Ngày xuân thăm miền đất cổ Hạ Mỗ

Mưa xuân lất phất, cái rét đài, rét lộc của tháng Giêng, tháng Hai nhưng vẫn có khá đông đoàn khách về xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng, Hà Nội) chiêm bái các di tích, tham quan, tìm hiểu cuộc sống vùng nông thôn.

Hạ Mỗ nằm ở nơi ngã ba sông nổi tiếng với thành cổ Ô Diên, kinh đô của Nhà nước Vạn Xuân thế kỷ thứ VI, là nơi sinh ra danh nhân Tô Hiến Thành và vô vàn những sản vật đặc sắc địa phương, thu hút du khách gần xa...

Một góc làng quê Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng). Ảnh: Khắc Hiển

Một góc làng quê Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng). Ảnh: Khắc Hiển

Đất địa linh sinh nhân kiệt

Một vòng quanh đất Hạ Mỗ không quá rộng nhưng có quá nhiều điểm dừng chân. Điểm nào cũng đặc sắc, hấp dẫn. Chị Đinh Thị Hiền - hướng dẫn viên điểm du lịch ở làng Hạ Mỗ (xã Hạ Mỗ) tự hào chia sẻ: Cách đây hơn 1.400 năm, Hạ Mỗ là kinh đô của Nhà nước Vạn Xuân (quốc hiệu của Việt Nam) dưới triều Hậu Lý Nam Đế. Đến nay, làng Hạ Mỗ vẫn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc lịch sử, văn hóa giá trị. Trong những di tích lịch sử hiện có ở làng Hạ Mỗ, đình Vạn Xuân, đền Văn Hiến và chùa Hải Giác là những di tích tiêu biểu, được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước.

Đình Vạn Xuân nằm ở trung tâm làng, được xây dựng theo hướng Tây, là tâm đối xứng của hai ngôi đền Hàng Văn (Văn Hiến đường) và đền Hàng Võ (Tri Chỉ đường) ở hai đầu Bắc - Nam của làng. Nếu những ngôi đình khác có quy hoạch theo kiểu chữ nhất, chữ nhị, chữ công, chữ môn… thì đình Vạn Xuân lại quy hoạch theo cấu trúc “nội công ngoại quốc” với các nóc nhà được liên kết chặt chẽ với nhau ở phía trên. Hệ thống cửa bức bàn kéo dài, bao quanh mặt trước và cùng tiền sảnh nhà đại đình ở phía dưới tạo thành một hệ thống liên hoàn tựa như một dinh thự, một hành cung của vua chúa thời xưa, nhìn rất cổ kính, sang trọng, trang nghiêm.

Qua đình Vạn Xuân là tới chùa Hải Giác. Chùa được xây dựng từ thế kỷ thứ VI, trên khu đất bằng phẳng với các kiến trúc bộ phận bố trí chiều sâu theo trục chính là Đông - Tây. Phía trước là tam quan, sau đến sân gạch rộng, hai bên sân là hai dãy nhà Tổ, nhà Mẫu nằm song song; cuối cùng là tòa Đại đường. Trải qua nhiều lần tu bổ, chùa vẫn giữ được nét cổ kính, uy nghiêm. Trong chùa hiện còn lưu giữ hơn 200 pho tượng lớn nhỏ, trong đó có 50 pho tượng tròn là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao.

Hành trình vãng cảnh vùng đất đế đô sẽ không thể bỏ qua đền Văn Hiến tọa lạc trên khu đất cao đầu làng. Chị Đinh Thị Hiền cho biết: Khởi đầu, đền Văn Hiến là văn chỉ thờ Khổng Tử để biểu dương các vị khoa bảng trong làng. Nhưng sau khi danh nhân Tô Hiến Thành - người con quê hương Hạ Mỗ, qua đời, nhân dân đã chôn cất, xây mộ và thờ ông tại đây. Qua nhiều lần sửa chữa, tôn tạo, đền Văn Hiến hiện nay được mở rộng rất nhiều, nhưng cơ bản vẫn giữ được những kiến trúc cổ và các giá trị truyền thống, như: Bộ bia Khoa Tràng ghi tên các vị đỗ đạt trong các khoa thi, các bản khắc gỗ in bộ thơ văn “Cổ Kim Truyền lục” do các nhà nho trong làng sáng tác và xuất bản hồi đầu thế kỷ XX. Bên cạnh đó là các đồ cúng tế, trang trí khác, như: Thần phả, câu đối, hoành phi, long ngai, hương án, đồ tế khí, bia đá, đồ sứ, đồ đồng, tượng gỗ… Tất cả những hiện vật này được xem là những tư liệu văn hóa vô cùng quý giá của Hạ Mỗ.

Tượng Thái úy Tô Hiến Thành tại đền Văn Hiến (xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng). Ảnh: Tô Dương

Tượng Thái úy Tô Hiến Thành tại đền Văn Hiến (xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng). Ảnh: Tô Dương

Đất địa linh sinh nhân kiệt. Mảnh đất Hạ Mỗ là nơi sinh ra nhiều bậc hào kiệt, danh tiếng. Nổi bật nhất là Thái phó, Thái úy Tô Hiến Thành (1102 - 1179) - danh nhân văn hóa kiệt xuất nhất của nước Đại Việt thế kỷ XII. Ông không chỉ là niềm tự hào của người dân làng Hạ Mỗ mà còn của cả đất nước. Ông đã tổ chức quân đội, bảo vệ vững chắc biên cương đất nước, mở mang văn hiến, tiến cử hiền tài cho triều đình; đại thần phụ chính, phụng sự hai triều Vua Lý Anh Tông, Vua Lý Cao Tông; tham mưu cho các vị vua triều Lý quyết định xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một di tích quốc gia đặc biệt có dấu ấn quan trọng trong đời sống văn hóa Việt Nam xưa và nay.

Tự hào truyền thống

Không chỉ có những di tích, vùng đất Hạ Mỗ với bề dày lịch sử đến nay vẫn lưu truyền nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo trong lời ăn, tiếng nói và ẩm thực.

Nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Tọa đã gần trọn đời nghiên cứu về lịch sử làng kể về món cháo se trứ danh ở làng mình: Tương truyền, trong những lần đánh trận, khi chiến thắng trở về, Hoàng tử Lý Bát Lang mở tiệc khao quân. Quân lương tổ chức mổ lợn khao quân sĩ, phần thịt lợn được dành cho tướng lĩnh, phần xương được ninh thành nước canh cho quân lính dùng cùng cơm.

Một lần, hoàng tử Lý Bát Lang đi thăm các quân lính, thấy họ ăn ở kham khổ, ngài liền lệnh cho thủ túc của mình chế biến món khác từ xương lợn và các thực phẩm có sẵn để khao quân. Theo hiến kế của quân lương thì dùng gạo tẻ nghiền thành bột mịn, rồi nhào bột với nước ấm để tạo ra nắm bột vừa độ dẻo. Sau đó, dùng hai bàn tay se (xoe) bột thành sợi nhỏ vào nồi nước ninh xương đang sôi, tạo thành những sợi bột dài như những con chạch quấn quyện, xen vào những miếng xương lợn được chặt miếng nhỏ. Một phần bột còn lại hòa vào nước lã (gọi là bột áo), rồi đổ vào nồi cháo đang sôi tạo thành độ sánh trông rất ngon mắt.

Cháo se được ăn bằng đũa nên rất thuận tiện cho việc ăn uống, kể cả lúc ăn cơm trên thuyền và dùng cháo lúc khao quân. Món cháo ra đời và duy trì từ đó tới nay ở làng Hạ Mỗ. Ngày nay, cháo se là đặc sản của Hạ Mỗ. Người dân nấu cháo ăn hằng ngày hoặc trong các dịp lễ, Tết và nấu cháo phục vụ du khách đến làng tham quan.

Chị Lê Thị Hạnh, người làng Hạ Mỗ cho biết: “Để nấu cháo se, bên cạnh phần xương ninh không thể thiếu, chúng tôi chọn gạo ngon, sau đó ngâm gạo, nghiền bột. Bột được lọc cho mịn, khô, rồi nhào cho dẻo và đem vào se. Khi se thì nắm chặt hai tay và se đều, thỉnh thoảng cho nước sủi lên để con se không bị cháy”.

Cháo se được nấu ở các ngày lễ, ngày hội hay khi bạn bè đông vui cũng bày ra ăn. Ngoài cháo se, đến Hạ Mỗ, du khách còn được thưởng thức rượu nếp, đậu phụ, bánh gio..., những món ăn dân dã mà đặc sắc.

Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ Đinh Thị Ngân cho biết: Cũng như nhiều làng Việt cổ, từ bao đời nay, người dân Hạ Mỗ đã xây dựng cho mình một đời sống tinh thần phong phú, được thể hiện qua dịp lễ, Tết, hội hè và nhiều phong tục mang bản sắc đậm đà hình ảnh vị Thành Hoàng làng, cùng sự tồn tại, phát triển của mảnh đất Ô Diên ngàn năm văn hiến. Đặc biệt, dịp hội làng đầu xuân ở Hạ Mỗ rất vui với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ và các cuộc thi nấu cơm, nấu cháo se, nấu bánh đúc, giã bánh giầy giữa các cụm dân cư. Người dân tham gia các trò chơi dân gian không chỉ thể hiện sự khéo léo và sức mạnh, trí thông minh, các hoạt động này còn góp phần tạo nên nét văn hóa đặc sắc của địa phương.

Những ngày này, tại đền Văn Hiến, làng Hạ Mỗ tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tưởng nhớ danh nhân Tô Hiến Thành nhân ngày sinh của ông (22 tháng Giêng). Mỗi ngày, người dân Hạ Mỗ đón hàng trăm lượt khách là con cháu dòng họ Tô trong cả nước trở về sum họp. “Đón khách tham quan, dân làng chuẩn bị những mâm cỗ quê, trong đó có những món ăn đặc trưng như: Cháo se, đậu phụ, bánh đúc, bánh gio… đãi khách”, Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ Đinh Thị Ngân cho biết

Đền Văn Hiến cùng chùa Hải Giác và đình Vạn Xuân được công nhận là điểm đến du lịch cấp thành phố vào tháng 10-2020. Hiện nay, địa phương đang xây dựng hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Theo Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải, với những căn cứ lịch sử về thành Ô Diên và vùng đất Ô Diên cổ; cùng thân thế và sự nghiệp của danh nhân Tô Hiến Thành và định hướng quy hoạch của thành phố, huyện Đan Phượng đang nghiên cứu, đề xuất thành phố xây dựng vùng đất Hạ Mỗ thành Công viên di sản và hoàn thiện hồ sơ đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) tôn vinh danh nhân Tô Hiến Thành, nhân dịp kỷ niệm 850 năm ngày mất của ông (1179 - 2029).

Một ngày ở Hạ Mỗ - mảnh đất thành cổ Ô Diên, trôi qua thật nhanh nhưng đã để lại những kỷ niệm đáng nhớ cho mỗi người khi về đây tham quan các di sản và thưởng thức ẩm thực địa phương đặc sắc.

Minh Phú

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ngay-xuan-tham-mien-dat-co-ha-mo-693871.html