Nghệ An: Loay hoay giải bài toán thiếu 6.500 giáo viên

Tình trạng thiếu giáo viên các cấp học đang diễn ra ở nhiều địa phương tại Nghệ An. Trong khi việc tuyển dụng mới rất khó khăn, số giáo viên xin nghỉ, nhất là giáo viên mầm non liên tục diễn ra.

Năm học 2023 – 2024, trường THCS Trung Đô (TP Vinh, Nghệ An) tăng từ 24 lớp lên 28 lớp, trong khi nhà trường đang thiếu 7 giáo viên. Việc tăng học sinh, tăng lớp trong khi thiếu giáo viên gây khó khăn trong công tác bố trí dạy học.

Thầy Nguyễn Minh Khoa – Hiệu trưởng trường THCS Trung Đô cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang thiếu 7 giáo viên ở các môn: Thể dục, Sinh học, Tin học, Toán, Vật lý,... Điều này đã gây khó khăn cho nhà trường. Hiện, chúng tôi vẫn đang chờ được bổ sung biên chế. Trường hợp thành phố không có giáo viên bổ sung, nhà trường buộc phải trích một phần học phí để hợp đồng giáo viên”.

Nhiều trường học ở Nghệ An thiếu giáo viên trước thềm năm học mới.

Nhiều trường học ở Nghệ An thiếu giáo viên trước thềm năm học mới.

Vị Hiệu trưởng cho rằng, việc hợp đồng để đủ giáo viên đứng lớp chỉ là giải pháp trước mắt. Bởi lẽ, khi tuyển các giáo viên mới, nhà trường phải mất thời gian bồi dưỡng, hướng dẫn và cho các giáo viên tập giảng. Trong bối cảnh chung, nhà trường đang tính tới việc vận động giáo viên dạy tăng tiết hoặc kiêm nhiệm thêm môn phụ.

“Đây là năm thứ 3 nhà trường triển khai chương trình mới với các lớp 6, 7, 8 cho nên phương án giáo viên “2 trong 1” hoặc “3 trong 1” có thể chất lượng giáo viên không đảm bảo và dẫn đến tình trạng quá tải với nhiều giáo viên”, thầy Khoa chia sẻ.

Năm học vừa qua, toàn thành phố Vinh thiếu 227 giáo viên ở cả 3 cấp học, trong đó nhiều nhất là giáo viên ở bậc mầm non. Đến năm học này, nguy cơ thiếu giáo viên tiếp tục tăng, nhất là ở bậc THCS vì nhu cầu dự kiến là 1.003 giáo viên nhưng biên chế hiện chỉ có 884 giáo viên.

Toàn tỉnh Nghệ An thiếu khoảng 6.500 giáo viên trong năm học mới

Toàn tỉnh Nghệ An thiếu khoảng 6.500 giáo viên trong năm học mới

Trong năm học qua, mặc dù các địa phương đã triển khai công tác tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được giao nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập (chỉ tính giáo viên trong biên chế) còn thấp hơn so với quy định.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, năm học 2023 – 2024, dự báo tăng 26.000 học sinh ở các cấp học. Trong đó dự kiến số học sinh trung học cơ sở khoảng 232.782 em, tăng so với năm học trước khoảng 26.081 em. Trong khi đó, học sinh bậc trung học phổ thông chỉ tăng nhẹ và học sinh bậc tiểu học không tăng nhiều so với các năm học trước.

Toàn tỉnh Nghệ An thiếu khoảng 6.500 giáo viên trong năm học mới, trong đó nhiều nhất là bậc mầm non với hơn 2.909 người, tiếp đó là bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông và đội ngũ nhân viên trường học. Việc thiếu giáo viên đã gây khó khăn cho các nhà trường trong việc bố trí, sắp xếp công việc. Đây cũng là bài toán khó diễn ra trong nhiều năm nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết dứt điểm.

Số lượng giáo viên mầm non xin nghỉ việc có xu hướng tăng

Số lượng giáo viên mầm non xin nghỉ việc có xu hướng tăng

Tại huyện Yên Thành, ngoài khẩn trương tuyển dụng 394 giáo viên cho năm học tới, huyện vẫn tiếp tục việc thuyên chuyển gần 100 giáo viên giữa các trường để đảm bảo điều chỉnh, cân đối và bổ sung giáo viên, nhân viên cho các trường.

Để việc điều động, luân chuyển, biệt phái, thuyên chuyển công chức, viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện đúng quy định, từ tháng 10/2019, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ra văn bản hướng dẫn và quy định khá chi tiết đối với từng đối tượng.

Đây được xem là cơ sở để các địa phương thực hiện việc biệt phái, thuyên chuyển đúng theo quy định và để các ban, ngành liên quan giám sát việc triển khai, để vừa đáp ứng được yêu cầu dạy và học nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi đối với các giáo viên.

Thu Hiền

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nghe-an-loay-hoay-giai-bai-toan-thieu-6500-giao-vien-post1561613.tpo