Nghệ An: Chuẩn hóa các sản phẩm OCOP

Hơn một năm qua, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được thực hiện ở hầu hết các địa phương ở Nghệ An, các sản phẩm địa phương đã khá phong phú, đa dạng, trong đó nhiều mặt hàng có chất luợng cao được gắn 3 và 4 sao.

Theo kết quả năm 2019, Nghệ An đã có 48 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (trong đó có 15 sản phẩm đạt 4 sao), mục tiêu đến hết năm 2020 tỉnh sẽ có 90 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng đạt 3 sao trở lên. Đến nay, Nghệ An là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng các sản phẩm đạt sao OCOP.

 Sản phẩm được gắn 3 sao OCOP, HTX Sen Quê Bác (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn) rất quan tâm đến việc xây dựng nhãn hiệu, nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm

Sản phẩm được gắn 3 sao OCOP, HTX Sen Quê Bác (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn) rất quan tâm đến việc xây dựng nhãn hiệu, nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm

Trên thực tế, hầu hết mặt hàng OCOP được phát triển từ sản phẩm sẵn có, là thế mạnh của các địa phương. Tuy nhiên, để xây dựng được một sản phẩm OCOP theo chuẩn 4, 5 sao lại là điều không đơn giản và giải bài toán đầu ra ổn định luôn là vấn đề trăn trở.

Tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP ở Sở Công Thương Nghệ An, gặp chị Thanh Hà (P. Lê Mao - TP. Vinh), chị cho biết: Tuần nào cũng một vài lần chị tới để mua các sản phẩm đặc sản tại đây, chị Hà đã chọn mua khá nhiều, nào là gà đồi Thanh Chương, mực Quỳnh Lưu, giò me Nam Nghĩa, miến giong, trà hoa vàng, tinh bột nghệ… Tất cả những mặt hàng này đều nằm trong Chương trình OCOP Nghệ An, được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, có dán tem truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, có chỉ dẫn địa lý gắn với tên của từng địa phương trong tỉnh khá ấn tượng. Đáng lưu ý, chất lượng các sản phẩm rất đồng đều, thơm ngon, được gia đình chị Hà đánh giá rất cao.

Theo ông Võ Văn Đồng - Chủ nhiệm HTX Minh Sáng, xã Hùng Sơn (Anh Sơn - Nghệ An), vùng này có nhiều lợi thế về trồng chè, và gia đình ông có trên 4ha chè công nghiệp. Hiện nay, mỗi năm gia đình ông Đồng thu hoạch trên 120 tấn chè búp tươi. Vùng nguyên liệu chè Hùng Sơn có khí hậu trong lành, được chăm sóc theo quy trình VietGAP rất thích hợp để xây dựng nên thương hiệu chè sạch. Phía JICA Nhật Bản cũng đã về tìm hiểu có hướng đầu tư.

Sau khi thương hiệu chè sạch được thị trường chấp nhận, ông Đồng với cách đi riêng, sản phẩm trà xanh Minh Sáng là niềm tự hào của vùng chè Hùng Sơn và của huyện Anh Sơn, tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động. Năm 2020, UBND tỉnh Nghệ An công nhận cho sản phẩm trà xanh Minh Sáng đạt hạng 3 sao khi tham gia Chương trình OCOP năm 2019. Hiện công ty đang hoàn thiện sản phẩm từ bao bì, mẫu mã, chất lượng theo đúng chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao để nâng giá trị gia tăng, cạnh tranh tốt trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.

Chọn mua đặc sản tỉnh Nghệ An tại cửa hàng OCOP

Chọn mua đặc sản tỉnh Nghệ An tại cửa hàng OCOP

Liên quan đến vấn đề đưa sản phẩm OCOP và đặc sản vào kênh phân phối hiện đại, ông Trần An Khang - Giám đốc siêu thị BigC Vinh (Nghệ An) - cho biết, các đơn vị sản xuất cần đảm bảo các yếu tố về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn, đảm bảo sản lượng, khâu vận chuyển và cung ứng sản phẩm. Thế nhưng sản phẩm của Nghệ An chỉ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn so với các sản phẩm của các địa phương khác. Các sản phẩm OCOP, trong đó có nhóm nông sản, thực phẩm khó vào siêu thị do đơn vị cung ứng thiếu hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm…

Ông Nguyễn Xuân Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn công nghiệp (Nghệ An) - cho rằng, hàng hóa của doanh nghiệp (DN) địa phương đã có sự đầu tư mẫu mã, thiết kế bao bì nhưng khâu quảng bá, tiếp thị để giúp nhà bán lẻ và người tiêu dùng nhận biết trên thị trường lại chưa được đầu tư đúng mức. Do vậy, DN cần nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trên cơ sở khảo sát thị trường, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.

Thời gian tới, để phát triển sản phẩm OCOP theo hướng bền vững, ông Lê Văn Lương cho rằng: Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng để góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng chạy theo phong trào, trước mắt cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn, hướng dẫn để cán bộ và nhân dân, đặc biệt là các chủ thể tham gia Chương trình OCOP hiểu được quan điểm, mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ của chương trình, nhất là: Phát huy nội lực của các địa phương gắn với đơn vị hành chính làng, xã, huyện, thị để phát huy sức sáng tạo và nội lực tiềm năng của các địa phương, tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng có giá trị gia tăng cao.

Về mục tiêu của Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Nghệ An tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và thị trường tiêu thụ hướng đến xuất khẩu các sản phẩm đã đạt sao OCOP; có ít nhất 150 sản phẩm OCOP ở thời điểm năm 2025; phát triển từ 2 - 3 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP; phát triển ít nhất 5 sản phẩm đạt hạng 5 sao (có thể xuất khẩu).

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghe-an-chuan-hoa-cac-san-pham-ocop-145015.html