Ngày tình yêu (14-2) kể chuyện tình yêu
Ngày 14-2 thường gắn với giai thoại về một vị linh mục tên Valentine. Vị này chống lệnh huy động thanh niên nhập ngũ thánh chiến, để cho các cặp trai gái đoàn tụ mà yêu nhau, nên bị hoàng đế La Mã Claudius II xử tử (năm 270).
Trước thế kỷ 18, ngày 14-2 chỉ được biết đến trong phạm vi hẹp với các hình thức tặng hoa hồng, tặng thiệp và chocolate ở một số nơi tại châu Âu; đến thế kỷ 18, ngày này được biết đến ở Anh. Năm 1913, thương hiệu chuyên nghiệp về thiệp tặng, quà tặng Hallmark Cards ra đời. Từ đó, ngày 14-2 lan rộng trở thành ngày “tình yêu trai gái” của nhiều nơi trên thế giới, mục đích rõ nét là kích hoạt thị trường quà tặng của giới thương nhân và thị dân.
Ngày này, không quên những câu chuyện về tình yêu lãng mạn từng lay động lòng người.
* Tristan và Iseult
Hoàng tử “Tristan” nhận sứ mệnh lên đường tìm một công chúa tóc vàng cho cậu là vua Mark cưới làm vợ. Tristan đến một xứ sở lạ, chiến đấu với quái vật, được lòng người đẹp Iseult, một công chúa tóc vàng xứ Ailen. Tristan chứng minh mình là dũng sĩ giết quái vật, được vua xứ Ailen gả công chúa, nhưng Tristan báo rõ: Cầu hôn người đẹp tóc vàng cho cậu là vua Mark, không phải cho mình. Trong hành trình đưa người đẹp về hoàng cung, trải qua nhiều thử thách, hoàng tử Tristan và công chúa Iseult đem lòng yêu nhau. Trớ trêu, nàng trở thành hoàng hậu, vợ của cậu là vua Mark. Với con tim giằng xé, hoàng tử Tristan rời hoàng cung, trở thành dũng sĩ đi rong. Chàng lại bị kẻ gian ám hại, trọng thương, sắp chết, mong ước cuối cùng là được gặp lại Iseult, nếu nàng đến, thuyền giương buồm trắng, nếu không nàng, cánh buồm đen. Được tin, công chúa tóc vàng Iseult đi thuyền buồm trắng đến gặp chàng. Nhưng, kẻ ác không buông tha, đánh tráo thành cánh buồm màu đen.
Phút giây cuối cùng, thấy cánh buồm đen, Tristan tuyệt vọng. Iseult vừa đến, đau lòng, nằm xuống bên Tristan ép đôi môi vào môi chàng, cùng chết. Nhưng tình yêu của Tristan và Iseult đã không chết. Trên mộ của Tristan mọc lên một bụi mận gai, nở hoa và ngát hương, ngọn cây không vươn lên theo hướng mặt trời mà xuyên vào trong mộ của Iseult để hai người không bao giờ xa cách.
Câu chuyện ngụ ý: Tình yêu là đấu tranh giằng xé giữa trách nhiệm và danh dự, giữa cái xấu và cái đẹp, cuối cùng là ngọn lửa vĩnh cửu của sự sống.
* Romeo và Juliet
Là một vở bi kịch của William Shakespeare, nước Anh, thế kỷ 16. Câu chuyện bắt đầu tại thành Verona, hai dòng họ nhà Montague và nhà Capulet có mối hận thù lâu đời. Romeo, con trai họ Montague và Juliet, con gái họ Capulet đã yêu nhau say đắm. Đôi trai gái này đã đến nhà thờ nhờ tu sĩ Friar Laurence bí mật làm lễ cưới.
Do xung khắc, anh họ của Juliet là Tybalt đã giết chết người bạn rất thân của Romeo là Mercutio. Để trả thù cho bạn, Romeo đã đâm chết Tybalt. Mối thù giữa hai dòng họ càng trở nên gay gắt. Romeo bị trục xuất khỏi Verona và bị đày đi biệt xứ. Khi Romeo đi rồi, Juliet bị cha mẹ ép gả cho Bá tước Paris. Juliet cầu cứu sự giúp đỡ của tu sĩ Laurence. Tu sĩ cho nàng uống một liều thuốc ngủ, uống vào sẽ như người đã chết, thuốc có tác dụng trong vòng 42 tiếng. Tu sĩ sẽ báo cho Romeo đến hầm mộ cứu nàng trốn khỏi thành Verona.
Đám cưới giữa Juliet và Paris trở thành đám tang. Xác Juliet được đưa xuống hầm mộ. Nghe tin Juliet chết, Romeo đau đớn trốn về Verona, kịp mua một liều thuốc cực độc dành cho mình. Tại hầm mộ, gặp Paris đến viếng Juliet, Romeo đâm chết Paris rồi uống thuốc độc tự tử theo người mình yêu. Romeo vừa gục xuống thì Juliet tỉnh dậy, nhìn thấy xác Romeo bên cạnh, nàng rút dao tự vẫn chết theo. Cái chết tang thương của đôi bạn trẻ đã thức tỉnh hai dòng họ, hai bên đã quên mối thù truyền kiếp. Như vậy, tình yêu là nhịp cầu kết nối yêu thương, xóa tan hận thù.
* Ngưu Lang - Chức nữ
Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng, vì say mê tiên nữ tên Chức Nữ bỏ bê việc chăn trâu, Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt họ chia xa, cách nhau con sông Ngân.
Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ hóa thành cơn mưa dai dẳng, gọi là mưa ngâu. Động lòng vì nước mắt, Ngọc Hoàng gia ơn cho hai người mỗi năm được gặp nhau một lần vào ngày 7 tháng Bảy âm lịch. Ngày ấy, các phường thợ mộc hóa kiếp làm quạ nối nhau làm cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gọi là Ô kiều. Lũ quạ xâu xé, mổ vào đầu nhau đến trụi lông, nên đến tháng Bảy hằng năm, quạ đen thường rụng hết lông đầu.
Chuyện tình Ngưu Lang - Chức Nữ cho thấy: Tình yêu cảm hóa được quyền lực. Quyền lực tối thượng cũng phải nhường lối cho tình yêu.
* Chử Đồng Tử - Tiên Dung
Truyền thuyết được ghi trong Lĩnh Nam chích quái với tên gọi Nhất Dạ Trạch đời nhà Trần (thế kỷ 13). Tương truyền, Chử Đồng Tử sống cùng cha là Chử Cù Vân tại thôn Chử Xá, xã Văn Đức (nay thuộc huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội). Nhà nghèo, gặp hỏa hoạn, cả hai cha con chỉ còn một chiếc khố thay nhau mặc. Cha mất, Chử Đồng Tử hiếu thảo, chôn khố theo cha, thân mình trần truồng, suốt ngày dầm mình dưới nước, nương theo bóng đêm, bờ bãi mò cua bắt ốc kiếm sống.
Thời ấy, Hùng Vương thứ 3 có cô con gái tên là Tiên Dung đến tuổi cập kê, từ chối các cuộc dạm hỏi, chỉ thích ngao du sơn thủy. Một hôm, thuyền của Tiên Dung đến vùng Chử Xá. Chử Đồng Tử hoảng sợ vội vùi mình vào cát lẩn tránh. Thuyền cặp bờ, Tiên Dung dạo chơi rồi sai người quây màn ở bãi cát để tắm, ngờ đâu đúng ngay chỗ của Chử Đồng Tử. Nước xối, cát trôi, Chử Đồng Tử lộ nguyên hình. Thay vì hạch tội, Tiên Dung hỏi han, rõ sự tình, cho là duyên số, không phân sang hèn, hai người gá nghĩa vợ chồng. Tiên Dung không về kinh, ngụ lại Chử Xá, cùng chồng sống đời thôn dã với dân làng.
Hùng Vương nghe chuyện, giận dữ, hạ lệnh trừng phạt. Vợ chồng Chử Đồng Tử - Tiên Dung không nao núng, cùng dân làng mở chợ Hà Thám làm cho làng xóm tấp nập, phồn thịnh. Duyên lành, Chử Đồng Tử gặp tăng sĩ Phật Quang, theo thầy học đạo tu tiên, truyền đạo giúp đời, bốc thuốc cứu người. Tiên Dung cùng học theo chồng, cả hai bừng ngộ, rời việc buôn bán, du hành khắp nơi cứu giúp người cùng khổ. Một đêm, đôi vợ chồng trẻ dừng chân, cắm gậy trên đất, úp nón lên gậy nghỉ ngơi. Bỗng nhiên, gậy và nón biến thành cung điện. Sáng hôm sau, cung điện biến mất, vợ chồng Chử Đồng Tử - Tiên Dung cũng không còn. Người ta nói, đôi vợ chồng tiên cốt ấy đã đắc đạo, về trời, tiếp tục tu tiên để cứu đời. Dân trong vùng lập miếu thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung như là thánh bất tử (trong Tứ Bất Tử Việt Nam).
Tình yêu của Chử Đồng Tử - Tiên Dung là “tình yêu bất tử” đậm triết lý nhân sinh, không phân biệt sang hèn, không chỉ vì hạnh phúc riêng mình mà dấn thân chia sẻ, phụng sự đời sống chung của cộng đồng.
Trong thời đại Hồ Chí Minh ngày nay, thanh niên Việt Nam có Đảng soi đường dẫn lối, có dân tộc nâng bước truyền thống, có thành tựu của đất nước tạo điều kiện cất cánh, lẽ nào chúng ta chỉ biết hút theo tình yêu trai gái sôi động thị trường trong ngày 14-2 mà không lắng lòng với những câu chuyện tình yêu lãng mạn, giàu tính nhân văn, như Tristan - Iseult, Romeo và Juliet, Ngưu Lang - Chức Nữ, Chử Đồng Tử - Tiên Dung.