Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7/2024

Thực hiện Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 30/7 hằng năm là 'Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người'.

Mục lục

Chủ đề ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7/2024
Lễ hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” trong năm 2024
Các nhiệm vụ và phân công hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 20/7
1. Bộ Công an (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP)
2. Bộ Quốc phòng
3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
4. Bộ Ngoại giao
5. Bộ Thông tin và Truyền thông
6. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
7. Bộ Giáo dục và Đào tạo
8. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam
9. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao
10. Đề nghị Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
11. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Các mục địch và yêu cầu để hướng ứng ngày 30/7 - Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người
Các tổ chức thực hiện hưởng ứng ngày 30/7

Chủ đề ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7/2024

Chủ đề ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7/2024

Chủ đề ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7/2024

Chủ đề của năm 2024 là: “Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người”.

Lễ hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” trong năm 2024

Mua bán người được LHQ xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu và ngày 30/7 hằng năm được chọn là “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”. Tại Việt Nam, ngày 30/7 cũng được chọn làm “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.

Trong những năm qua, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người trên Thế giới và trong khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất, phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói chung và các nước Tiểu vùng sông Mê Kông nói riêng, trong đó có Việt Nam, hoạt động tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em vẫn đang diễn ra; trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người; ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội.

Tại Việt Nam, tình trạng tội phạm mua bán người ở nước ta xảy ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng, với thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi. Phần lớn các vụ mua bán người đều do các đường dây tội phạm thực hiện, có sự kết cấu chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và ngoài nước, với nhiều thủ đoạn hứa hẹn việc làm, môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi. Chúng thường lên mạng Internet để làm quen, rồi dụ dỗ các bé gái và chị em ở nông thôn có nhu cầu việc làm theo chúng lên biên giới tìm việc, hoặc vờ yêu đương rồi bán cho bọn "Mua bán người". Tệ hơn, chính người trong gia đình cũng tham gia những đường dây phạm tội này để bán người thân ra nước ngoài. Nhiều trường hợp bạn bè chơi với nhau hàng ngày, nhưng khi cần tiền để chơi bời chúng sẵn sàng dụ dỗ, đem bán cho kẻ xấu… Thời gian gần đây đã xuất hiện cả những vụ mua bán đàn ông, học sinh, sinh viên, mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê...

Qua nhiều lần tìm hiểu, điều tra, các nguyên nhân chính khiến gia tăng tình trạng mua bán người là do siêu lợi nhuận; mất cân bằng về giới; khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm; xuất nhập cảnh chưa kiểm soát hiệu quả; mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin của người dân; công tác truyền thông, đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người chưa đủ mạnh... Để hạn chế nhiều hệ lụy mua bán người đáng tiếc từ những sự bất ổn nêu trên, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập với cộng đồng.

Để phòng ngừa, đấu tranh với những loại tội phạm này, trước hết mọi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân. Đây là yếu tố cần thiết trong công tác phòng ngừa, tránh tạo môi trường thuận lợi để bọn tội phạm hoạt động. Luôn cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Cảnh giác với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có. Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết. Tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm, mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người bạn đi cùng mình như thế nào. Trước khi đi hãy tham khảo ý kiến mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết bạn sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa. Thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân khỏi bị mua, bán. Quan trọng luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân,... để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết. Đồng thời, tuyên truyền cho những người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm buôn bán người.

Khi phát hiện hành vi buôn bán người hãy thông báo cho cơ quan pháp luật, tổ chức chính quyền nơi gần nhất. Dù nhỏ tuổi hay đã trưởng thành bạn đều được hưởng quyền công dân, quyền con người, do vậy nếu bạn bị chính người thân trong gia đình gả bán, hãy liên lạc với công an, chính quyền, hội Phụ nữ hoặc các tổ chức xã hội khác để được giúp đỡ.

Tích cực phòng chống nạn mua, bán người, mỗi người dân hãy cùng đoàn kết, hành động vì sự an toàn của mỗi người, mỗi gia đình, vì tương lai tốt đẹp của toàn xã hội.

Các nhiệm vụ và phân công hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 20/7"

1. Bộ Công an (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP)

Triển khai quyết liệt các kế hoạch, phương án phòng, chống mua bán người. Chủ động nắm chắc tình hình, dự báo sát, giải quyết tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở, khẩn trương điều tra, khám phá các vụ án, đường dây tội phạm mua bán người, và các tội phạm có liên quan. Mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 đến 30 tháng 9 năm 2024.

Phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai và các bộ, ngành liên quan tổ chức Lễ phát động chung tay phòng, chống mua bán người, hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”. Công bố chủ đề của “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” năm 2024 là: "Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người".

Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người, nhất là tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người; làm tốt công tác quản lý xuất, nhập cảnh, quản lý người nước ngoài.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, nhất là đối với các nước có chung đường biên giới, quốc gia có nhiều người Việt Nam đến lao động, học tập, du lịch...

2. Bộ Quốc phòng

Chỉ đạo lực lượng chức năng mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người tại địa bàn biên giới, cửa khẩu, biển, hải đảo và các khu vực thuộc trách nhiệm quản lý. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật cho quần chúng Nhân dân. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7".

Tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, biển, hải đảo và các khu vực thuộc trách nhiệm quản lý, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động mua bán người. Thực hiện tốt nội dung các Hiệp định, thỏa thuận hợp tác về phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới và các quốc gia có liên quan. Phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xác định các trường hợp nghi vấn là nạn nhân bị mua bán để kịp thời hỗ trợ, bảo vệ theo quy định.

3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Thực hiện tốt công tác hỗ trợ nạn nhân, nhất là đối với nạn nhân là trẻ em. Tăng cường quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với các hoạt động giới thiệu việc làm, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam... Thực hiện công tác tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác về mua bán người tới Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, đồng thời là đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người (Tổng đài 111).

Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7".

4. Bộ Ngoại giao

Chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện công tác bảo hộ đối với công dân Việt Nam, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và những người nghi là nạn nhân bị mua bán; bảo đảm thực hiện kịp thời theo thẩm quyền các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết và công tác xác minh, xác định, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành liên quan làm tốt công tác thông tin đối ngoại về chủ trương, chính sách và những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người; tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7".

5. Bộ Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7".

Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động nhắn tin tuyên truyền “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7", với nội dung nhắn tin: “Toàn dân tích cực tham gia phòng, chống mua bán người. Khi phát hiện dấu hiệu liên quan đến mua bán người hãy thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc Tổng đài quốc gia 111 để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời.

6. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tăng cường quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ du lịch... nhằm chủ động phát hiện việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người.

Tổ chức lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống mua bán người trong các hoạt động du lịch, thể thao, văn hóa, văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật.

7. Bộ Giáo dục và Đào tạo

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người lồng ghép trong các hoạt động học tập ngoại khóa, phù hợp với yêu cầu của từng cấp học, ngành học, lứa tuổi, vùng miền.

Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7".

8. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam

Tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của Nhân dân trong phòng, chống mua bán người; tuyên truyền về những tấm gương điển hình, gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng, chống mua bán người.

Tăng cường xây dựng, phát sóng, đăng tải các phim phóng sự, tin bài, tọa đàm về chủ đề phòng, chống mua bán người vào khung giờ có nhiều người theo dõi, nhằm hưởng ứng "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7".

9. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao

Chỉ đạo Viện kiểm sát, Tòa án các cấp đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người và tội phạm có liên quan, đảm bảo kịp thời, nghiêm minh; phối hợp các bộ, ngành có liên quan thực hiện hiệu quả đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người.

10. Đề nghị Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai và các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7".

Chỉ đạo các cấp Hội tổ chức các hoạt động tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người trực tiếp tại cộng đồng và trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

11. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Chỉ đạo thực hiện đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền về phòng, chống mua bán người; tổ chức các hoạt động hưởng ứng "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” với chủ đề “Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người”.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra lĩnh vực, cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tội phạm mua bán người; làm tốt công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, chú trọng nạn nhân là trẻ em. Triển khai thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người (thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2024).

Các mục địch và yêu cầu để hướng ứng ngày 30/7 - Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người

1. Nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, qua đó huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, tăng cường công tác nắm tình hình, đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người, nhất là tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi; làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ an toàn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, người nghi là nạn nhân.

3. Triển khai các hoạt động hưởng ứng "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người" và "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7" bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với thông lệ quốc tế và chủ đề của năm 2024 là: "Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người".

Các tổ chức thực hiện hưởng ứng ngày 30/7

1. Giao Bộ Công an (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP) chịu trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện; tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai thực hiện của các bộ, ngành, địa phương; khen thưởng, đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7".

2. Các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện; báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 15/8/2024 về Bộ Công an (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Kinh phí thực hiện các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7" được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương và huy động từ các nguồn tài trợ hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Trung Kiên

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/ngay-toan-dan-phong-chong-mua-ban-nguoi-30-7-2024-224942.html