Ngày Tết vãn cảnh chùa Bối Khê

Theo tục lệ từ ngàn xưa, cứ vào dịp đầu Xuân, mọi người thường đi vãn cảnh chùa để cầu chúc cho một năm mới nhiều may mắn, an khang, thịnh vượng. Chùa Bối Khê quê tôi là một địa chỉ quen thuộc, luôn nườm nượp khách vãn cảnh đầu Xuân. Ngôi chùa đẹp này được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia từ năm 1979.

Chùa Bối Khê. Ảnh: Trịnh Sinh

Chùa Bối Khê. Ảnh: Trịnh Sinh

Nằm giữa hai con sông lớn của châu thổ Bắc Bộ là sông Hồng và sông Đáy, nơi sinh tụ của người Việt cổ, Bối Khê nổi lên là một ngôi chùa cổ, đẹp và giữ được bản sắc tâm linh dân tộc. Ngôi chùa này có tiếng từ ngày xưa:

“Bối Khê, Tiên Lữ, chùa Thầy

Đẹp thì đẹp vậy chẳng tày chùa Hương”

Chùa Hương có phong cảnh hữu tình, nhưng 3 ngôi chùa cổ trong câu ca nói trên mới mang vẻ đẹp cổ xưa hơn cả. Trong đó, chùa Bối Khê (thôn Song Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai), cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km, được dân gian xếp đầu bảng. Sau đó đến Tiên Lữ (tức chùa Trăm Gian) ở huyện Chương Mỹ và chùa Thầy ở huyện Quốc Oai. Cả ba chùa đều thuộc thành phố Hà Nội. Ba chùa này đều được xây từ thời Lý-Trần, nếu căn cứ vào vết tích bệ đá thờ Phật hình hoa sen có khắc niên đại rõ ràng. Ví dụ, bệ đá ở chùa Bối Khê khắc năm 1382 vào thời Vua Trần Phế Đế.

Không phải ngẫu nhiên vào cuối thời Trần, dọc sông Đáy đã mọc lên một loạt chùa bề thế như chùa Bối Khê. Các nhà khoa học xếp các chùa trên thuộc dạng “Tiền Phật Hậu Thánh”, tức là phần trước chùa thờ Phật nhưng phần sau lại thờ Thánh. Chùa dạng này rất rộng, thậm chí, có đến “trăm gian” như cách gọi dân dã.

Các ngôi chùa thời Trần giữ được cái vẻ đẹp cảnh quan mà các thời sau không có được, lại hòa trộn và chắt lọc được các nét tôn giáo tín ngưỡng và văn hóa của nhiều tộc người lân bang khi đó. Qua kiến trúc, có thể thấy đậm nét tín ngưỡng thờ Phật, nhưng cũng lại thờ Thánh của Đạo giáo và tục thờ Mẫu cổ xưa của người Việt. Cũng lại còn có sự ảnh hưởng của văn hóa Chăm của phương Nam nữa. Điển hình cho dạng chùa thời Trần chính là chùa Bối Khê.

Qua 9 lần xây dựng và trùng tu lớn từ năm 1338 đến năm 1923, chùa Bối Khê vẫn còn giữ nguyên được khuôn viên khá rộng như thuở ban đầu. Hai trong nhiều tấm bia đá còn lại đã kể về sự tích chùa. Đó là tấm bia “Đại Bi Tự Thiền Gia Bi Ký” (Bia chép về sự tích nhà Phật ở chùa Đại Bi) và tấm bia “Bối Động Thánh Tích Bi Ký” (Bia chép về sự tích Đức Thánh Bối). Chùa được khởi dựng khoảng năm 1338 dưới thời Vua Trần Hiến Tông, là một trong những ngôi chùa cổ của thời Trần còn lại tới nay. Sau đó, đến thời Lê Nhân Tông, chùa được mở rộng và thờ thêm Đức Thánh Bối vốn là một đạo sĩ người làng.

Chùa nằm giữa làng. Trước khi bước vào cổng Ngũ Môn, khách tham quan đã cảm nhận ngay được vẻ đẹp thuần việt của làng quê Việt Nam với cây đa cổ thụ 600 năm rủ bóng, lại nhớ đến câu ca dao:

“Cây đa cũ, bến đò xưa

Bộ hành có nghĩa nắng mưa cũng chờ”

Cây đa còn đấy, nhưng bến đò xưa không còn, vì dòng sông Đỗ Động đã thu hẹp dòng chảy để nép mình trước cổng Tam quan của chùa, chỉ còn là một con lạch nhỏ. Người xưa còn thấy một cụm 5 tháp cổ ở gần cây đa là mộ chứa xá lị của các sư trụ trì đã viên tịch.

Cổng Ngũ Môn dẫn tới một cây cầu nối với cổng Tam quan được xây từ thời Vua Lê Kính Tông (năm 1603), với cấu trúc 2 tầng 8 mái còn lưu giữ hai quả chuông chùa đúc vào năm Thiệu Trị thứ tư (năm 1844).

Cổng Tam quan như một cái vách ngăn không gian giữa thế giới trần tục và thế giới Thần, Phật. Bước qua cổng đã thấy một sân chùa khá rộng, có một cái sập đá lớn với hoa văn chạm khắc tinh tế của thời Hậu Lê.

Mặt bằng kiến trúc của chùa Bối Khê theo hình “Nội công Ngoại quốc”, phần trước thờ Phật, phần sau thờ Đức Thánh Bối. Hai bên có hai dãy hành lang dài bày 18 tượng La Hán. Tòa Thượng điện được dựng lên từ thời Trần với kiến trúc gỗ, nền cao, cột gỗ lớn với nhiều mảng chạm hoa văn như hình rồng ở một số đầu đao.

Đặc biệt, có một bệ đá đặc trưng cho thời Trần có hoa văn cánh sen, rồng, thú, hoa lá. Ngoài ra, bốn góc có hình tượng Chim thần Garuda được nhân cách hóa: đầu chim, mỏ nhọn nhưng thân người đang giơ tay đỡ bệ đá.

Đây là hình tượng văn hóa Chăm điển hình có mặt trong dòng chảy mỹ thuật Đại Việt, nói lên sự giao thoa văn hóa Việt-Chăm trong thời cổ đại. Trong tòa thượng điện còn có bức tượng Quan Âm khá đẹp với 12 tay có niên đại vào thế kỷ XVI. Những tượng như vậy thường được xếp vào dòng tượng “nghìn tay, nghìn mắt” giống như ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh). Trong chùa Bối Khê, có đến 58 tượng cổ và 2 cây đèn gốm thời Mạc rất quý.

Cái đẹp của chùa Bối Khê còn đọng lại ở hoa văn trên từng viên gạch xây chùa có hình rồng, phượng, hươu, hổ... Đấy là những linh vật quý làm phong phú kho tàng mỹ thuật thời Hậu Lê ở ta.

Đức Thánh Bối được thờ có tên là Nguyễn Bình An vốn là một đạo sĩ được thờ ở Hậu cung. Truyền thuyết kể lại, ông có công giúp nhà Trần đánh giặc ngoại xâm. Vua phong cho ông là Chân Nhân, có tài gọi mưa. Khi mất, ông được phong làm Thượng Đẳng Thần.

Phía sau chùa còn có gian thờ của đạo Mẫu, ngoài các tượng Mẫu còn có tượng Thanh Xà, Bạch Xà (rắn xanh, rắn trắng), nằm sát nóc mái là dấu hiệu đặc trưng của các điện Mẫu. Rõ rang, chùa Bối Khê có sự hội nhập cả Phật giáo, Đạo giáo và đạo Mẫu nữa. Đấy cũng là một nét tâm linh nổi trội của người Việt xưa.

Hàng năm, hội chùa Bối Khê được mở vào ngày 13 tháng Giêng, có những trò đánh cờ, bịt mắt bắt dê, hát chèo. Đáng chú ý, trong ngày hội còn lưu giữ được di sản phi vật thể hiếm thấy ở các nơi khác, đó là tục cầu mưa. Người dân đốt pháo bông, gọi là đốt pháo “màn than”. Màn than là một khung giấy tròn quét đầy thuốc pháo treo lên ngọn tre cao khoảng 15m. Họ dùng pháo thăng thiên ở dưới đất phóng lên sao cho màn than bắt lửa.

Các thôn trong làng lần lượt đốt pháo sao cho cháy được màn than là năm đó mưa thuận gió hòa. Màn than tượng trưng cho bầu trời đọng nước, khi bắt lửa giống như tia chớp và pháo con nổ như tiếng sấm rền. Đấy là hình tượng của mưa, chớp, sấm để gợi ý cho ông Trời tạo cơn mưa để mùa màng bội thu. Nghi lễ cầu mưa còn thể hiện ở tục “tróc rồng”. Rơm được bện thành 5 con rồng lớn, mỗi con hướng về một phương. Có ông Thống, một dạng Đạo sĩ múa may và chặt đầu con rồng hướng Bắc để cầu mưa.

Về với ngôi chùa cổ Bối Khê, du khách không những chiêm ngưỡng được nét đẹp của ngôi chùa thời Trần, lại còn chứng kiến được những nghi lễ tâm linh đặc sắc của những cư dân trồng lúa ngàn đời ở đây.

Giáo sưTrịnh Sinh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ngay-tet-van-canh-chua-boi-khe-post437350.html