Ngày vía Thần Tài: Mong rước lộc đầu năm

Cứ đến mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm, như một thường lệ, người dân đều xếp hàng mua vàng cầu may. Thậm chí, nhiều người còn đặt chỗ từ ngày hôm trước để dễ dàng mua vàng hơn.

Hà Nội rộn ràng ngày vía Thần Tài

Trong ngày vía Thần Tài (7/2, tức mùng 10 tháng Giêng), dù giá vàng luôn ở mức cao nhưng nhiều cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý tại Hà Nội luôn trong trạng thái chật kín khách. Họ sẵn sàng chờ nhiều giờ để mua được vàng.

8 giờ 30 phút sáng trên phố Trần Nhân Tông, không khí chào đón ngày vía Thần Tài tràn ngập phố. Tuy nhiên, giao thông trên phố vẫn thoáng, trước nhiều cửa hàng vàng không còn cảnh khách hàng chen chúc.

Chị Bùi Thị Ngân ở phường Trương Định, quận Hoàng Mai, chia sẻ: “Đầu xuân năm mới, mình muốn mua 1-2 chỉ vàng để lấy may, lấy vía của Thần Tài, mong một năm làm việc thuận buồm, xuôi gió”.

Các cửa hàng vàng cho biết, nhiều người đã lựa chọn mua vàng ngay từ những ngày đầu năm, cùng với đó là sự nâng cấp dịch vụ mua bán để giảm tải cho ngày vía Thần Tài.

Ông Mai Huy Tuần - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Quý - cho hay: “Chúng tôi có chuẩn bị nguyên liệu và các sản phẩm để đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng trong ngày Thần Tài năm nay. Để khách không phải xếp hàng, chúng tôi đã chia nhiều quầy, các khâu đều phân chia công đoạn tốt, giúp khách hàng khi đến giao dịch chỉ mất khoảng 5-10 phút”.

Thị trường vàng trong bốn năm qua có xu hướng tăng giá, đặc biệt là trong năm 2023 và 2025, phản ánh nhu cầu mua vàng vào dịp đầu năm và ngày vía Thần Tài của người dân đang ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, hầu như người mua vàng ngày vía Thần Tài không quan tâm nhiều đến giá vàng cao, do mua không nhiều và chủ yếu là mong cầu may mắn.

Trước đây, chỉ những người làm ăn buôn bán mới mua vàng vào ngày vía Thần Tài với mục đích cầu tài lộc. Những năm gần đây, nhiều người làm các nghề khác cũng theo trào lưu đổ xô đi mua vàng trong ngày này với hy vọng được Thần Tài phù hộ, ban tài lộc, vì vàng mang ý nghĩa phú quý, cát tường.

Lễ hội Vàng 2025: Xuân an khang - Trải nghiệm xuân thành thị

Ngày Thần Tài theo quan niệm dân gian cũng là tâm điểm của Lễ hội Vàng 2025 - Xuân an khang được Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI tổ chức từ ngày 5-7/2 (tức ngày mùng 8 đến mùng 10 tháng Giêng). Với niềm tin mua vàng trong ngày vía Thần Tài có thể mang đến may mắn cho năm mới làm ăn phát đạt, buôn may bán đắt, Lễ hội Vàng 2025 đã thực sự trở thành một trải nghiệm xuân thành thị ý nghĩa.

Từ sáng sớm, trong ngày chính hội của Lễ hội Vàng 2025, hơn 200 trung tâm trang sức của Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI trên cả nước đã thu hút hàng chục ngàn lượt khách tới thăm quan và mua sắm. Những sản phẩm đồng vàng, trang sức và đá quý của DOJI được khách hàng đặc biệt quan tâm trong dịp này. Đặc biệt là các sản phẩm gắn với năm Ất Tỵ như: Kim Tỵ Chiêu Tài, Kim Tỵ Phát Lộc, Charm 12 con giáp, vật phẩm phong thủy phủ vàng... được người dân đón nhận nồng nhiệt bởi mẫu mã đẹp và giá thành hợp lý.

Sức mua tại các trung tâm trang sức DOJI tăng cao, thể hiện tín ngưỡng xin vía cầu may của người dân, mong một năm mới tài lộc và thịnh vượng. Nhờ công tác chuẩn bị chặt chẽ tại các điểm bán, dù lượng khách đông, tình hình trật tự vẫn được đảm bảo, góp phần tạo nên không khí lễ hội tươi vui và an toàn. Bên cạnh đó, lễ hội còn diễn ra hàng loạt hoạt động trải nghiệm xuân thành thị, như: xin chữ ông đồ, mua cây lộc đầu xuân, trình diễn công nghệ robot... thu hút sự quan tâm của người dân và khách tham quan.

Lễ hội Vàng 2025 - Xuân an khang tiếp tục trở thành một địa điểm du xuân ý nghĩa, khẳng định vị thế của thương hiệu DOJI trong ngành vàng bạc trang sức đá quý tại Việt Nam.

Người dân mua vàng lấy may ngày vía Thần Tài

Chị Nguyễn Hương Thơm là một trong những khách hàng đầu tiên đến xếp hàng chờ mua vàng vào ngày vía Thần Tài tại phố vàng Trần Nhân Tông. Từ 10 năm nay, với niềm tin rước lộc vào ngày mùng 10 tháng Giêng, chị Thơm đều sẽ mua một chỉ vàng để lấy may. Mặc dù giá vàng có tăng so với mọi năm, nhưng tính chung trong nhiều năm qua, việc mua vàng tích trữ ngày vía Thần Tài cho đến nay đều có lãi, thậm chí còn hơn cả kênh gửi tiết kiệm nên chị không tính toán nhiều về giá.

Chị Nguyễn Hương Thơm ở phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, chia sẻ: “Tôi vẫn duy trì việc mua vàng hàng năm vào ngày vía Thần Tài. Tôi thường mua nhẫn vàng trơn và vàng miếng nhằm cầu mong một năm tài lộc hơn”.

Cũng trên "tuyến phố vàng" Trần Nhân Tông, nhiều thương hiệu vàng đã chuẩn bị nhiều mẫu mã bắt mắt, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong ngày vía Thần Tài, nhiều loại sản phẩm được khách hàng ưa thích, như: miếng vàng hình ông thần tài, nhẫn kim tiền, nhẫn vàng trơn. Ngoài ra, mặt tiền cửa hàng được chuẩn bị kỹ lưỡng với không gian độc đáo, tạo không khí xuân rộn ràng cho người dân.

Vào ngày vía Thần Tài năm nay, người dân Hà Nội tiếp tục chuộng các sản phẩm vàng mang ý nghĩa cầu may như vàng mini, vàng trang sức phong thủy và vàng Thần Tài theo mệnh. Dù giá vàng cao, nhiều người vẫn sẵn sàng chi tiêu để sở hữu vàng với hy vọng mang lại tài lộc và thịnh vượng trong năm mới.

Theo quan niệm văn hóa, vàng tượng trưng cho sự giàu sang và may mắn, nên mua vàng vào dịp này được xem là một phong tục quan trọng. Sự kết hợp giữa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và quan niệm dân gian đã tạo nên nét đẹp văn hóa riêng của người Hà Nội. Bên cạnh đó, vàng thường đi cùng màu đỏ, tạo thành cặp song hành mang ý nghĩa phúc lộc, thịnh vượng trong đời sống tâm linh của người dân.

Những phong tục cầu may ngày vía Thần Tài

Thay vì xếp hàng để mua vàng cầu may, chị Phạm Thu Hà tự tay chuẩn bị một mâm cỗ nhỏ phù hợp với điều kiện gia đình nhưng đầy đủ đồ chay - mặn dâng lên thần linh, như: mâm ngũ quả, bánh bao kim sa, bánh trôi nước, xôi gấc, thịt quay, tôm hấp, trà, thuốc lá. Mâm cỗ mang sắc màu rực rỡ vàng, cam, đỏ. Mang ý nghĩa may mắn, sung túc, mang lại tài lộc trong ngày vía Thần Tài.

Chị Phạm Thu Hà ở phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, cho biết: “Mấy năm gần đây, không phải năm nào mình cũng đi mua vàng vì còn tùy theo giá cả thị trường mỗi năm. Nhưng có một việc mình duy trì các năm, đó là sẽ làm một mâm cỗ đơn giản gồm các món như tôm, bánh bao kim sa, xôi gấc để thắp hương và cầu mong một năm kinh doanh, buôn bán thuận lợi”.

Tiết kiệm chi phí nhưng vẫn chiêu tài lộc, những chiếc bánh kem trang trí bắt mắt như hình ông Thần Tài, mèo Thần Tài, túi tiền, thỏi vàng cũng được khách hàng ưa chuộng. Với giá dao động từ 350-600 nghìn đồng/bánh với các size và trang trí khác nhau. Để làm ra chiếc bánh vừa đẹp mắt, trang trọng như túi tiền thật, vừa thơm ngon để dâng xong có thể thụ lộc, trong ngày vía Thần Tài, bếp bánh của chị Ngọc phải hoạt động hết công suất, xuyên suốt từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm để trả kịp đơn cho khách.

Chị Lê Mỹ Ngọc, điều hành hệ thống bếp bánh Lamore tại Hà Nội, chia sẻ: “Bánh Thần Tài là một sự lựa chọn tối ưu về chi phí cũng như về hình thức. Tuy nhiên, mọi người còn có thể lựa chọn rất nhiều lễ vật khác, như: mâm lễ tam sên, mua vàng, làm hũ tiền vàng… sao cho phù hợp nhất với mình”.

Trước đây, hình ảnh những dòng người chen chúc tại các tiệm vàng để mua lộc đầu năm đã trở thành "đặc sản" của ngày này. Thế nhưng, không chỉ mua vàng mới là cách rước lộc đầu năm mà nhiều còn nhiều cách khác khác để cầu tài lộc trong dịp đặc biệt này. Khi hiểu rằng, "lộc" đến từ sự chân thành và nỗ lực, dù là mua vàng, mua bánh, làm mâm cúng hay đơn giản là thắp một nén nhang, điều quan trọng nhất vẫn là niềm tin vào những điều tốt đẹp phía trước.

Phố cá lóc nướng mía tấp nập ngày vía Thần Tài

Cứ vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm, người dân Nam Bộ lại dùng lễ vật đặc trưng là cá lóc nướng - một loài cá có sức sống mãnh liệt trong môi trường khắc nghiệt, để cúng vị Thần Tài nhằm tạ ơn và cầu may cho một năm mới kinh doanh phát đạt. Nhiều năm qua, tại TP.HCM đã dần hình thành một con đường được gọi vui là “Phố cá lóc nướng”. Nơi đây có nhiều cửa hàng bán từ 1.000-4.000 con cá trong dịp vía Thần Tài.

Đường Tân Kỳ Tân Quý (phường 14, quận Tân Phú, TP.HCM) lâu nay được gọi là “Phố cá lóc nướng". Con đường vốn dĩ đã đông đúc vào ngày thường, đến ngày vía Thần Tài càng trở nên tấp nập người mua, kẻ bán. Từ đầu đường, mùi cá nướng và khói mịt mù đã xuất hiện.

Trong khoảng vài trăm mét dọc hai bên đường, có đến hàng chục quầy hàng bán cá lóc nướng. Có những quầy hàng lớn, lên tới hàng chục nhân viên với nhiều lò than; quầy nhỏ chỉ có người nướng, người đứng bán.

Từ sáng sớm, người dân ở nhiều nơi đổ về để mua cá lóc nướng. Giá cả tùy từng quầy, từng kích cỡ, từ 180.000 - 240.000 đồng/con.

Để có đủ lượng cá bán cho ngày vía Thần Tài, các cửa hàng đã chuẩn bị từ nhiều ngày, từ nhập cá, giữ cá cho tươi, mua mía về xiên. Năm nay, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng lượng khách đến mua vẫn không giảm nhiều, vì đây không chỉ là món ăn mà là thứ để cúng, cầu mong một năm làm ăn thuận lợi.

Cá lóc biểu trưng cho sự nỗ lực, thành công vì sức sống mãnh liệt trong nhiều điều kiện khắc nghiệt. Cây mía có tán lá tượng trưng cho mây, trời; gốc, rễ tượng trưng cho đất và nguồn cội; vị ngọt là mong ước cuộc sống với may mắn, tốt đẹp. Dù cuộc sống hiện đại tất bật, thế nhưng trên mâm cỗ ngày mùng 10 tháng Giêng, người dân Nam Bộ vẫn luôn đặt những lễ vật truyền thống, lưu giữ từ đời này qua đời khác.

Người dân Trung Quốc xếp hàng mua vàng cho ngày Thần Tài

Ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch là ngày vía Thần Tài tại một số nước châu Á, bao gồm Việt Nam và Trung Quốc. Đây là dịp mà nhiều người đi mua vàng để cầu mong may mắn, tài lộc cho một năm mới. Tại Trung Quốc nhiều ngày nay, nhu cầu mua vàng tăng cao, nhất là khi giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh.

Ngày vía Thần Tài được cho là ngày sinh nhật của Thần Tài, hay "Caishen" trong tiếng Trung - một nhân vật thần thoại mang lại may mắn trong văn hóa Trung Quốc. Tại đây, người dân thường nghênh đón Thần Tài bằng cách đến chùa cầu may hoặc tham gia lễ rước lớn trên phố phường.

Người dân ở quốc gia này cũng có tục tiễn nghèo và đón Thần Tài bằng cách dọn dẹp nhà cửa, loại bỏ những điều kiêng kỵ trong dịp Tết. Không chỉ mua vàng lấy may và tiết kiệm, người dân Trung Quốc thường nhận lì xì và làm các nghi lễ khác để cầu tài lộc.

Ngày vía Thần Tài ở Trung Quốc không chỉ là dịp để cầu mong sự thịnh vượng mà còn là cơ hội để gia đình sum họp và chia sẻ niềm vui. Dịp lễ Thần Tài năm nay, nhiều cửa hàng vàng lớn nhỏ tại Trung Quốc đã ghi nhận lượng lớn người tiêu dùng tới xếp hàng mua vàng để chuẩn bị các hoạt động trong dịp lễ.

Shuibei - một chợ vàng và trang sức nổi tiếng tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, đã nhộn nhịp hoạt động vào những ngày đầu tiên kinh doanh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Người tiêu dùng từ khắp cả nước đổ xô đến chợ, háo hức mua đồ trang sức bằng vàng và các sản phẩm đầu tư cho dịp lễ.

Cô Zhang, một người mua vàng từ tỉnh Sơn Tây, miền Bắc Trung Quốc, cho biết: "Tôi chuẩn bị trở về thành phố Thái Nguyên từ Quảng Châu. Tôi đã đi tàu từ Quảng Châu đến Thâm Quyến chỉ để mua vàng. Tôi đến đây vào buổi trưa hôm nay và ngay lập tức bắt taxi đến chợ Shuibei sau khi ăn xong. Tôi đã mua bốn chiếc nhẫn và một chiếc vòng tay. Tôi vẫn đang tìm kiếm thêm".

Các hoạt động cho ngày lễ Thần Tài cùng với những chương trình khuyến mãi hấp dẫn và nhu cầu mua vàng đầu năm, đã và đang khiến cơn sốt vàng lan rộng tại nhiều nơi ở Trung Quốc. Nhiều người dân không ngại di chuyển quãng đường xa xôi chỉ để mua sắm các sản phẩm vàng theo nhu cầu với mức giá cả phải chăng.

Cô Wang, một khách hàng xếp hàng mua vàng, cho hay: "Tôi đã đi hơn 3.000 km từ Nội Mông chỉ để mua vàng. Giá vàng đã lên tới hơn 800 Nhân dân tệ ở quê tôi và tại đó có ít lựa chọn hơn”.

Tại Trung Quốc, vàng không chỉ là biểu tượng của sự may mắn, giàu có, tài lộc mà còn được coi là một loại tài sản giá trị để giữ và truyền lại cho các thế hệ tiếp theo. Các nhà phân tích trong ngành tin rằng, nhu cầu về vàng như một tài sản trú ẩn an toàn sẽ tiếp tục gia tăng, với lễ vía Thần Tài sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sẽ thúc đẩy nhu cầu mạnh mẽ của người tiêu dùng đối với cả đồ trang sức bằng vàng, lẫn các sản phẩm đầu tư.

Phan Thảo

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/ngay-via-than-tai-mong-ruoc-loc-dau-nam-301499.htm