Nghệ An: Tàu thuyền nằm bờ do giá xăng dầu tăng cao
Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng tàu thuyền với gần 20.000 lao động.
Tuy nhiên, do giá xăng dầu tăng cao cộng với việc thiếu hụt nguồn lao động đã khiến nhiều chủ tàu không dám vươn khơi, một số khác phải bán tàu với giá rẻ.
Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cùng với giá xăng dầu liên tục tăng cao đã khiến các chuyến ra khơi khai thác, đánh bắt hải sản của ngư dân Nghệ An gặp nhiều khó khăn.
Tại một số cảng cá ở thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu… nhiều tàu thuyền phải nằm bờ dài ngày vì thua lỗ nặng, trong khi đó một số chủ tàu khác phải “cắn răng” bán lỗ tàu để chuyển đổi ngành nghề hoặc chuyển sang mua tàu công suất nhỏ hơn.
Bán tàu chấp nhận lỗ nặng
Có hơn 10 năm gắn bó với nghề biển, chưa bao giờ ông Hồ Văn Tám (trú xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu) cảm thấy làm ăn khó khăn như thời điểm này. Theo ông Tám, trước đây gia đình ông có một tàu cá công suất gần 800CV thường xuyên vươn khơi bám biển đánh bắt dài ngày, mang lại thu nhập kinh tế ổn định.
Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái đến nay, do dịch bệnh Covid-19, giá xăng dầu tăng cao khiến gia đình ông phải bán lỗ con tàu lớn, mua tàu có công suất nhỏ hơn để duy trì nghề đi biển.
“Con tàu 800CV gia đình tôi đóng hơn 5 tỷ đồng, nhưng do làm ăn thua lỗ phải bán lại hơn 1,2 tỷ đồng. Dù không muốn nhưng vẫn phải bán để mua tàu công suất nhỏ hơn. Chuyến ra khơi vừa rồi, tàu chúng tôi đi 9 ngày đánh bắt được gần 300 triệu tiền hải sản các loại, tuy nhiên, sau khi trừ đi các chi phí thì không đủ vốn. Bây giờ tàu thuyền họ bán nhiều lắm, một số phải neo đậu ở cảng”, ông Tám chia sẻ.
Theo người đàn ông này, ngoài các chi phí như lương cho công nhân, đá lạnh, ăn uống… thì tiền nhiên liệu chiếm 70% chi phí của mỗi chuyến biển. Bên cạnh đó, do mức thu nhập không ổn định, công việc đi biển vất vả nên nhiều người dân địa phương đã không còn mặn mà với biển.
“Bình thường mỗi tàu đánh bắt xa bờ phải có từ 10 - 14 lao động. Tuy nhiên, bây giờ nhiều ngư dân bỏ nghề đi làm công việc khác, thanh niên đi xuất khẩu lao động nên các chủ tàu thiếu nhân lực, chỉ 7 - 8 người thì không thể ra khơi được. Làm nghề khác mỗi năm còn kiếm được một vài trăm triệu, nhưng đi biển một năm chỉ được vài chục triệu không đủ trang trải cuộc sống nên người ta bỏ hết”, ông Tám thở dài.
Đang neo đậu tàu ở cảng Lạch Quèn, ông Trương Văn Linh (trú xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu) cho biết, cách đây vài năm, mỗi con tàu đánh cá dài trên 15m thường có chi phí đóng từ 7 đến 9 tỷ đồng. Tuy nhiên, do làm ăn thua lỗ nên hiện nay có nhiều chủ tàu phải bán lại với mức giá chỉ trên dưới 2 tỷ đồng.
Theo ông Linh, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc phải bán tàu là do giá xăng dầu tăng cao khiến chi phí mỗi chuyến đi biển cũng tăng trung bình từ 40 - 80 triệu đồng. Với mức tăng như vậy, nhiều chủ tàu lâm vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, bán tàu không nỡ mà giữ lại cũng chẳng xong.
“Trong một chuyến đi biển dài ngày, mỗi tàu công suất lớn thường sử dụng hết 8.000 - 12.000 lít dầu, tức là khoảng 200 - 300 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác. Trong khi đó, hiện nay các ngư trường đánh bắt của chúng ta đang ngày càng bị thu hẹp, sản lượng đánh bắt sụt giảm. Ngoài ra, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 cũng khiến hải sản đánh bắt về khó tiêu thụ hơn”, ngư dân này giải thích.
Thiếu hụt lao động nghề biển
Theo thống kê, tỉnh Nghệ An hiện có 3.417 tàu cá tạo công ăn việc làm cho hơn 15.000 người lao động, trong đó, số lượng tàu dài trên 15m đánh bắt xa bờ là khoảng 1.200 chiếc. Do tình hình dịch Covid-19 và giá nhiên liệu tăng cao, có khoảng 50% số tàu phải nằm bờ, với hàng nghìn lao động không có việc làm.
Là địa phương có số lượng tàu thuyền nhiều, ông Nguyễn Xuân Dinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, toàn huyện đang có gần 1.200 tàu cá, trong đó có khoảng 700 tàu dài hơn 15m chuyên đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, hiện nay số lượng tàu và lực lượng lao động biển tại địa phương đang có xu hướng giảm. Nhiều lao động trẻ chuyển đổi ngành nghề hoặc đi xuất khẩu lao động do có thu nhập ổn định hơn
“Đầu năm, chi phí từ xăng dầu, vật dụng mỗi chuyến biển tăng trong khi sản lượng, giá trị hải sản càng giảm nên các chủ tàu chưa ra khơi vì sợ lỗ. Đội tàu xa bờ của ngư dân các xã Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Long, Tiến Thủy, Sơn Hải... vẫn chưa thể xuất bến khai thác đầu năm do thời tiết không thuận lợi, phần nữa do giá xăng dầu tăng cao”, ông Dinh nói.
Theo lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 70 - 80% chi phí một chuyến đi biển. Trong thời gian tới, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng thì số lượng thuyền nằm bờ sẽ càng tăng, nhiều lao động thiếu việc làm.
Ngoài ra, lực lượng lao động nghề biển ngày càng giảm còn do cơ cấu nghề chưa hợp lý, việc tổ chức đánh bắt trên biển vẫn mang tính nhỏ lẻ và tình trạng cạnh tranh giữa các nhóm tàu, các địa phương trong một ngư trường ngày càng lớn. Ông Dinh đánh giá, nếu người lao động đã bỏ nghề biển, để họ quay lại làm việc là rất khó.
Ông Nguyễn Chí Lương - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An cho biết, thời gian gần đây, do quá trình đánh bắt kém hiệu quả nên nghề cá không giữ được các lao động lành nghề, hiệu quả đánh bắt trên từng tàu giảm sút rõ rệt.
“Vì giá xăng dầu tăng cao, thiếu nguồn lao động và một số nguyên nhân khác mà số tàu cá nằm bờ không đi đánh bắt ngày càng tăng, đặc biệt là thời điểm xuất hiện dịch Covid-19. Mặc dù sản lượng đánh bắt hải sản vẫn giữ được đà tăng trưởng nhưng hiệu quả đánh bắt lại giảm nếu tính trên định mức ngư dân đầu tư cho từng tàu cá”, ông Lương nói.
Để hỗ trợ ngư dân vượt khó, đồng thời chấp hành các quy định của pháp luật, Chi cục Thủy sản Nghệ An đang thành lập nhiều tổ công tác về tận các xã giúp ngư dân làm thủ tục kiểm định và cấp đổi giấy tờ đánh bắt, chuyển từ đơn vị tính CV sang tính theo chiều dài tàu. Bên cạnh đó, phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng giúp dân giải quyết các thủ tục giấy tờ như: Nhật ký đánh bắt, làm sổ danh bạ đăng ký thuyền viên…
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Nghệ An, sản lượng khai thác thủy sản năm 2021 của tỉnh đạt hơn 200.000 tấn (tăng gần 8% so với năm trước), giá trị ước đạt hơn 4.000 tỷ đồng.
Các sản phẩm khai thác được chủ yếu là cá trỏng, cá đốm, cá nục và một số loài thủy sản có giá trị cao như tôm he, mực ống, cá thu, cá chim, cá đục… Ngư trường khai thác tại các vùng biển Hoàng Sa, Vịnh Bắc Bộ, vùng lộng và ven bờ biển.