Ngày vía Thần tài ở tiệm kim hoàn nơi đông đúc, chỗ 'dài cổ' ngóng khách
Trong khi một số cửa hàng của nhãn vàng Bảo Tín Minh Châu và Doji đông đúc thì ở đối diện, cửa hàng vàng Phú Quý lại chẳng lấy một bóng khách.
Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) được mệnh danh là "phố vàng" của Hà Nội, bởi đây là nơi tập trung của nhiều thương hiệu vàng trong nước.
Ngày 19/2, ghi nhận của phóng viên cho thấy, rất đông người dân có mặt tại các cửa hàng vàng bạc đá quý tại phố Trần Nhân Tông từ rạng sáng để xếp hàng, chờ đợi mua vàng lấy may ngày vía Thần tài.
Theo đó, các cửa hàng vàng bạc đá quý cũng chuẩn bị, bố trí nhân viên từ rạng sáng sẵn sàng mở cửa đón những vị khách đầu tiên.
Tuy nhiên, nếu tại cửa hàng vàng bạc Bảo Tín Minh Châu hay Doji, khách hàng xếp hàng, trực chờ từ khi trời chưa sáng để báo danh, đăng ký mua vàng thì ở vị trí đối diện, cửa hàng vàng bạc Phú Quý (số 30 Trần Nhân Tông) và một số tiệm vàng khác lại rất vắng vẻ.
Cũng vì vắng khách mà các nhân viên của cửa hàng vàng bạc này không phải tất bật sắp xếp chỗ ngồi cho khách hay liên tục phát phiếu đăng ký mua vàng cho từng khách hàng.
Sớm có mặt tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu, bà Phạm Thị Hương (63 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) vui mừng vì không phải xếp hàng quá lâu để mua vàng ngày vía Thần tài.
Bà Hương cho biết: "Vì biết các cửa hàng vàng bạc mở cửa lúc khoảng 6h30 đến 7h sáng nên từ hơn 6h, tôi ung dung lái xe đi mua vàng. Cũng như mọi năm, khi lượt khách đầu giao dịch xong thì tôi vào mua và tôi không phải xếp hàng".
Cũng như mọi năm, năm nay, bà Hương mua 2 chỉ vàng và được tặng thêm quà tặng là một chiếc cốc uống nước.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hồng Mai (ở Hai Bà Trưng) cho biết, nhiều năm nay, bà luôn giữ thói quen mua vàng vào ngày vía Thần tài để mong cầu sự may mắn. Vì thuộc tuýp người truyền thống nên bà Mai trung thành với địa điểm bản thân từng mua nhiều lần trước đó.
Bà Mai cho biết, năm nay, bản thân sẽ mua 2 chỉ vàng để tặng cho các con vừa là trao may mắn, vừa để các con có tài sản dự phòng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Thuyết – chuyên viên phòng kinh doanh Bảo Tín Minh Châu khẳng định sẽ không xảy ra tình trạng khan vàng phục vụ người dân ngày vía Thần tài.
Theo ông Thuyết, năm nay, xu hướng người dân mua vàng nhẫn tròn trơn nhiều hơn vàng miếng SJC do tính thanh khoảng cao mà giá thành thấp hơn.
"Nắm được xu hướng và thói quen tiêu dùng của người mua, chúng tôi luôn dự trù một khối lượng vàng nhất định để đáp ứng nhu cầu người mua. Hơn nữa, do nhẫn tròn trơn không mất nhiều thời gian để chế tác như sản phẩm trang sức nên khi số lượng tại các cửa hàng giảm, chúng tôi bổ sung cũng nhanh hơn", ông Thuyết cho hay.
Vào hồi 10h sáng 19/2, Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC 7,790 đồng/chỉ ở chiều bán ra và 7,540 đồng/chỉ ở chiều mua vào.
Vàng nhẫn tròn trơn: 6,590 đồng/chỉ ở chiều bán ra và 6,450 đồng/chỉ ở chiều mua vào.
Sản phẩm vàng trang sức có giá từ 6,540 đến 6,590 đồng/chỉ ở chiều bán ra và ở chiều mua vào, giá thu mua thấp hơn giá bán ra từ 50.000 – 100.000 đồng/chỉ.
Tại Doji, vàng SJC lẻ niêm yết tại khu vực Hà Nội là 7,820 đồng/chỉ bán ra và 7,540 đồng/chỉ mua vào.
Sản phẩm vàng nhẫn tròn trơn 9999 (Hưng Thịnh Vượng) có giá niêm yết là 6,565 đồng/chỉ ở chiều bán ra và 6,420 đồng/chỉ ở chiều mua vào.
Tại vàng bạc Phú Quý, mức chênh giữa chiều mua vào – bán ra vàng miếng SJC là khoảng gần 2,5 triệu đồng/cây, khi giá bán ra niêm yết là 78 triệu đồng/cây thì giá mua vào là 75,4 triệu đồng/cây.
Sản phẩm vàng nhẫn tròn trơn là 65,8 triệu đồng/cây ở chiều bán ra; 64,6 triệu đồng/cây ở chiều mua vào.