Nghệ An: làm sao giải bài toán nước sạch với người dân nông thôn

Nhu cầu nước sạch sinh hoạt của người dân tại Nghệ An ngày càng lớn, trong khi đó gần 10 năm qua địa phương này chỉ đầu tư được 1 nhà máy nước sạch. Cũng vì thế với người dân nông thôn, miền núi việc được sử dụng nước sạch vẫn là một niềm mong mỏi.

Giám đốc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Nghệ An Lâm Duy Thưởng

Nguồn nước thô ô nhiễm

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An mới đây đã có công văn cảnh báo về chất lượng nước thô đầu vào cấp cho trạm bơm, nhà máy nước trên địa bàn các huyện như: Hưng Nguyên, Yên Thành, Quỳ Hợp, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Nghi Lộc, Nam Đàn, Diễn Châu, thị xã Cửa Lò, thị xã Thái Hòa, thị xã Hoàng Mai.

Kết quả quan trắc chất lượng nước mặt tại một số điểm cho thấy có nhiều chỉ số ô nhiễm về: các hợp chất hữu cơ, vô cơ thông thường (BOD5, COD, TSS, NH4+, NO2-) và kim loại (As, Cd, Fe, Mn), nhiễm TSS (tổng chất rắn lơ lửng) xảy ra trên diện rộng với 10/16 điểm quan trắc vượt quy chuẩn từ 1,04 - 7,52 lần.

Nguồn nước thô ô nhiễm do nhiều nguyên nhân (ảnh tư liệu lấy mẫu kiểm tra nước tại huyện Quỳ Hợp)

Nguồn nước thô ô nhiễm do nhiều nguyên nhân (ảnh tư liệu lấy mẫu kiểm tra nước tại huyện Quỳ Hợp)

Đơn cử như tại điểm cấp nước huyện Quỳ Hợp, chỉ số As (Asen) vượt 20,3 lần. Còn điểm quan trắc tại huyện Hưng Nguyên có đến 7 thông số vượt quy chuẩn. Điểm quan trắc thị xã Cửa Lò có 6 thông số không đạt yêu cầu. Các điểm còn lại có từ 1 đến 4 thông số không đạt yêu cầu.

Giám đốc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Nghệ An (Trung tâm NS&VSMTNT Nghệ An) Lâm Duy Thưởng cho rằng, chất lượng nguồn nước mặt, nước trên các sông, kênh trên địa bàn tỉnh lâu nay đã có ô nhiễm, vừa qua do mưa lũ nên mức độ ô nhiễm nặng hơn.

Lý do là bởi rác thải đủ loại khiến dòng nước đổi màu, ô nhiễm, một số điểm nước thô đầu vào của nhà máy sản xuất nước sạch buộc phải tạm dừng để chờ khơi thông sạch rác, giảm ô nhiễm.

“Sau lũ, đơn vị cũng đã chỉ đạo một số điểm lấy nước thô trên khu vực thuộc quản lý của Công ty Thủy lợi Nam Nghệ An buộc tạm dừng để xử lý rác và tránh việc nước thô dùng sản xuất nước sạch ô nhiễm nặng mà vẫn dùng cho sản xuất nước sạch thì khó đạt tiêu chuẩn...”, ông Thưởng nêu.

Bài toán nào cho nước sạch nông thôn, miền núi

Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Trình Văn Nhã thông tin, hiện nay địa phương đang có 34/38 xã, thị trấn chưa có nước sạch nhà máy cung cấp để dùng. Người dân cơ bản sử dụng các thiết bị lọc, giếng khoan, giếng khơi để dùng cho ăn uống, sinh hoạt.

Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn Võ Tiến Sỹ cho biết, địa phương cũng mới chỉ có một công trình nhà máy nước sạch do Tập đoàn TH đầu tư, vận hành. Còn lại Nhân dân cơ bản sử dụng nguồn nước ngầm từ giếng khơi, giếng khoan. Để chủ động nguồn nước bảo đảm cho sinh hoạt, Nhân dân cũng đã dùng các thiết bị lọc nước trực tiếp trong nhà.

Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT Nghệ An Lâm Duy Thưởng cho rằng, theo thời gian, hiện nay nhìn chung nguồn nước mặt, nước ngầm đã có những thay đổi, ít nhiều có ô nhiễm.

Nhu cầu nước sạch nông thôn lớn nhưng vẫn chỉ là mong mỏi khi chưa có kế hoạch đầu tư...

Nhu cầu nước sạch nông thôn lớn nhưng vẫn chỉ là mong mỏi khi chưa có kế hoạch đầu tư...

Nhu cầu dùng nước sạch tại địa phương như Nghệ An đang ngày càng tăng cao, một số nhà máy đã nâng công suất, phạm vi cung cấp lên, thế nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Nhu cầu về nước sạch cho sinh hoạt lớn nhưng gần mười năm qua chỉ duy nhất một nhà máy nước sạch tại huyện Đô Lương được đầu tư đưa vào sử dụng từ một đơn vị tư nhân.

Giai đoạn 2011 đến 2015, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch, tỉnh Nghệ An thực hiện đầu tư 15 công trình nước sạch tại một số địa phương. Đến nay vận hành 13 nhà máy nước sạch, còn 2 nhà máy chưa vận hành được tại huyện Quỳnh Lưu và Yên Thành, lý do là nguồn nước và thiếu vốn.

Trước những vấn đề đặt ra, Nghệ An mong mỏi Nhà nước sẽ có những chương trình đầu tư về nước sạch nông thôn. Đầu tư các công trình cấp nước sạch tập trung lớn, liên xã, không đầu tư nhỏ lẻ. Thực hiện tốt quy hoạch về nước sạch nông thôn theo đề án giao cho UBND tỉnh đã được phê duyệt năm 2022 về việc phê duyệt cấp nước sạch năm 2022 đến 2030...

Hoàng Phạm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nghe-an-lam-sao-giai-bai-toan-nuoc-sach-voi-nguoi-dan-nong-thon.html