Nghệ An gồng mình trong lũ dữ, sớm ổn định cuộc sống người dân

Do ảnh hưởng bão số 3 và hoàn lưu sau bão, mưa lớn cộng với việc các hồ thủy điện ở phía thượng nguồn xả lũ khiến trên địa bàn nhiều xã miền tây của tỉnh Nghệ An xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân nơi đây đang nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống người dân.

Nước lũ bao vây, chia cắt xã Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

Nước lũ bao vây, chia cắt xã Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

Đợt mưa lũ ở miền tây Nghệ An bắt đầu bằng trận lũ quét xảy ra vào buổi trưa 22/7 ở xã biên giới Nhôn Mai. Lũ cuốn trôi hai ngôi nhà ở bản Nhôn Mai và một nhà tại bản Huồi Xá. Trụ sở chính quyền xã Nhôn Mai ngập sâu gần 1m. Chỉ bốn giờ sau trận lũ, nhiều nhà cửa, ruộng nương, đường sá, cây cầu sắt bắc qua khe Hỷ cũng bị nước lũ cuốn trôi.

Trắng đêm chạy lũ

Đêm 22/7, dường như là một đêm không ngủ với cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các xã: Mường Xén, Tương Dương, Nhôn Mai, Yên Hòa, Con Cuông… tỉnh Nghệ An. Khoảng 23 giờ, nước sông Nậm Mô bắt đầu dâng cao khiến nhiều khu vực tại xã Mường Xén, nhất là khu vực Khối 1, 4, 5 và dọc Quốc lộ 7 bắt đầu bị ngập.

Trong vòng vài chục phút sau, hàng chục nhà dân ở Khối 1 nước ngập đến mái nhà. Nước lên quá nhanh khiến người dân không kịp trở tay, hô hoán nhau tháo chạy, không kịp di dời tài sản. Nước sông không ngừng dâng cao và đến hơn 23 giờ 40 phút, khu vực trước cổng vào Ủy ban nhân dân xã Mường Xén ngập đến đầu người lớn, cán bộ xã không thể vào được trụ sở. Toàn bộ khu vực trung tâm xã mất điện, hàng trăm nhà dân chìm trong nước lũ.

Tại xã Tương Dương, Ủy ban nhân dân xã phải họp khẩn giữa đêm để triển khai công tác hỗ trợ người dân di tản khỏi những khu vực nguy hiểm. Ngay trong đêm, hàng trăm hộ dân tại khối Hòa Bắc và khối Hòa Đông được sơ tán khẩn cấp.

Trong đêm, cầu treo Cửa Rào bắc qua sông Nậm Mô nối Quốc lộ 7 với các bản vùng sâu, cầu bản Chắn và cầu bản Lau bị nước lũ cuốn trôi. Rạng sáng 23/7, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng di dời khẩn cấp 2.210 hộ dân bị ngập hơn 2m.

 Lực lượng vũ trang hỗ trợ nhân dân sơ tán, di chuyển tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm.

Lực lượng vũ trang hỗ trợ nhân dân sơ tán, di chuyển tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm.

Trên địa bàn xã Yên Hòa, nước ở khe tràn trên tuyến đường duy nhất để đi vào bản Tạt và bản Xốp Cốc (xã Yên Thắng cũ) bị ngập nặng khiến hơn 200 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu ở hai bản Tạt và bản Xốp Cốc bị cô lập hoàn toàn.

Đến trưa 23/7, Ủy ban nhân dân xã cử lực lượng chốt chặn, túc trực thường xuyên tại các điểm xung yếu, cấm người dân và phương tiện lưu thông trên tuyến đường qua bản Tạt và Xốp Cốc để bảo đảm an toàn…

Nhận định tình hình mưa lũ còn phức tạp, tuy nhiên khi gà chưa cất tiếng gáy sáng, chúng tôi mang theo ba-lô đựng máy tính, máy ảnh và cả mấy bánh lương khô rồi bắt đầu lên đường. Đường từ trung tâm tỉnh Nghệ An (thành phố Vinh cũ) lên các xã miền núi vốn đã quanh co, hiểm trở nay lại càng khó khăn hơn với hàng chục điểm sạt lở vách núi, cây cối đổ ngổn ngang, chắn cả lối đi.

Gương mặt mệt mỏi vì cả đêm chạy lũ, bà Trần Thị Cúc (thôn Vĩnh Hoàn, xã Con Cuông) cho biết: “Từ khi sinh ra đến nay, tôi chưa bao giờ chứng kiến trận lũ nào nước lên nhanh và cao như thế. Rạng sáng 23/7, nước dâng cao đã cuốn trôi nhiều đồ đạc, tài sản của gia đình”.

Cạnh nhà bà Cúc, ông Nguyễn Văn Lộc (61 tuổi) vẫn ngồi bần thần trước ngôi nhà bị ngập gần đến mái. “Đêm qua cả thôn thức trắng. Đây là trận lũ lịch sử, mức độ hơn cả trận lụt năm 1988. Nước dâng nhanh không kịp trở tay, lực bất tòng tâm”, ông Lộc chia sẻ. Đang tạm lánh ở Trung tâm chính trị huyện Kỳ Sơn cũ, ông Kha Hải Thành ở Khối 1, xã Mường Xén, năm nay gần 80 tuổi, vừa đến ngủ nhờ tại Trung tâm chính trị vẫn chưa hết bàng hoàng bộc bạch: “Tôi chưa bao giờ gặp trận lũ nào ghê gớm như đợt này”.

Trước đó, chính quyền địa phương cùng cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhôn Mai (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An), công an xã Nhôn Mai đã khẩn trương di dời 19 hộ dân, với 65 nhân khẩu thuộc bản Xói Voi đến lán tạm và nhà văn hóa cộng đồng của bản.

Đến sáng 22/7, chính quyền xã Tam Thái cũng nhanh chóng di dời hàng chục hộ dân bản Xốp Nặm đến nơi ở tạm tại trường cấp hai trên địa bàn, thuộc xã Tam Hợp (cũ).

Chiều cùng ngày, mực nước tại sông Hiếu lên rất nhanh, khiến ba điểm trên Quốc lộ 48 ngập sâu, chiều dài khoảng 10km, khoảng hơn 105 nhà trên địa bàn xã Quỳ Châu bị ngập. Trong đêm, chính quyền địa phương thực hiện sơ tán khẩn cấp 493 người…

Thiệt hại nặng nề

Trưa 23/7, nước lũ ở một số xã bắt đầu rút dần, tuy nhiên các xã vùng hạ lưu vẫn ngập nặng. Thống kê sơ bộ của Ủy ban nhân dân xã Mỹ Lý, có khoảng 150 ngôi nhà bị lũ nhấn chìm, cuốn trôi; hơn 200 nhà bị ngập sâu, trong đó, các bản: Yên Hòa, Xiềng Tắm và Xốp Tụ bị thiệt hại nặng nề nhất. Tổng thiệt hại trên địa bàn xã ước tính gần 30 tỷ đồng, đặc biệt nhiều nhà dân ở bản Xốp Tụ đang có nguy cơ đổ sập xuống sông.

Ở xã Mường Xén, ngay sau khi nước lũ rút, chính quyền địa phương và người dân nhanh chóng bắt tay vào việc khắc phục hậu quả. Lực lượng Công an, Biên phòng, Quân sự và các đoàn thể cùng bà con tập trung khơi thông cống rãnh, dọn dẹp cây đổ, nạo vét bùn đất, nhà cửa, trường học, trạm y tế… ưu tiên hỗ trợ những hộ dân bị ảnh hưởng nặng, bảo đảm giao thông thông suốt và đời sống sinh hoạt ổn định trở lại. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mường Xén Lô Đình Thụ cho biết, may mắn không có thiệt hại về người, nhưng ước tính hơn 300 ngôi nhà bị hư hỏng nặng.

Tại xã Con Cuông, đến 15 giờ 30 phút ngày 23/7, nước lũ có dấu hiệu dâng cao trở lại khi các hồ chứa trên phía thượng nguồn điều tiết mức xả. Bí thư Đảng ủy xã Con Cuông Nguyễn Hoài An cho hay, xã đang có 36 thôn, bản bị ngập nặng; trong đó 19 thôn, bản bị ngập nghiêm trọng. Xã đã sơ tán hơn 2.000 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An cập nhật tính đến chiều 23/7, có 450 ngôi nhà và hai trường học bị thiệt hại; 3.786 nhà bị ngập nặng; hàng nghìn héc-ta lúa, hoa màu và cây ăn quả bị nhấn chìm. Ngoài thiệt hại về tài sản, đã có ba người dân thiệt mạng do lũ cuốn; một người mất tích và bốn người bị thương (số liệu này chưa đầy đủ do nhiều địa phương, đơn vị đang bị cô lập, mất điện, mất liên lạc).

Theo thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, vào lúc 7 giờ ngày 23/7, mực nước lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ đang ở cao trình 199,3m; lưu lượng nước về hồ đạt 8.000 m3/giây; lưu lượng xả 4.300 m3/giây. Các cửa của nhà máy thủy điện này cũng mở tối đa với sáu cửa. Phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An Trần Quốc Toản cho rằng, đây là trận lũ lịch sử chưa từng có ở Nghệ An. Lưu lượng nước đổ về hồ Thủy điện Bản Vẽ nhanh có thể trông thấy được. Lúc 2 giờ ngày 23/7, mực nước ở đỉnh điểm 12.800 m3/giây, rất may sau đó giảm dần.

“Nếu mực nước tiếp tục tăng sẽ phải thực hiện phương án xử lý khẩn cấp đối với công trình thuộc trường hợp nguy hiểm, mức độ ngập lụt ở vùng hạ du chắc chắn sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều”, ông Toản chia sẻ.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, đơn vị Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã nhanh chóng triển khai hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ để giúp đỡ nhân dân trong điều kiện thời tiết phức tạp, nhiều tuyến đường bị chia cắt do lũ.

Các lực lượng vũ trang trên địa bàn đã kịp thời triển khai sơ tán người dân tại các vùng ngập sâu đến nơi an toàn; duy trì ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng cơ động khi có tình huống phát sinh, bảo đảm hỗ trợ kịp thời cho chính quyền và nhân dân miền tây Nghệ An ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.

Nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước, an toàn công trình đê điều, hồ đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, ngày 23/7, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam có Công điện số 4214/CĐ-TM gửi Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật, Quân khu 4, Quân chủng Phòng khôngKhông quân, Bộ đội Biên phòng, Binh đoàn 18 về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với mưa, lũ trên khu vực tỉnh Nghệ An; yêu cầu các đơn vị kiểm tra, rà soát kế hoạch, tổ chức lực lượng, phương tiện sẵn sàng thực hiện bay tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đường không khi có lệnh của Bộ.

TRUNG HIẾU-ĐÌNH PHƯỢNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nghe-an-gong-minh-trong-lu-du-som-on-dinh-cuoc-song-nguoi-dan-post895987.html