Nghệ An: Tập trung làm rõ nguyên nhân khiến tôm nuôi chết hàng loạt
Cơ quan chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm, tập trung làm rõ nguyên nhân tôm chết hàng loạt khiến người nuôi tôm thiệt hại nặng nề.
Sau sự việc tôm chết hàng loạt ở huyện Quỳnh Lưu và TX.Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, phía Chi cục Thú y vùng III phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An đã lập đoàn kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh trên hai địa bàn này.
Theo báo cáo của huyện Quỳnh Lưu, toàn huyện có 465ha ao, đầm nuôi tôm, rải đều ở 14 xã, trong đó, diện tích nhiều nhất ở các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Thanh… toàn huyện đã thả giống mới hơn 20% diện tích. Dù thời gian thả chưa lâu nhưng đã xuất hiện tình trạng tôm chết hàng loạt chưa xác định được nguyên nhân
Riêng ở xã Quỳnh Bảng có 58 hộ thả tôm lứa mới với diện tích khoảng 50 ha. Tuy nhiên, tình trạng tôm chết cùng triệu chứng như trên xảy ở hầu hết các hộ với tỷ lệ từ 50– 70%.Theo đó, mỗi ha tôm, người dân phải đầu tư khoảng 100 triệu đồng mua con giống, vật tư xử lý ao đầm và thức ăn. Từ đầu tháng 4 đến nay, người nuôi tôm trong xã thiệt hại mỗi hộ từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.
Theo các hộ nuôi tôm ở xã Quỳnh Bảng, ban đầu tôm có các dấu hiệu như: Lờ đờ, không bơi, than trắng bệch và sau đó ít ngày thì chết. Ông Hồ Đình Ánh, trú ở xã Quỳnh Bảng cho biết gia đình ông có 3 ha tôm, vụ này gia đình ông mới thả 2 ha. “Ngày 13/3 gia đình tôi xuống giống nhưng sau hơn 2 tuần thì tôm có dấu hiệu lờ đờ, không bơi, rỗng ruột,…ít ngày sau thì chết. Số lượng tôm chết khoảng 80%, thiệt hại nặng nề”, ông Ánh cho biết thêm.
Đối với các hộ dân có số lượng tôm chết, đoàn công tác đã tiến hành lấy mẫu nước, lấy mẫu tôm bị bệnh để mang đi xét nghiệm, điều tra nguyên nhân gây bệnh trong thời gian sớm nhất.
Qua kiểm tra, khảo sát thực tế tình hình nuôi tôm trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, đoàn công tác đã chỉ ra một số bất cập khiến số lượng tôm ốm bệnh gia tăng. Theo đó, một số hộ dân thả tôm nuôi không đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo, tuổi tôm chưa phù hợp dẫn đến việc thích ứng và sức đề kháng của tôm bị suy giảm. Bên cạnh đó, khi xảy ra dịch bệnh, các hộ nuôi tôm và chính quyền địa phương có sự chậm trễ trong việc báo cáo với cơ quan chức năng.Theo báo cáo của TX.Hoàng Mai, địa phương này có khoảng 400ha nuôi tôm với 100ha tôm công nghệ cao, 200ha hiện nay đã thả giống lứa mới. Ở địa phương này cũng có hiện tượng tôm chết, tuy nhiên, chưa ghi nhận những đặc điểm tôm bệnh giống ở huyện Quỳnh Lưu.
Phía đoàn công tác cũng đã tiến hành kiểm tra việc nuôi tôm trên địa bàn TX. Hoàng Mai. Cơ quan chuyên môn cũng đã chủ động lấy 4 mẫu tôm chết ở 3 phường, xã: Quỳnh Dị, Quỳnh Xuân, Quỳnh Lộc mang đi xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh đốm trắng.
Phía Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp 1.890kg hóa chất để TX.Hoàng Mai chủ động xử lý dịch đốm trắng xảy ra. Đồng thời, kiến nghị thị xã tăng cường công tác giám sát, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nếu diện tích tôm nuôi còn lại có các dấu hiệu bất thường.
Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, người nuôi tôm cần mua con giống đảm bảo chất lượng, phải có kiểm dịch của cơ quan thú y. Quá trình xử lý nguồn nước cần quan tâm đến nguồn cấp và thoát để đảm bảo môi trường. Hiện, nhiều vùng nuôi tôm dùng chung hệ thống cấp, thoát nước, nên mối nguy xảy ra dịch bệnh cho tôm cao.Trong quá trình nuôi, bà con cần thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để điều chỉnh chế độ chăm sóc hợp lý, nhất là khi thời tiết oi bức, cần tăng cường quạt nước để tăng lượng ô xy trong ao đầm.