Ngày thần tài, chuyên gia hiến kế quản lý thị trường vàng
Mục tiêu trong công tác quản lý thị trường vàng là phải linh hoạt, phù hợp với từng giai đoạn và có lộ trình thực hiện cụ thể...
Nhà nước cần dỡ bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng, đơn giản hóa chính sách nhập khẩu vàng nguyên liệu; xây dựng cơ chế pháp lý cho sàn vàng, sở giao dịch vàng hoạt động để tạo kênh đầu tư chính thức thu hút nguồn vàng trong dân; tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước đầu tư trang thiết bị máy móc sản xuất và phát triển thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, hướng tới mục tiêu xuất khẩu ra thế giới...
Trước hàng loạt những bất cập từ thực tế của thị trường vàng trong nước, Thương gia giới thiệu bài phân tích của ThS. Vũ Thị Đào, Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính nhằm giúp độc giả có cái nhìn toàn diện hơn những nguyên nhân khiến thị trường vàng chưa ổn định. Những phân tích, quan điểm trong bài viết là những gợi ý về chính sách đối với Nhà nước trong việc xây dựng những quy định để quản lý.
QUẢN LÝ CẦN LINH HOẠT, DỠ BỎ CHÍNH SÁCH ĐỘC QUYỀN SẢN XUẤT VÀNG MIẾNG
Điều đầu tiên phải nhắc tới là mục tiêu quản lý Nhà nước đối với thị trường vàng cần linh hoạt với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế, bởi không có một chính sách một biện pháp nào đúng cho mọi giai đoạn. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần nhận thức được sự chuyển động và đòi hỏi không ngừng của nền kinh tế, kết hợp hài hòa giữa mục tiêu quản lý với lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng, trong đó lợi ích quốc gia được đặt lên hàng đầu.
Sau 12 năm triển khai cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng của NHNN, thị trường vàng cũng cho thấy những diễn biến tích cực, hiện tượng “vàng hóa” nền kinh tế đã giảm và giá vàng cũng không còn tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, khi hiện tượng “vàng hóa” đã được đẩy lùi, Nhà nước cần cân nhắc có nên tiếp tục độc quyền sản xuất vàng miếng nữa hay không để cân đối cung- cầu, giảm bớt chênh lệch so với giá thế giới và bắt kịp với xu hướng tự do hóa thị trường vàng đang khá phổ biến ở các quốc gia khác trong khu vực.
Hiện nay, mục tiêu quan trọng nhất là bình ổn thị trường vàng để giá vàng trong nước tiệm cận với giá vàng thế giới. Bên cạnh đó, việc thực hiện huy động nguồn vàng dự trữ trong dân cũng phải được triển khai thực hiện có lộ trình cụ thể, để bổ sung thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội.
Tiếp đến, chúng ta nên dỡ bỏ chính sách độc quyền sản xuất vàng miếng, đơn giản hóa chính sách nhập khẩu vàng nguyên liệu. Nguyên tắc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, và tham gia vào thị trường vàng qua các phiên đấu thầu vàng. Thực tế phản ánh chính sách kiểm soát chặt chẽ quá mức nguồn cung, đi ngược lại với quy luật thị trường và hiệu quả không rõ ràng của các phiên đấu thầu thời gian qua. Để tăng cường quản lý ở tầm vĩ mô, giảm bớt áp lực kiểm soát chặt chẽ không cần thiết, các chính sách song hành đang được áp dụng cần phải được thay đổi cơ bản.
Năm 2024, giá vàng trong nước có sự chênh lệch lớn với giá vàng thế giới do cơ chế độc quyền của Nhà nước trong sản xuất và kinh doanh vàng miếng và tình trạng giới đầu cơ làm giá gây hỗn loạn thị trường vàng. Nhưng với sự điều hành quyết liệt của Nhà nước trong việc bình ổn giá vàng và đưa giá vàng tiệm cận với giá thế giới, từ tháng 6/2024 mức chênh lệch chỉ còn khoảng 6-7%.
Dỡ bỏ chính sách độc quyền sản xuất vàng miếng, NHNN cần chuyển hướng tập trung kiểm soát chất lượng vàng. Thay vì hướng tới một thương hiệu vàng quốc gia duy nhất, những quy định về tiêu chuẩn (hàm lượng vàng, khối lượng, quy trình kiểm định) sẽ được bổ sung để trao quyền kinh doanh cho các cơ sở đáp ứng đủ điều kiện. Qua đó, thực sự đảm bảo khả năng tự điều tiết của thị trường, không còn phụ thuộc vào các quyết định của NHNN, mà các thủ tục của quy trình là nguyên nhân dẫn đến độ trễ của sự can thiệp, gây biến dạng thị trường.
Từ bỏ chính sách độc quyền sản xuất vàng miếng, nhà nước sẽ không còn lý do để tiếp tục duy trì chính sách độc quyền xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu. Tuy nhiên, những thay đổi cần phải mang tính triệt để và áp dụng với cả trường hợp vàng nguyên liệu để chế tác đồ trang sức. Theo đó, các loại giấy phép nhập khẩu vàng đang áp dụng với vàng trang sức hay với vàng miếng trước đây cần được dỡ bỏ. Không còn bị hạn chế bởi giấy phép, các doanh nghiệp sẽ chỉ nhập khẩu vàng khi thấy thực sự cần thiết và giá cả rẻ hơn với giá trong nước thay vì chờ đợi để được cấp hạn ngạch. Cách làm như vậy sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, đảm bảo cho khả năng tự điều tiết của thị trường. Trong trường hợp diễn biến thị trường là không phù hợp với định hướng phát triển chung, NHNN hoàn toàn có thể can thiệp với khả năng tham gia thị trường và thực hiện các giao dịch nhằm mục đích điều tiết.
Thay đổi chính sách hiện nay sẽ đem lại ba lợi ích cho thị trường vàng cũng như hoạt động quản lý của NHNN: Đảm bảo sự vận động của cơ chế tự điều tiết của thị trường; Mở ra cơ hội liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thị trường vàng thế giới; Giảm thiểu nguy cơ của buôn lậu vàng.
Bên cạnh đó, NHNN nên cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho một số doanh nghiệp đã được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng, trang sức, mỹ nghệ. Số vàng nhập khẩu phải được kiểm soát chặt chẽ về mục đích sử dụng. Để điều tiết, Nhà nước có thể dùng chính sách thuế và phí thay vì sử dụng mệnh lệnh hành chính.
Nhà nước cần tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước đầu tư trang thiết bị máy móc sản xuất và phát triển thị trường, về lâu dài hướng tới mục tiêu xuất khẩu sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ ra thế giới. Chính sách về vàng nguyên liệu nhằm khuyến khích ngành công nghiệp xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh cần được khơi thông.
NGHIÊN CỨU THÀNH LẬP SỞ GIAO DỊCH VÀNG QUỐC GIA, QUẢN LÝ CHẶT CÁC ĐIỂM KINH DOANH
Giải pháp tiếp theo là xây dựng cơ sở pháp lý cho việc thiết lập và vận hành hoạt động của mô hình sàn vàng tập trung bên cạnh việc duy trì thị trường tự do với mạng lưới các cơ sở kinh doanh vàng hiện nay. Sự cho phép sàn vàng hoạt động trở lại là điều kiện cho việc đáp ứng yêu cầu thu hút nguồn vàng trong dân chúng tới với kênh đầu tư chính thức, đem lại nguồn cung vàng ổn định cho doanh nghiệp, đem lại khả năng nắm bắt về cung – cầu vàng cho NHNN.
Sàn vàng phải được đặt dưới sự giám sát trực tiếp của NHNN về mọi hoạt động và các giao dịch diễn ra. Mô hình có thể lựa chọn cho sàn vàng là công ty thuộc sở hữu Nhà nước như một đơn vị sự nghiệp trực thuộc NHNN Việt Nam hoặc mô hình tư nhân trên cơ sở đáp ứng các điều kiện từ phía pháp luật – với các điều kiện thực sự khắt khe và phù hợp với nguyên tắc hoạt động của thị trường. Các sàn vàng phải có tư cách pháp nhân, có khối tài sản riêng và chịu trách nhiệm về các hoạt động kinh doanh bằng tài sản của mình. Loại hình doanh nghiệp có thể dành cho các sàn giao dịch là công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Sàn vàng sẽ là nơi tập trung chủ yếu các giao dịch vàng nguyên liệu, vàng miếng và các sản phẩm phái sinh về vàng. Từ đó các giao dịch mua bán vàng giữa NHNN và các chủ thể được phép cũng được chuyển tới sàn giao dịch vàng tập trung theo quy trình được thiết lập sẵn tại sàn.
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 4/2/2025 đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo đó, về nhiệm vụ giao cho Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương giám sát chặt chẽ, triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng; khẩn trương tổng kết, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trình Chính phủ trong quý 2/2025.
Một trong những yêu cầu cho việc tổ chức và hoạt động của sàn vàng là các vấn đề công khai, minh bạch và giải quyết các trường hợp xung đột lợi ích có thể phát sinh. Theo đó, lợi ích của nhà đầu tư trên thị trường phải được tôn trọng để đảm bảo tính công bằng. Các vấn đề về phương thức giao dịch, phương thức xác định giá, thời gian, trình tự, biên độ dao động ... cần phải công khai, minh bạch trên thị trường. Kinh doanh Sàn giao dịch vàng phải được xác định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được sự chấp thuận của cơ quan quản lý là NHNN. Trong đó, điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật là yêu cầu tiên quyết. Các sàn giao dịch vàng phải duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục, không được tự động ngừng giao dịch. Mọi sự cố gián đoạn gây thiệt hại cho khách hàng và các chủ thể khác, sàn giao dịch vàng phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự.
Nghiên cứu thành lập Sở Giao dịch Vàng quốc gia đặt dưới sự quản lý, giám sát của NHNN. Việc thành lập Sở Giao dịch Vàng quốc gia giúp Nhà nước có thể phát hành chứng chỉ vàng, trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân, đáp ứng nhu cầu đầu tư vàng của người dân cũng như nhu cầu vàng nguyên liệu của doanh nghiệp kinh doanh vàng, trang sức mỹ nghệ, góp phần đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, hiệu quả. Sở Giao dịch Vàng quốc gia thường xuyên thực hiện báo cáo diễn biến thị trường vàng tới NHNN. Sở này cho phép kinh doanh vàng vật chất và vàng tài khoản. Trong giai đoạn đầu, chỉ nên cho phép nhà đầu tư là tổ chức được giao dịch, sau đó mới mở rộng cho phép nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cá nhân chỉ được phép giao dịch trong giới hạn số dư tài khoản của họ.
Bên cạnh đó, giống như đầu tư vào các kênh khác phải chịu thuế thu nhập cá nhân, Nhà nước cũng nên thực hiện đánh thuế đối với mỗi giao dịch mua, bán vàng; đồng thời quy định việc mua bán vàng phải thực hiện theo phương thức không dùng tiền mặt.
Đối với các điểm kinh doanh vàng phải đăng ký và quản lý chặt chẽ về khối lượng giao dịch. Với công nghệ hiện nay có thể quản lý chặt chẽ khối lượng giao dịch của các điểm kinh doanh vàng. Như vậy sẽ triệt tiêu các lợi ích, động cơ không trong sáng với thị trường vàng.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường; kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý chủ động, tích cực, hiệu quả theo thẩm quyền và báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền, đề xuất cấp thẩm quyền biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân... gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng; trường hợp phát hiện hoạt động kinh doanh vàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kịp thời chuyển tài liệu, hồ sơ cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm, công khai, minh bạch theo quy định pháp luật.