Ngày Thế giới không thuốc lá 2025: Vạch trần sự hấp dẫn giả tạo

Thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang len lỏi vào đời sống thanh thiếu niên bằng những chiêu thức tiếp thị tinh vi. Những sản phẩm gây nghiện này được tô vẽ như biểu tượng của cá tính và sự hiện đại, đánh thẳng vào tâm lý tò mò, muốn thể hiện bản thân ở giới trẻ.

Chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 năm nay – “Vạch trần sự hấp dẫn giả tạo” – là lời cảnh báo mang tính toàn cầu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về các thủ đoạn ngụy trang ngày càng tinh vi của ngành công nghiệp thuốc lá.

Quảng cáo trá hình thu hút giới trẻ vào vòng nghiện nicotine

Mỗi năm, trên thế giới có hơn 8 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá, trong đó hơn 1,3 triệu người không hút thuốc nhưng bị ảnh hưởng bởi khói thuốc thụ động. Tại Việt Nam, theo số liệu của WHO, thuốc lá gây ra hơn 100.000 ca tử vong mỗi năm. Thiệt hại kinh tế do thuốc lá gây ra lên tới hơn 108 nghìn tỷ đồng – tương đương 1,14% GDP, cao gấp 5 lần tổng thu từ thuế thuốc lá. Không chỉ là một vấn đề y tế, thuốc lá đang trở thành gánh nặng cho sự phát triển bền vững.

Điều trị cho bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử tại Bệnh viện Bạch Mai. ảnh: BVCC

Điều trị cho bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử tại Bệnh viện Bạch Mai. ảnh: BVCC

Trong khi đó, sự phát triển mạnh mẽ và dần len lỏi vào lứa tuổi thanh thiếu niên của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đặt ra những vấn đề cấp bách. Theo điều tra của WHO, toàn cầu hiện có khoảng 37 triệu trẻ em trong độ tuổi 13–15 đang sử dụng thuốc lá, phần lớn là thuốc lá điện tử. Cũng theo WHO, tại một số quốc gia như Mỹ, giai đoạn 2017–2019, tỷ lệ học sinh trung học phổ thông sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng từ 11,7% lên 27,5%.

Tại Việt Nam, theo những số liệu trước khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 173/2024/QH15, cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, nhóm tuổi 15–24 là nhóm có tỷ lệ sử dụng cao nhất với 7,3%, và có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Không ít thanh thiếu niên bị thu hút bởi hình thức bắt mắt, mùi vị phong phú, và những lời quảng cáo mang màu sắc công nghệ.

Đồng thời, thực tế cho thấy, sau khi lệnh cấm có hiệu lực, tình trạng buôn bán và sử dụng các sản phẩm này vẫn diễn ra âm thầm. Đặc biệt, qua các kênh trực tuyến và các điểm bán lẻ nhỏ lẻ, các sản phẩm với mẫu mã đa dạng và mùi vị hấp dẫn vẫn tiếp cận được giới trẻ, gây khó khăn cho công tác kiểm soát. Lực lượng chức năng dù đã tăng cường thanh tra, xử lý vi phạm song sự tinh vi trong thủ đoạn vận chuyển, quảng cáo và tiếp thị vẫn là thách thức lớn.

Không để chính sách bị thao túng

Theo WHO, một trong những thủ thuật đáng lo ngại là việc các tập đoàn thuốc lá che giấu mục đích thương mại bằng các hình thức tài trợ, hoạt động từ thiện và chương trình cộng đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động buôn bán sản phẩm thuốc lá mới, đặc biệt là trên nền tảng mạng xã hội và các điểm bán lẻ gần trường học. Đồng thời, công tác tuyên truyền cần được thực hiện một cách có chiều sâu, lồng ghép trong các chương trình giáo dục kỹ năng sống, giáo dục công dân tại trường học. “Không thể gọi là giảm hại khi sản phẩm đó tiếp tục gây nghiện và tấn công vào não bộ trẻ em” - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

WHO đã kêu gọi các quốc gia thực hiện đầy đủ Điều 5.3 của Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC), trong đó nêu rõ các chính sách y tế cần được bảo vệ khỏi sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá. Đồng thời, WHO khuyến nghị tăng thuế thuốc lá để làm giảm sức mua, hướng tới tỷ lệ thuế chiếm ít nhất 75% giá bán lẻ – ngưỡng được coi là có hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc ở cả người trưởng thành lẫn thanh niên.

Ngày Thế giới không thuốc lá không chỉ là một dấu mốc truyền thông, mà là dịp để cộng đồng nhìn thẳng vào thực trạng, bóc trần những lớp ngụy trang tinh vi đang khiến thuốc lá dù cũ hay mới tiếp tục tàn phá sức khỏe xã hội. Bằng việc chủ động tiếp cận thông tin chính xác, nói không với những chiêu trò tiếp thị sai lệch và kiên quyết loại bỏ các sản phẩm gây nghiện ra khỏi môi trường học đường, chúng ta có thể góp phần bảo vệ thế hệ tương lai khỏi một cuộc khủng hoảng sức khỏe âm thầm nhưng dai dẳng.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga – nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định: Không có thứ gọi là hút để giảm hại. Khi thanh thiếu niên đã phụ thuộc vào nicotine thì rất khó để dứt bỏ, dù hình thức hút là gì đi nữa.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ngay-the-gioi-khong-thuoc-la-2025-vach-tran-su-hap-dan-gia-tao-10305935.html