Nghệ An: tăng cường công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Tại tỉnh Nghệ An, từ đầu năm đến nay diễn ra nhiều đợt dịch, nhiều ổ dịch tả lợn châu Phi ở nhiều địa phương. Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, gây ra những thiệt hại lớn với người nuôi, các địa phương đã và đang rốt ráo phòng chống dịch.

Video Chi Cục trưởng chăn nuôi và Thú y Nghệ An trao đổi về diễn biến dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn.

Diễn biến dịch phức tạp

Chi Cục chăn nuôi và Thú y Nghệ An thông tin,hiện nay tại Nghệ An đang xảy ra 49 ổ dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 21 ngày tại 14 huyện. Số con lợn dính bệnh buộc tiêu hủy 2.991 con, trọng lượng 155.825 kg.

Theo nhận định, nguyên nhân dịch xảy ra phức tạp do thời tiết diễn biến phức tạp, các đợt mưa lớn kéo dài tại nhiều địa phương, độ ẩm tăng cao tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh và lây lan. Giá lợn tăng cao nên người chăn nuôi có xu hướng tái đàn, tăng đàn. Công tác quản lý đàn vật nuôi còn buông lỏng...

Dịch tả lợn Châu Phi đã và đang khiến nhiều hộ chăn nuôi thiệt hại.

Dịch tả lợn Châu Phi đã và đang khiến nhiều hộ chăn nuôi thiệt hại.

Để công tác phòng chống dịch bệnh động vật đạt hiệu quả, cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn địa phương triển khai các giải pháp phòng chống nắng nóng, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi mùa mưa lũ, phòng chống dịch bệnh.

Tăng cường kiểm tra công tác kiểm soát vận chuyển, giết mổ đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm,.. tập trung nguồn lực để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch đang xảy ra, không để lây lan diện rộng.

Người chăn nuôi chưa “mặn mà” với vắc xin

Huyện Yên Thành hiện đang là địa phương có số lượng ổ dịch tả lợn Châu Phi nhiều nhất, với 12 xã có ổ dịch như: Đồng Thành, Phúc Thành, Bắc Thành, Trung Thành, Mỹ Thành, Thịnh Thành...với hơn 203 con lợn nhiễm bệnh buộc tiêu hủy.

Trao đổi với phóng viên, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành Đào Thị Điểm thông tin, trước diến biến dịch phức tạp, địa phương đã và đang triển khai nhiều biện pháp đồng bộ phòng chống sự lây lan. Huy động mọi nguồn lực xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch lây lan, dây dưa kéo dài và phát sinh ổ dịch mới.

Phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, mua bán, vận chuyển động vật bệnh, vứt xác động vật ra môi trường; tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.

Người chăn nuôi lợn cần tiêm đầy đủ vắc xin, vệ sinh chuồng trại và tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh.

Người chăn nuôi lợn cần tiêm đầy đủ vắc xin, vệ sinh chuồng trại và tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh.

“Vắc xin thì chưa thể phủ hết được bởi chỉ tiêm cho lợn thịt, chưa tiêm được cho lợn sinh sản (lợn nái), trong khi đó chăn nuôi nông hộ ở địa bàn xảy ra dịch chủ yếu là lợn sinh sản”, bà Điểm nêu thêm.

Chi Cục trưởng chăn nuôi và Thú y Nghệ An Đặng Văn Minh cho rằng, sở dĩ công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi chưa đạt hiệu quả cao một phần do việc tiêm vắc xin phòng cho đàn lợn vẫn còn hạn chế.

Việc người dân còn chưa “mặn mà” với việc tiêm phủ vắc xin cho vật nuôi do giá còn cao, mỗi liều tiêm hiện nay trên 60 nghìn đồng. Ngoài ra vắc xin cũng chưa thể tiêm cho lợn sinh sản nên số lượng lợn sinh sản nhiễm bệnh cao.

Để hạn chế tối đa dịch bệnh làm ảnh hưởng tới những thiệt hại cho hộ chăn nuôi thì luôn chú trọng việc lựa chọn con giống tốt, tiêm phòng đầy đủ, luôn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ...

Hoàng Phạm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nghe-an-tang-cuong-cong-tac-phong-chong-dich-ta-lon-chau-phi.html