Ngày xuân trở lại Pò Hèn
Năm nào cũng vậy, sau Tết Nguyên đán là xã Hải Sơn, TP Móng Cái (Quảng Ninh) lại đón hàng đoàn xe chở cựu chiến binh, học sinh... về dâng hương tại Tượng đài Anh hùng liệt sỹ Pò Hèn.
Tiếp nối truyền thống cha anh
Hơn 46 năm trước, ngày 17/2/1979 tại Pò Hèn đã diễn ra trận chiến đấu ác liệt. 73 người con đất Việt đã mãi mãi nằm lại nơi đây để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biên giới quốc gia.

Nhiều đoàn cán bộ, học sinh thường xuyên đến dâng hương Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Pò Hèn.
Họ là 45 cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng 209 (nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn), một nữ cán bộ ngành thương nghiệp Hải Ninh - chị Hoàng Thị Hồng Chiêm và 27 cán bộ, thanh niên xung phong thuộc Nông lâm trường Hải Sơn.
Giai đoạn 1979 -1990, thêm 13 cán bộ, chiến sĩ biên phòng Pò Hèn ngã xuống khi làm nhiệm vụ tuần tra biên giới. Tất cả 86 anh hùng liệt sĩ được đưa về ghi danh tưởng nhớ tại Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn.
Ngày nay, trên nền doanh trại cũ của Đồn Biên phòng Pò Hèn năm xưa, một đài tưởng niệm đã được xây dựng nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử Pò Hèn để tưởng niệm quân và dân nơi đây đã ngã xuống.
Khu tưởng niệm được xây dựng từ năm 2018, rộng 86.000m2, bao gồm các hạng mục: Đài tưởng niệm, đỉnh hương, 2 nhà bia, 2 bia đá, nhà lưu niệm, sân vườn, giao thông, cây xanh. Trong đó hạng mục Đài tưởng niệm cao 16m, ốp đá, quay mặt về phía Bắc, thiết kế theo kiến trúc hình tượng 3 bàn tay chụm vào nhau ôm ngôi sao màu vàng, tượng trưng cho 3 dân tộc Kinh, Tày, Sán Chỉ cùng nhau bảo vệ vùng biên của Tổ quốc.

Đến dâng hương, tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ, nhiều đoàn công tác còn tặng quà cho những học sinh ở xã Hải Sơn, TP Móng Cái có thành tích học tập tốt.
Chiều muộn một ngày trung tuần tháng 2, tới thắp hương ở Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Pò Hèn, trung tá Nguyễn Quốc Nam, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pò Hèn xúc động chia sẻ: Với bề dày chiến công, thành tích, Đồn đã 2 lần được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Tiếp nối truyền thống cha, anh đi trước, các thế cán bộ, chiến sỹ của đơn vị luôn cùng với chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Hải Sơn đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, xây dựng nơi đây thành những điểm dân cư trù phú, cùng nhau bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia để xứng đáng với sự hy sinh của tiền nhân.
"Đặc biệt, thời gian qua, đơn vị đã tham mưu thực hiện tốt chương trình kết nghĩa bản - bản giữa cư dân 2 bên biên giới, từ đó cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển", Trung tá Nam cho hay.
Chuyện người nằm xuống trong ký ức người cựu binh
Ngồi trong căn nhà khang trang của gia đình tại thôn Khe Sú, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, cựu chiến binh Trương Văn Đôn, 73 tuổi, xúc động kể: Trước khi cuộc chiến diễn ra, ông Đôn cùng đồng đội được điều về trạm biên phòng Bắc Phong Sinh thuộc Đồn Công an Nhân dân vũ trang 209 (nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn), nằm cách trụ sở đồn chừng gần chục cây số.

Cựu chiến binh Trương Văn Đôn, 73 tuổi, xúc động kể về ký ức thời gắn bó với Pò Hèn.
Rạng sáng 17/2, khi ông Đôn và đồng đội đang thực hiện nhiệm vụ tại trạm thì bỗng nghe tiếng pháo kích tại vị trí đơn vị đóng quân. Cùng lúc đó, từ phía trụ sở đồn vọng lại những tiếng nổ lớn.
Ông Đôn và đồng đội nhanh chóng cơ động vào vị trí chiến đấu, nhưng không thấy có địch tiến vào, nên cả tổ công tác đã di chuyển về phía sau.
Đưa tay quệt dòng nước mắt chảy dài trên đôi gò má nhăn nheo, ông Đôn nghẹn giọng kể thêm: "Mấy anh em chúng tôi nhịn đói, nhịn khát luồn rừng tìm về đơn vị. Khi đến mỏm đồi cao phía sau đồn nhìn về thì thấy đơn vị bị đạn băm nát.
Lúc này, tại khu vực đồn, quân địch đang xếp hàng chuẩn bị rút về bên kia. Do vậy, chúng tôi đành phải ém trong rừng chờ lực lượng phía sau lên tiếp viện".
Khi nghe kể về sự phát triển, trù phú của thung lũng Pò Hèn ngày nay, ông Đôn cho biết: Gần chục năm trước, khi còn khỏe, ông vẫn thường xuyên lên thắp hương đồng đội. Nhưng vài năm nay, ông bị tai biến, đi lại khó khăn nên chưa có dịp trở lại.
"Xem ti vi, báo đài, thấy cuộc sống của Đồn Biên phòng Pò Hèn và người dân nơi càng ổn định, phát triển, di tích lịch sử Pò Hèn được đầu tư khang trang, thường xuyên có người đến dâng hương, chúng tôi rất xúc động.
Đồng đội của chúng tôi chắc chắn sẽ ngậm cười nơi chín suối vì sự hy sinh của mình luôn được Tổ quốc, nhân dân ghi nhớ", ông Đôn xúc động chia sẻ.
Kết nối giao thông, dựng xây Pò Hèn
Ngồi trong căn phòng làm việc tại trụ sở khang trang, anh Ninh Văn Sáng, Chủ tịch UBND xã Hải Sơn cho biết, là một trong những xã miền núi xa xôi nhất của TP Móng Cái, xã có tới trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số.

Quốc lộ 18C qua trung tâm xã Hải Sơn được đưa vào sử dụng đầu tháng 9/2023 đã mở ra một trang mới để nơi đây tiến bước cùng miền xuôi.
Do đặc thù địa bàn và tập tục canh tác của đồng bào còn hạn chế, nhất là hạ tầng giao thông có thời điểm rất cách trở, đời sống của người dân chủ yếu vẫn dựa vào tự cung, tự cấp nên thu nhập rất thấp, số hộ nghèo chiếm đa số…
Và rồi, tất cả những khó khăn, trở ngại ấy của Hải Sơn đã được tháo gỡ khi các công trình, dự án giao thông kết nối liên tiếp được đầu tư.
Sức bật lớn nhất cho vùng đất lịch sử nơi biên viễn này thực sự được mở ra khi quốc lộ 18C từ trung tâm TP Móng Cái qua địa bàn được đầu tư, nâng cấp và đưa vào sử dụng từ đầu tháng 9/2023.
Vị chủ tịch xã cho hay, giai đoạn 1 của dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 được triển khai kéo dài từ cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà) nối với quốc lộ 18B có chiều dài tuyến 6,6km, tổng mức đầu tư hơn 77 tỷ đồng và đưa vào khai thác từ năm 2020. Tuy nhiên, đoạn tuyến từ trung tâm xã đến TP Móng Cái vẫn nhỏ hẹp, nhiều dốc gắt, vực sâu lại xuống cấp.
Do vậy, giai đoạn 2 dự án nối từ Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh qua trung tâm xã Hải Sơn đã được triển khai từ tháng 7/2021 với tổng chiều dài tuyến 13,83km. Đây là công trình giao thông cấp III, vận tốc thiết kế 60km/h, nền đường rộng 9m, mặt đường 6m, tổng vốn đầu tư 297 tỷ đồng.
Dự án góp phần từng bước nâng cấp, hoàn thiện tuyến đường vành đai biên giới kết nối hạ tầng giao thông giữa quốc lộ 18A, quốc lộ 18B và quốc lộ 18C để hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, giúp địa phương phát triển quỹ đất, phát triển sản xuất, giúp các xã trong khu vực hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch được duyệt.

Nhờ giao thông kết nối đồng bộ, việc giao thương đi lại thuận lợi đã giúp Hải Sơn phát triển từng ngày.
Tuyến đường cũng là động lực để thúc đẩy giao lưu hàng hóa, thu hút các dự án đầu tư, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc, góp phần phát triển nhanh Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh, qua đó tăng cường giao lưu kinh tế, hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc.
"Song song với việc đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18C của cấp trên, xã cũng khẩn trương huy động các nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn, kết nối nội vùng, liên vùng.
Nhờ đó, đến nay, mạng lưới giao thông trên địa bàn đã được đầu tư hoàn thiện, tạo thuận lợi cho giao thương, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.
Đến nay, xã không còn hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn của tỉnh, số hộ khá giả trở lên chiếm đa số trong xã", ông Sáng chia sẻ thêm.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ngay-xuan-tro-lai-po-hen-192250213155318244.htm