Ngày Thế giới phòng chống sốt rét 25-4: Nỗ lực phòng chống sốt rét tại cộng đồng
Thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam, những năm qua, ngành y tế đã nỗ lực huy động các nguồn lực, tổ chức triển khai tốt các hoạt động truyền thông phòng chống sốt rét tại cộng đồng, tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, phun hóa chất loại trừ triệt để loăng quăng, bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt rét; tập huấn kỹ thuật xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị sốt rét đáp ứng yêu cầu, năng lực giám sát phát hiện của hệ thống y tế dự phòng; đảm bảo đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư phục vụ cho công tác phòng chống sốt rét trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ y tế giám sát vector truyền bệnh sốt rét tại xã Hóa Quỳ (Như Xuân).
Với mục tiêu không để dịch sốt rét xảy ra; không để tử vong do sốt rét; không ghi nhận bệnh nhân nội địa; xây dựng các yếu tố bền vững trong công tác loại trừ sốt rét..., năm 2021, công tác phòng chống sốt rét tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và lãnh đạo Sở Y tế; sự quan tâm chỉ đạo chuyên môn, vật tư của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và tiếp tục được thụ hưởng Dự án sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinin tài trợ tại 5 huyện (Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Ngọc Lặc). Đội ngũ làm công tác phòng chống sốt rét của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đều là bác sĩ đại học và sau đại học; mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, thường xuyên hoạt động, góp phần phát hiện sớm, điều trị kịp thời bệnh nhân sốt rét. Từ năm 2012 đến nay không có dịch sốt rét xảy ra; bệnh nhân sốt rét hàng năm giảm nhiều, năm sau giảm hơn so cùng kỳ năm trước; ký sinh trùng sốt rét phát hiện mỗi năm giảm 30%. Năm 2019 giảm 77,8%, đều là ký sinh trùng sốt rét ngoại lai. Năm 2020, toàn tỉnh đạt tiêu chí loại trừ sốt rét (được Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương công nhận theo Quyết định số 1726/QĐ-VSR ngày 12-12-2020). Năm 2021, toàn tỉnh không ghi nhận ca bệnh sốt rét, chưa phát hiện tình trạng ký sinh trùng kháng thuốc tại Thanh Hóa; dân số sống trong vùng sốt rét lưu hành, vùng nguy cơ sốt rét quay trở lại chiếm trên 24,2% dân số toàn tỉnh (số liệu theo kết quả phân vùng dịch tễ năm 2019).
Thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình quốc gia phòng chống và loại trừ sốt rét, năm 2021 có 26.779 người được xét nghiệm là (100% âm tính), giảm 33,5% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xét nghiệm bằng lam là 23.380 (chiếm 87,3%), xét nghiệm bằng test 3.399 (chiếm 12,7%), cả lam và test 1.934 (chiếm 7,3%). Toàn tỉnh đã giám sát được 38 lượt huyện, 76 lượt xã, cơ bản các đơn vị đã thực hiện tốt các nội dung công tác loại trừ sốt rét năm 2021.
Trao đổi với ông Đỗ Thanh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, được biết: Nhờ đẩy mạnh các hoạt động phòng chống sốt rét, trong những năm gần đây tình hình sốt rét trên địa bàn tỉnh luôn giữ được ổn định, bệnh sốt rét giảm rõ rệt nên đã xuất hiện tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống sốt rét trong cộng đồng. Để đạt mục tiêu không để xảy ra dịch và tử vong do sốt rét, hướng tới giảm mắc sốt rét, không để có bệnh nhân sốt rét nội địa, xây dựng các yếu tố bền vững trong công tác loại trừ sốt rét..., ngành y tế tiếp tục nâng cao chất lượng hệ thống giám sát dịch tễ bệnh sốt rét và bảo đảm năng lực đáp ứng dịch sốt rét; tăng cường công tác giám sát, phát hiện, điều trị kịp thời người có ký sinh trùng sốt rét, không để lây lan trở thành ký sinh trùng nội địa trong cộng đồng. Tập trung chỉ đạo các huyện trọng điểm, các huyện có dân giao lưu với vùng sốt rét lưu hành nặng, chú trọng vùng sâu, vùng xa, vùng di biến động dân cư, vùng biên giới, chủ động giám sát các huyện, xã có bệnh nhân sốt rét, ký sinh trùng SR gia tăng. Tăng cường giám sát vector, tổ chức các biện pháp phòng chống vector, vệ sinh môi trường; nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho tuyến cơ sở; làm tốt công tác truyền thông phòng chống sốt rét và xã hội hóa công tác phòng chống sốt rét.
Việc phòng chống và loại trừ sốt rét có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sức khỏe của con người, góp phần làm giảm gánh nặng bệnh tật cho Nhân dân, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, đặc biệt đối với vùng rừng núi, vùng kinh tế khó khăn. Vì vậy, công tác phòng chống sốt rét phải được coi là một nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài không chỉ riêng ngành y tế mà còn là nhiệm vụ của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và của cả cộng đồng.
Một số kiến thức về bệnh sốt rét:
Sốt rét là một bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng Plasmodium gây nên và do muỗi Anophen truyền từ người bệnh sang người lành. Mọi người đều có thể mắc bệnh nếu sống hoặc có qua lại vùng rừng núi nơi có sốt rét lưu hành và bị muỗi Anophen đốt.
Biểu hiện của bệnh sốt rét có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào nhiều yếu tố: Loại ký sinh trùng mắc phải, tình trạng miễn nhiễm của ký chủ, cơ địa ký chủ như thai nghén, suy dinh dưỡng... Thời kỳ ủ bệnh sốt rét là thời gian từ khi bị nhiễm ký sinh trùng cho đến khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng đầu tiên. Thời gian này trung bình từ 9 - 30 ngày thay đổi tùy theo từng chủng loại ký sinh trùng sốt rét.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh sốt rét bao gồm các cơn sốt điển hình trải qua 3 giai đoạn: rét run, sốt cao, vã mồ hôi. Một cơn sốt thường kéo dài từ 2 - 8 giờ, ngoài cơn sốt người bệnh không có cảm giác bị bệnh. Ngoài ra, có thể có các triệu chứng đi kèm khác như là: nhức đầu, mệt mỏi, suy nhược, buồn nôn, rối loạn ý thức nhẹ, đau cơ, rối loạn tiêu hóa...
Hiện nay, chưa có vắc-xin phòng bệnh sốt rét, chính vì vậy việc phòng chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp hữu hiệu nhất. Bệnh sốt rét có thể phòng, chống và chữa khỏi được hoàn toàn khi thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời.