Nghệ An có 45 ca mắc bệnh sởi, nguy cơ bùng phát trên diện rộng
Từ đầu năm đến nay, Nghệ An ghi nhận 45 ca mắc bệnh sởi. Bộ Y tế yêu cầu giám sát phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch ở địa phương này.
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An (CDC Nghệ An), tính từ đầu năm đến hết ngày 22/6, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 45 ca mắc sởi rải rác tại 11 huyện, thành thị. Trong đó, Tp.Vinh (18 trường hợp), huyện Nghi Lộc (5 trường hợp), huyện Nam Đàn (4 trường hợp), huyện Đô Lương (2 trường hợp), huyện Hưng Nguyên (7 trường hợp), huyện Quỳnh Lưu (1 trường hợp), huyện Quỳ Hợp (2 trường hợp), huyện Yên Thành (2 trường hợp), huyện Tân Kỳ (1 trường hợp), huyện Thanh Chương (1 trường hợp) và huyện Diễn Châu (2 trường hợp).Cụ thể, ca mắc đầu tiên có triệu chứng khởi phát vào cuối tháng 3/2024, sau đó tiếp tục ghi nhận thêm 16 ca mắc mới vào tháng 4, đến tháng 5 là 14 ca và trong tháng 6 là 15 ca. Sau khi phát hiện các ca bệnh, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An và các trung tâm y tế đã thực hiện điều tra dịch tễ.Kết quả cho thấy: Do nhiều nguyên nhân, đa số các ca mắc sởi là chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng sởi. Trong đó, 16 trường hợp chưa đủ tuổi tiêm, 15 trường hợp đủ tuổi tiêm mũi 1 chỉ có 4 trường hợp đã tiêm (26,7%); 12 trường hợp đủ tuổi tiêm mũi 2 chỉ có 1 trường hợp đã tiêm mũi 2 (0,83%); 2 trường hợp là người lớn.
Theo TS BS Chu Trọng Trang – Giám đốc CDC Nghệ An, trong số các bệnh nhi mắc sởi có 16 ca (chiếm 35,6%) là trẻ chưa đến độ tuổi tiêm phòng sởi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch sởi hiện nay. Các ca bệnh xuất hiện rải rác trong cộng đồng, tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh và tình trạng tự điều trị khi bệnh mới có các dấu hiệu nhẹ dẫn đến khó kiểm soát, phát hiện sớm. Một số ca mắc xâm nhập từ địa bàn khác về tỉnh cao, làm tăng nguồn lây bệnh trong cộng đồng. Chính vì thế, việc lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám chữa bệnh, nơi có bệnh nhân mắc sởi đang điều trị là nguy cơ tiềm ẩn, hình thành các ổ dịch và có thể lây nhiễm ra cộng đồng rất cao.Ngành chức năng khuyến cáo, để chủ động phòng chống bệnh sởi cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm khác như ho gà, thủy đậu… tiêm chủng là một trong những giải pháp hiệu quả nhất. Đồng thời người dân không chủ quan lơ là trong phòng, chống dịch sởi cũng như các dịch khác, trong đó chú trọng tuyên truyền tiêm vaccine, đây là biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.Thời gian qua, ngành Y tế Nghệ An đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của vaccine và lợi ích của tiêm chủng. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng gần đây thấp hơn những năm trước. Nguyên nhân được xác định là do sự tác động của đại dịch COVID-19 và tình trạng thiếu hụt cục bộ một số loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc. Điều này dẫn tới có thể làm giảm tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ các bệnh truyền nhiễm có thể xuất hiện và bùng phát thành dịch.Tại buổi làm việc với sở Y tế Nghệ An và các đơn vị liên quan vào chiều 24/6, TS. Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, phòng chống dịch ở Nghệ An đang cấp bách, số ca bệnh không dừng lại. Hệ thống y tế dự phòng tuyến tỉnh, các xã phường và các cơ sở khám bệnh điều trị giám sát phát hiện các ca bệnh và điều trị sớm, cần khoanh vùng, khu vực có bệnh nhân bị nhiễm. Phải thành lập Ban chỉ đạo tại các bệnh viện, các thành viên trong ban chỉ đạo bao gồm cả Ban Giám đốc, các thành viên tham gia là các chuyên gia truyền nhiễm, bác sĩ chuyên khoa, linh hoạt trong quy trình làm việc. Phải lên kế hoạch cụ thể để nhanh chóng dập dịch tại Nghệ An.Được biết, ngày 26/6, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tổ chức đoàn công tác do Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương làm trưởng đoàn về làm việc với Sở Y tế Nghệ An và chỉ đạo công tác phòng chống dịch sởi.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… có thể gây tử vong.