế giới đó là nâng cao ý thức của cộng đồng ý nghĩa và tầm quan trọng của hệ tiêu hóa đối với sức khỏe tổng thể, năm này chúng tôi muốn khắc họa rõ nét hơn tầm quan trọng của hệ tiêu hóa thông qua ý nghĩa hệ phòng thủ 1170, - " 1 ngày 1 hũ Sữa chua gia cố 70% hệ miễn dịch". Đây cũng chính là khái niệm mà nhiều gia đình Việt Nam đã truyền nhau qua mạng xã hội trong thời gian qua. Vì 70% hệ miễn dịch biểu mô ở đường ruột nên tiêu hóa khỏe thì đề kháng sẽ khỏe. Hệ tiêu hóa khỏe chính là chìa khóa để gia tăng sức đề kháng và phòng tránh bệnh tật.

"Là một trong những công ty dinh dưỡng hàng đầu của Việt Nam, Vinamilk chúng tôi luôn mong muốn nâng cao nhận thức của người dân trong việc chăm sóc hệ tiêu hóa, tăng sức đề kháng, từ đó góp phần giúp các thế hệ của người Việt ngày càng khỏe mạnh hơn, để học tập, làm việc và thực hiện những mục tiêu cá nhân, góp phần phát triển chung cho đất nước", Bs. Nguyễn Vũ Linh nói.

Trong khuôn khổ chương trình truyền thông, tọa đàm "Hệ phòng thủ 1170 nâng cao đề kháng, giúp cơ thể khỏe mạnh" với những chia sẻ từ PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó viện trưởng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, và BS. Nguyễn Vũ Linh, Trưởng Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk, mang đến những thông tin hữu ích, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ý nghĩa của Hệ phòng thủ 1170 cũng như tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tiêu hóa.

Bài: Tô Hội; Ảnh: Trần Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ngay-suc-khoe-tieu-hoa-the-gioi-29-5-tieu-hoa-khoe-la-chia-khoa-phong-chong-benh-tat-169230529115818757.htm