Ngày xưa hết tiền lại xin mẹ, giờ có con mọi thứ tốn gấp đôi mới biết quản lý tài chính
Những thay đổi cũng như bài học trong câu chuyện tài chính khi làm vợ, làm mẹ.
Lập gia đình, trở thành vợ, thành mẹ có lẽ là những cột mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi người phụ nữ. Ở thời điểm này, hội chị em sẽ thay đổi rất nhiều để có thể thích nghi với cuộc sống mới. Một trong những số đó là câu chuyện tài chính, đi cùng với niềm vui có 1 gia đình nhỏ cũng là những trách nhiệm lớn hơn.
“Có con khiến mình chi tiêu có ý thức hơn”
Nguyễn Thảo (29 tuổi), kết hôn năm 2019 và bắt đầu làm mẹ vào cuối năm 2020 chia sẻ trước khi lập gia đình chi tiêu khá vô tư, không có kế hoạch cụ thể. “Thu nhập hàng tháng mà có dư, mình sẽ đưa mẹ giữ, tiêu hết lại xin mẹ. Sau khi có gia đình, mình nhận ra có rất nhiều khoản phải chi, nhất là từ lúc có con. Từ đó, mình mới chi tiêu có cân nhắc và kiểm soát hơn”.
Bên cạnh đó, Nguyễn Thảo chia sẻ rằng cuộc sống gia đình sẽ bắt buộc mỗi người phải trưởng thành hơn để có trách nhiệm với chính gia đình nhỏ của mình. Nếu không cân nhắc mà vẫn chi tiêu thoải mái vô tư như trước đây, chắc dù có bao nhiêu thì “núi cũng lở”.
Cũng giống như Nguyễn Thảo, khi còn độc thân, Nga Vũ (30 tuổi) khá thoải mái trong chi tiêu, phần lớn tiền kiếm được sẽ dành đi du lịch, mua sắm quần áo, mỹ phẩm,... Sau khi lấy chồng, phong cách “xài tiền” cũng khác, cô vừa phải lên kế hoạch chi tiêu hợp lý cho gia đình, vừa phải tiết kiệm cho những kế hoạch trong tương lai.
Ngoài ra, theo trải nghiệm cá nhân, Nga Vũ cho rằng phụ nữ có xu hướng tiết kiệm tiền hơn sau khi có con. Cô muốn tiết kiệm tiền nhiều hơn để lo toan cho những biến cố có thể xảy ra, dự định tương lai của con cái hoặc mua nhà riêng. Do đó, Nga Vũ hình thành thói quen chỉ dùng tiền cho những thứ thực sự cần thiết hơn. “Nói thế không có nghĩa là tằn tiện quá mà vẫn chi tiêu hợp lý, đúng cách để có thể hưởng thụ cuộc sống, chỉ là không lãng phí quá như hồi còn độc thân”.
Lập gia đình sẽ có những áp lực tài chính nhất định
Quỳnh Thư (29 tuổi), chia sẻ rằng khi có gia đình nhỏ cho riêng mình thì áp lực kinh tế là điều không thể tránh khỏi. Khi người ta nhìn vào kinh tế của gia đình thì các việc liên quan đến tài chính là điều dễ xảy ra mâu thuẫn nhất.
“Nhưng thật may mắn với mình, áp lực đó được san sẻ cho cả hai vợ chồng. Mình luôn nghĩ “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Do đó, chỉ cần có người luôn đồng cảm, luôn san sẻ và luôn đồng hành sẽ là chìa khóa giúp gia đình phát triển và hạnh phúc hơn”.
Với Quỳnh Thư, sau khi lập gia đình cô có xu hướng quản lý chi tiêu chặt hơn. Chẳng hạn, lên kế hoạch tiết kiệm để mua nhà, mua xe và các tài sản chung; suy nghĩ về việc tiết kiệm và đầu tư cho tương lai. Ngoài ra còn quan tâm nhiều hơn đến gia đình 2 bên nữa. Do vợ chồng Quỳnh Thư chưa có con nên có thể chi tiêu thoải mái, nhưng sau này khi có con, chắc hẳn sẽ có xu hướng thắt chặt chi tiêu.
Còn đối với Nguyễn Thảo, cô có 2 năm hầu như không kiếm ra tiền, chỉ ở nhà chăm con. “Mặc dù chồng mình thì vẫn rất thoải mái thôi, nhưng lâu như thế cũng tự cảm thấy không được thoải mái nữa. Từ khi có con, các khoản chi gần như gấp đôi trước đây. Mình muốn lo cho con những thứ tốt nhất có thể, và cũng không muốn 1 mình chồng chịu gánh nặng kinh tế, vì thế nên làm được đến đâu mình cũng cố gắng sức mình để cùng chồng san sẻ. Đấy cũng là trách nhiệm của 1 người làm vợ, làm mẹ như bao người khác”.
Bài học quản lý chi tiêu gia đình khi làm vợ, làm mẹ
Đối với Quỳnh Thư, có một gia đình cũng tương tự như vận hành công ty, mặc dù quy mô nhỏ hơn nhiều. Sau khi kết hôn, cuối mỗi năm vợ chồng cô thường ngồi lại với nhau lên mục tiêu cho năm sau và kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu đó.
“Cả 2 bọn mình đều học tài chính nên việc hiểu và đưa ra kế hoạch cụ thể về mục tiêu tài chính cũng không quá khó khăn. Sau khi xác định được những điều đó, bọn mình sẽ tuân theo trình tự từng bước để làm. Nếu trong quá trình thực hiện có bất cứ thay đổi nào thì cùng suy nghĩ hướng giải quyết cũng như đưa ra các phương án dự phòng cho các rủi ro”.
Còn đối với gia đình Nguyễn Thảo, đặc thù làm kinh doanh nên cũng không thể giống như các nhà có thu nhập ổn định được. Do vậy, cô thường ghi chép lại để có thể quản lý được chi tiêu.
“Bình thường lúc tiêu các khoản nhỏ, mình sẽ không để ý quá nhiều. Đôi khi, mình tiêu cái gì đến cuối tuần cũng không thể nhớ được. Mình nhận ra bản thân không thể kiểm soát được chi tiêu, đặc biệt do không theo dõi nên cũng không thể rút được kinh nghiệm trong những lần mua sắm bốc đồng. Mặt khác, thu nhập vợ chồng mình ở mức độ vừa phải nên mình nhận ra phải ghi chép lại mới có thể phân bổ hợp lý”.
Bên cạnh đó, gia đình cô phân chia rõ ràng nhiệm vụ mỗi người trong câu chuyện tài chính. Chồng kiếm nhiều hơn sẽ lo những khoản lớn như nhà cửa, đầu tư, con cái. Còn Nguyễn Thảo sẽ lo cân đối chi tiêu sinh hoạt gia đình như mua sắm và tiết kiệm.
Mặt khác, với Nga Vũ, sau khi làm mẹ cô có xu hướng muốn tăng thu nhập nhiều hơn. “Mình có xu hướng muốn đầu tư và dành những gì tốt nhất cho con từ ăn uống, quần áo, giáo dục, nhà cửa… Áp lực cũng là nguồn động lực, mình muốn làm sao kiếm được nhiều tiền để cho con cuộc sống tốt nhất có thể”.