Ngày thầy xa đảo
1. Sau mấy tuần giông bão, biển trở nên xanh thẫm, êm dịu. Từng đợt sóng vỗ nhẹ vào bờ cát trắng, cảm giác thật yên bình. Thầy Nam ngồi trên phiến đá bên gành, nhìn ra biển khơi mênh mông. Ngoài xa, thấp thoáng bóng những con thuyền đánh bắt cá nhấp nhô, ẩn hiện.
Đã nửa tháng nay, kể từ ngày nhận quyết định nghỉ hưu, chiều nào, thầy Nam cũng ra biển. Thầy đi dạo, ghé vô quán nước, hỏi thăm một vài người, có hôm dừng lại nói chuyện cùng mấy học trò đi học về. Rồi như một thói quen, thầy rẽ xuống bãi biển, ngồi bên gành đá. Thầy ngồi đó nhìn quanh, đăm đắm về phía xa, hướng ấy là quê hương, nơi có mẹ già, có vợ con và khu vườn rộng. Thường những ngày đầu tháng Chạp, người em gái có chồng gần đó về phụ với vợ của thầy làm đất, vun luống, đánh rãnh gieo trồng nào đậu, cải, xà lách, hành ngò. Cả khu vườn rợp màu xanh. Mấy ngày Tết, trên mâm cơm đầy ụ thịt, cá sẽ không thiếu những đĩa rau xào hay bát canh ngọt mát. Thầy nhớ lắm mảnh vườn đầy kỷ niệm tuổi thơ. Năm nay, thầy sẽ biến mảnh vườn đầy cỏ dại sau mùa mưa lũ thành vườn rau xanh non, mát mắt. Có thể mua thêm một vài giống hoa ngắn ngày, chăm sóc kỹ, cũng sẽ có hoa đón Tết. Mỗi sáng và chiều, thầy sẽ dạo quanh vườn, bắt sâu nhặt cỏ trong sự an nhàn, tự tại.
2. Mới đó mà đã hơn 30 năm thầy Nam ra đảo dạy học. Thời gian trôi nhanh quá, đảo nhiều đổi thay; thế hệ cùng với thầy, nhiều người đã chuyển nghề hay nghỉ hưu trước tuổi. Nhớ ngày nào, cậu sinh viên mới ra trường loay hoay tìm việc và được một suất ra đảo. Thầy đi với hành trang là lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, của truyền thống ba đời gắn bó với ngành sư phạm. Mẹ thầy không ngăn cản nhưng buồn lắm. Vì thầy là con trai cả, mấy em còn nhỏ; cha lại ốm đau, nghỉ hưu sớm. Nhưng rồi ánh nhìn khuyến khích của cha đã tiếp thêm sức mạnh cho thầy bước lên khoang tàu vượt sóng ra đảo.
Ngày ấy, nhiều nơi kinh tế còn khó khăn, nhất là ở đảo, thiếu thốn đủ thứ. Thầy được phân ở trong căn phòng nhỏ, sát phòng học. Ngôi trường tuềnh toàng, chỉ một dãy mười phòng, trong đó một phòng ngăn đôi dành cho ban giám hiệu, một phòng làm nhà kho. Học sinh ba khối chỉ có năm lớp, mỗi lớp chỉ trên dưới ba chục em. Có năm thầy phải dạy hai môn vì thiếu giáo viên. Ở đảo không chỉ biến động về học sinh mà cả giáo viên, nhất là thời điểm sau Tết. Giáo viên ở đất liền ra đảo ban đầu rất hào hứng trước khung cảnh biển đảo hoang sơ, hùng vỹ, trước học trò da ngăm đen nhưng cặp mắt lay láy đầy khát khao con chữ. Nhưng rồi những đêm xa nhà khó ngủ nằm nghe sóng dội vào bờ đá, từng cơn gió mặn mòi tạt vào nghe rin rít làn da, dọc con đường cát đầy cây xương rồng mọc đã làm họ nhụt chí. Nhiều người về quê ăn Tết đã không trở lại đảo nữa. Học trò không thấy thầy cô, kéo nhau ra cầu cảng ngóng. Thầy Nam nhiều lần rơi nước mắt trước tình cảnh ấy. Nhiều học trò vì khó khăn quá cũng nghỉ nửa chừng, thầy cô phải đi vận động ra lớp. Gặp mùa biển động, ghe thuyền nằm chật bến, thiếu ăn, người dân gạt nước mắt cho con em nghỉ học, vào miền Nam kiếm việc làm. Thầy Nam buồn bã nhìn lớp học lèo tèo mấy học sinh, lời giảng bỗng chùng xuống. Tuy nhiên, thầy cũng tự an ủi mình bằng niềm vui nho nhỏ là khi có em trưởng thành, công việc ổn định đã về trường, thăm thầy như một sự tri ân.
3. Thầy Nam từng nghĩ đã chọn lấy nghề thì nên tạo cho mình tâm thế đón nhận, phải biết vun vén yêu thương và đầu tư chuyên môn. Nhiều khi thấy đồng nghiệp buông xuôi, thầy cũng nản. Nhưng nghĩ lại, nếu ai cũng không đủ kiên trì như thế thì đảo bao giờ mới thoát mù chữ, mới xóa được cái nghèo luôn đeo đẳng. Suy nghĩ ấy đã giúp thầy vững tin vào quyết định trụ mãi với đảo. Thầy cảm thấy vui khi từng lớp học sinh rời trường, vào đất liền học lên cao đẳng, đại học. Nhất là sau này, trường lớp được xây dựng khang trang, thêm mấy dãy phòng, học sinh đến trường không còn lo lắng việc nhà nữa. Những chuyến đi biển dài ngày của người dân cũng ngày càng bội thu. Biển đã không phụ sự cần cù, chịu khó của con người, luôn mang đến cho họ nhiều niềm vui với những khoang thuyền đầy cá. Thầy Nam cũng được học sinh mang đến những sản vật từ biển cả. Những vỏ ốc to nhiều hoa văn, óng ánh dưới nắng. Những con cá, con mực to, tươi ngon. Thầy đón nhận và cảm ơn tấm lòng chan chứa yêu thương đó.
4. Đêm trên đảo yên tĩnh lạ lùng. Trong căn phòng tập thể mới sửa sang, thầy Nam lắng nghe tiếng sóng biển ầm ào. Âm thanh này quen thuộc lắm, như đã ăn sâu vào tiềm thức. Đến nỗi mỗi lần nghỉ hè về quê, thầy lại thấy nhớ đảo, nhớ sóng đến cồn cào. Vợ con thầy nhiều lần ra thăm đều bảo ở mấy hôm còn thú vị, nhưng ở quanh năm thì chán lắm. Thầy không biện hộ, vì điều ấy đúng với những người đến đảo tham quan, còn thầy phải làm việc, tìm niềm vui bên học trò, qua từng trang giáo án. Dần dà, vợ con thầy cũng hiểu nên không thuyết phục thầy rời đảo nữa.
Tiếng gõ cửa, kèm theo tiếng “thầy ơi” cắt đi dòng hồi ức miên man đang dội về trong lòng, thầy Nam nở nụ cười thật tươi đón mấy học trò cuối cấp. Các em đến khi biết ngày mai thầy rời đảo. Nhìn những gương mặt thân quen đó, thầy cảm thấy xúc động, giọng nói run run. Học trò hiểu được tâm trạng thầy lúc này nên cố tình pha trò, nói chuyện tếu táo. Mãi đến khuya, học trò mới chịu về. Món quà để lại cho thầy là bức tranh về biển đảo được một bạn trong lớp vẽ tặng.
5. Tàu hú một hồi còi dài, báo hiệu sắp rời bến. Thầy Nam ngoái đầu nhìn lại một lần nữa. Thật sự, đã bao lần thầy rời đảo về đất liền, nhưng lần này thì khác, không biết còn dịp nào nữa để thầy trở lại đảo. Đảo nhỏ, bốn bề sóng nước, người dân đảo hiền lành, chân thật đã trở thành một phần máu thịt của thầy. Thầy xem mảnh đất này, xứ cát trắng bỏng rát bàn chân này là quê hương thứ hai, đã gắn bó suốt quãng đời làm nghề giáo.
Có vài hành khách vội vã, chen lấn xuống tàu. Thầy Nam vẫn còn nấn ná trên cầu cảng. Gió sớm thổi nhẹ, thoang thoảng mùi của vị biển từ những chiếc thuyền vừa cập bến. Người mua kẻ bán tấp nập. Có ai đó giục thầy xuống tàu. Thầy Nam kín đáo đưa tay gạt đi giọt nước mắt chực lăn xuống. Khi đã ngồi trên tàu, nhìn qua cửa sổ, thầy ngạc nhiên trước đám học trò đứng chật trên bến đưa tay vẫy chào rối rít.
Truyện ngắn của Sơn Trần
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202311/ngay-thay-xa-dao-e183ebb/