Nơi lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống K'Ho
Bên cánh đồng Gung Ré mênh mông, Làng truyền thống dân tộc K'Ho nổi bật bởi khu nhà sàn được bao quanh bởi hàng rào gỗ, cổng ra vào bằng gỗ gợi vẻ đẹp mộc mạc, bình dị như kiến trúc buôn làng của người K'Ho xưa.
Trong tiếng K'Ho, Srê nghĩa là ruộng. Người K'Ho Srê sinh sống từ lâu đời trên cao nguyên Di Linh, định canh định cư làm ruộng nước, chung sức khai khẩn làm nên cánh đồng Gung Ré, Bảo Thuận - được coi là vựa lúa của vùng đất này. Cùng sự phát triển, nhiều nét đẹp trong phong tục tập quán cũng nhạt nhòa theo thời gian, việc phục dựng làng truyền thống đã làm hồi sinh những giá trị bản sắc văn hóa của người K’Ho Srê. Năm 2022, công trình Làng truyền thống dân tộc K’Ho huyện Di Linh được dựng lên tại thôn Klong Trao, xã Gung Ré (trên Quốc lộ 28 đi Bình Thuận) trở thành nơi bảo tồn, lưu giữ những văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào K’Ho Srê. Đây cũng là nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng, các lễ hội truyền thống để lớp lớp thế hệ sau nhớ về cội nguồn, kế tục và tiếp nối những di sản văn hóa cha ông để lại.
Bước qua chiếc cổng gỗ có dòng chữ “Làng truyền thống dân tộc Cơ Ho” mở ra một không gian quần tụ với 5 ngôi nhà sàn quây quanh khoảng sân rộng, lối đi giữa những ô cỏ xanh mướt khang trang. Ngôi nhà sàn gỗ to lớn nhất nằm ở trung tâm kiên cố bởi những thân gỗ tròn nguyên khối vững chãi, vách gỗ được đánh bóng màu cánh gián, mái ngói hồng tươi. Hai bên là 4 căn nhà sàn tranh tre nứa lá với cột kèo bằng gỗ, vách nứa, sàn lồ ô, mái cọ… mô phỏng kiến trúc nhà dài truyền thống của đồng bào K’Ho. Tất cả được bao quanh bằng hàng rào gỗ, hướng ra cánh đồng lúa mênh mông 4 mùa thay sắc, tạo nên khung cảnh một buôn làng thu nhỏ. Phong cảnh khoáng đạt hòa quện cùng những giá trị văn hóa, gợi nhớ không gian cộng đồng của người K’Ho xưa.
Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình hơn 12 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương cấp hơn 7 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách huyện 5 tỷ đồng. Sau gần 2 năm thi công, công trình hoàn thành đã thành nơi hội tụ trưng bày hiện vật văn hóa, tổ chức các hoạt động văn hóa, tái hiện các lễ hội truyền thống, nơi vui chơi giải trí, nơi trải nghiệm thú vị dành cho du khách, phục vụ phát triển du lịch cộng đồng.
Bước lên cầu thang gỗ, đi vào ngôi nhà sàn lớn, nhiều hiện vật, kỷ vật được đặt để, được treo trang trọng, sắp đặt kín 4 vách tường như một bảo tàng thu nhỏ của người K’Ho. Đó là dụng cụ lao động, sản xuất, sinh hoạt đời sống bằng đủ loại chất liệu, gồm các loại nông cụ, vật dụng hàng ngày như: xà gạc, liềm, cung ná, gùi, cối giã gạo, rổ, rá, dần, sàng, bầu đựng nước, dụng cụ đánh bắt cá, nơm, đó, dụng cụ săn bắt, hái lượm...; các hiện vật trong hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng, nghi lễ truyền thống, các nhạc cụ dân tộc như: dàn chiêng 6, tù và, khèn bầu, cây nêu, chóe, chum; trang phục truyền thống, váy áo, khăn… Trong đó có nhiều sản phẩm nghề truyền thống của người K’Ho là những vật dụng đan lát từ mây tre đan thể hiện sự khéo léo, cần mẫn, tỉ mỉ trong lao động sáng tạo, chinh phục thiên nhiên của đồng bào.
Đặc biệt, 30 hình ảnh do người Pháp chụp đã mô tả đời sống, sinh hoạt, ăn mặc, nhà cửa, kiến trúc, phong tục tập quán của người K’Ho ở cao nguyên Di Linh từ cách đây hơn 100 năm. Những bức hình đen trắng đã mờ đi với thời gian, người trong ảnh đều đã thành người thiên cổ nhưng ẩn chứa sức gợi lớn. Ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết, ngay sau khi hoàn thành, vào tháng 6/2024, Làng truyền thống dân tộc K'Ho đã diễn ra Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Di Linh lần thứ 3. Công trình đã làm nức lòng người khi đồng bào K’Ho trong toàn huyện từ Đinh Trang Thượng, Tân Nghĩa, Liên Đầm, Đinh Lạc, Đinh Trang Hòa… tụ hội về đây. Sau đó, nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội đã được tổ chức tạo điểm đến ấn tượng.
Chúng tôi đến đây vào đúng ngày buôn làng tái hiện Lễ hội đâm trâu Mừng lúa mới (Nhô Lib Bông), khi những cơn mưa cuối mùa sót lại, lúa đã về kho, cánh đồng mênh mông còn trơ gốc rạ. Những vạt hoa ven đồi nở hồng báo hiệu mùa nắng ấm, xuân sang. Trong se lạnh của miền đồng rừng, sự hiếu khách, nồng ấm tình người của đồng bào hòa cùng không gian linh thiêng phấp phới cây nêu lớn, nhỏ được đẽo gọt, tỉa tót, chạm khắc công phu, gửi gắm nhiều ý niệm với đất trời. Góc sân, một chú trâu mộng được đeo “trang sức” có họa tiết, họa văn độc đáo, bị cột chặt nơi gốc cây nêu làm vật hiến sinh. Đã tránh đi sự “dã man” giết chóc, một chàng trai cường tráng cầm lao chỉ mô phỏng động tác của người xưa để thực hiện nghi lễ. Dù vậy, chỉ tiếng sau, đầu của chú trâu cũng sẽ được đặt để ở gốc cây nêu dâng lên Yàng và các vị thần.
Lời gọi Yàng, lời khẩn cầu tha thiết của già làng K’Keo hòa vào tiếng tù và (buôn Hàng Làng - xã Gung Ré) tu tu vang vọng. Đã qua biết bao nhiêu mùa gặt, bài khấn ấy như ngấm vào máu của ông qua lời của lớp lớp thế hệ đi trước truyền lại. Lời tri ân, cầu nguyện đất trời ấy đã cho thấy con người dù ở bất cứ đâu, vùng đất, quốc gia, dân tộc nào thì dường như những mong cầu đều giản dị như nhau: Cầu cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà no ấm, người người khỏe mạnh, cộng đồng hòa thuận, buôn làng bình yên!
Già làng dứt lời là tiếng cồng chiêng âm vang, là vũ điệu xoang nhịp nhàng không dứt, là hương thịt trâu nướng thơm ngọt và rượu cần chuếnh choáng men say, ngây ngất lòng người. Tự hào về truyền thống của đồng bào mình, Ka Hưng đã giới thiệu từng nét đẹp truyền thống, phong tục tập quán qua từng vật dụng trưng bày trong ngôi nhà sàn truyền thống. Rồi dẫn các vị khách phương xa qua căn bếp ấm áp của người K’Ho trong ngôi nhà dài với các loại hạt giống được treo lên vách để gieo cấy mùa sau, các loại thức ăn được gác bếp hun khói dự trữ cho những ngày trời mưa gió…
Cũng trong không gian đáng tự hào ấy, già K’Keo kể, từ xa xưa, nhiều gia đình K’Ho đã có đàn trâu trăm con thả trên cánh đồng, để mỗi một mùa xuân về, cánh đồng còn trơ gốc rạ, người K’Ho Srê lại cùng nhau ăn trâu mừng lúa mới. Người K’Ho quan niệm, ăn gà là ăn trong gia đình, ăn lợn là ăn trong dòng họ, còn ăn trâu là ăn cả cộng đồng. Mùa này ăn trâu của nhà này, mùa khác ăn trâu của nhà kia. Nhà nào nuôi nhiều trâu sẽ chọn một con to khỏe làm lễ cúng tạ ơn Yàng, mừng vụ mùa bội thu để cả làng cùng ăn, cùng vui chơi, chia sẻ thành quả lao động.
Mùa xuân, tìm về với Làng truyền thống dân tộc K’Ho, du khách như được đắm mình trong vùng đất thấm đẫm nhân văn, cùng đi giữa mùa hoa cà phê nở trắng núi đồi, ngắm hồ Ka La, leo núi Brăh Yàng, ngắm thác Bobla… Đêm về bập bùng ánh lửa bên ché rượu cần, cùng già làng, các chàng trai, cô gái ăn rau rừng, cá suối, thịt nướng, ngân nga câu ca yalyao, điệu tầm pớt, hòa mình vào vũ điệu xoang đến quên đường về.