Ngày Tết bàn chuyện lì xì

Tết đến Xuân về, tục lì xì diễn ra song nhiều người sẽ thay đổi trong việc chọn mệnh giá, hoặc đổi hình thức phù hợp hơn.

Nhiều người mong thay đổi văn hóa lì xì ngày Tết. Ảnh: Như Ý

Nhiều người mong thay đổi văn hóa lì xì ngày Tết. Ảnh: Như Ý

Khổ vì tục lì xì ngày Tết

Anh D. chạy grab kể, anh chạy xe chăm chỉ, ngày mưa, ngày nắng không nghỉ nhưng thu nhập chỉ loanh quanh chục triệu đồng/tháng. Những ngày cận Tết thu nhập có tăng nhưng không đáng kể. Khi bàn đến chuyện lì xì, anh thở dài: “Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Mẹ tôi ở quê, Tết đến việc đầu tiên tôi làm là về quê lì xì cho mẹ. Mọi năm tôi lì xì mẹ 1 triệu đồng, nhưng năm nay có thể chỉ còn 500.000 đồng. Vì thu nhập của cả hai vợ chồng không tăng mà chi phí học hành của các con lại tăng”.

Riêng lì xì cho các bạn nhỏ anh D. chọn phương án tặng con cái của người thân bao lì xì mệnh giá 50.000 đồng. Hai con của anh cũng chỉ nhận được bao lì xì 50.000 đồng. Với những đứa trẻ là con hàng xóm, con bè bạn, anh mừng 20.000 đồng. Tổng chi phí dành cho lì xì của tài xế công nghệ này khoảng 1,5 triệu đồng.

“Về quê, rất đông trẻ con, nên mừng đồng loạt 50.000 đồng thì ra Tết gia đình tôi chắc phải ăn mì tôm trừ bữa. Ban đầu, tôi định chỉ lì xì 10.000 đồng song vợ tôi góp ý, sợ cha mẹ lũ trẻ ở quê lại chê mình ở Hà Nội mà hà tiện”, anh giãi bày.

Chị Quyên, một nhân viên nhà hàng ở Hà Nội, 35 tuổi, chưa lập gia đình cũng chọn mệnh giá 20.000 đồng để lì xì cho đám trẻ. Chị nói: “Với con cháu trong nhà tôi sẽ nới tay hơn nhưng cũng chỉ ở mệnh giá 50.000 đồng, không thể cao hơn. Năm nay rất nhiều người khó khăn như tôi. Ở nơi tôi làm việc, nhiều người đổi tiền mới mệnh giá 20.000 đồng, 50.000 đồng”.

Mẫu bao lì xì 2025 đa dạng trên thị trường, lì xì phong cách Trung Hoa, lì xì phong cách xì-teen, lì xì chi bi…

Mẫu bao lì xì 2025 đa dạng trên thị trường, lì xì phong cách Trung Hoa, lì xì phong cách xì-teen, lì xì chi bi…

Chị Quyên chia sẻ, trong năm đã trải qua 2 chỗ làm việc, nhưng thu nhập bèo bọt, đối mặt nguy cơ thất nghiệp sau Tết. “Tôi đang bối rối chưa biết chọn công việc gì để kiếm sống tiếp”, chị nói. Còn độc thân nhưng chị Quyên phải gánh vác gia đình, hỗ trợ em gái đang thất nghiệp, nuôi cậu con trai nhỏ.

Chị Minh Hòa, 42 tuổi (quận Tây Hồ, Hà Nội), không che giấu hiện trạng tài chính, tiết lộ đã đổi được một tập tiền 20.000 đồng. “Năm nay chỉ lì xì mệnh giá này. Tục lì xì có khi cũng nên bỏ, bởi không giúp ích gì, thậm chí làm hư trẻ. Nhiều đứa trẻ chỉ thích theo chân bố mẹ đi chúc Tết để gom bao lì xì. Có đứa không kiềm chế được đã mở thẳng bao lì xì trước mặt khách và thể hiện thái độ. Với lì xì mệnh giá lớn thì chúng hoan hỉ, với lì xì mệnh giá thấp chúng bày tỏ ngay nỗi thất vọng”.

Đang sống tại TPHCM, chị Hoa Mai, 47 tuổi, nhân viên ở một bệnh viện dự đoán tờ 50.000 đồng sẽ lên ngôi Tết này. “Năm 2024 là một năm khó khăn. Tôi đoán năm 2025 còn khó hơn, rất nhiều người mất việc. Tôi chưa mất việc nhưng không tránh được cảm giác thấp thỏm, đề phòng”, chị Mai Hoa nói và cho biết, chị không dám mừng tuổi với mệnh giá 20.000 đồng vì ngại.

Chị Ngọc (Ba Ðình), kể: “Quê chồng tôi ở Hưng Yên. Trong họ hàng có một người tôi gọi là bác, vị này có kiểu lì xì rất hay. Thay vì lì xì tiền, ông bảo lũ trẻ xếp hàng, rồi tặng mỗi đứa một túi hoa quả nhà trồng được. Thế mà bọn trẻ con lại thích, năm nào cũng đòi bố mẹ đưa đến nhà ông trước tiên”. Có người lại tặng bạn gái 10 tờ vé số đựng trong bao lì xì như hình thức chúc may mắn.

Sợ đồng tiền may mắn

Bây giờ, đối tượng lì xì được mở rộng, không chỉ người già và trẻ con nhận “đặc quyền” này, mà những người đang đi làm cũng được đồng nghiệp và lãnh đạo tặng bao lì xì. Một số năm trở lại đây, nhiều người không chọn tiền Việt để bỏ vào bao lì xì, thay vào đó họ để tờ 2 USD. Với tỷ giá USD hiện tại, 2 USD tương đương 50.000 đồng.

Song người được lì xì 2 USD chưa chắc đã vui. Chị Quỳnh Mai, 30 tuổi không ưa bao lì xì chứa đồng tiền may mắn. Nếu chỉ nhận được một tờ thì còn thấy hay nhưng một cái Tết nhận đến 10 tờ may mắn thì thấy phiền. Tiêu không được, giữ không xong mà chẳng đáng gì để mất công đi đổi ra tiền Việt.

Một hình thức xấu xí khác đã xuất hiện vài năm trở lại đây, đó là công khai đòi lì xì trên mạng xã hội. Nhiều cô gái xinh đẹp đã công khai số tài khoản của mình lên mạng xã hội với dòng đề nghị ỡm ờ, chẳng hạn: “Nếu anh nói thích em thì đừng quên lì xì em nha”. Cũng có nhiều người khoe tiền lì xì của con cái, của bản thân lên mạng xã hội với niềm hân hoan như khoe hàng hiệu.

Ai được mừng tuổi nhiều hơn ai, không còn là cuộc cạnh tranh của đám trẻ con mà đã lan sang những người trưởng thành. Biến tướng của tục lì xì làm buồn lòng những người yêu văn hóa Việt và cả những người đang trong điều kiện kinh tế khó khăn.

NÔNG HỒNG DIỆU

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ngay-tet-ban-chuyen-li-xi-post1711650.tpo