Nghệ An: Tháo gỡ khó khăn, phát triển du lịch tâm linh thành thế mạnh kinh tế địa phương

Du lịch tâm linh, về nguồn là một trong những loại hình trọng yếu nhất để thu hút du khách, bởi có thể diễn ra quanh năm. Mặc dù vậy, tại Nghệ An loại hình này chưa tương xứng với tiềm năng.

Du lịch tâm linh tại Nghệ An chưa đạt như kỳ vọng

Sáng 10/2 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại di tích Quốc gia đặc biệt khu lăng mộ Vua Mai Hắc Đế, thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã long trọng tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm và khai mạc lễ hội đền Vua Mai năm 2025, gắn với kỷ niệm 1.312 năm cuộc khởi nghĩa Hoan Châu.

Lễ hội Đền Vua Mai là lễ hội truyền thống, nhằm giáo dục tinh thần yêu nước cho các tầng lớp nhân dân.

Lễ hội Đền Vua Mai là lễ hội truyền thống, nhằm giáo dục tinh thần yêu nước cho các tầng lớp nhân dân.

Lễ hội Đền Vua Mai được huyện Nam Đàn tổ chức từ ngày 13 – 15 tháng Giêng hằng năm để tưởng nhớ công đức Hoàng đế Mai Thúc Loan cùng các tướng lĩnh, nghĩa binh của Ngài, đồng thời ôn lại khí thế hào hùng, tinh thần bất khuất của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, đánh bại quân xâm lược nhà Đường, xây dựng nước Vạn An độc lập trong suốt 10 năm (713 – 722).

Lễ hội Đền Vua Mai là lễ hội truyền thống, nhằm giáo dục tinh thần yêu nước cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, lễ hội còn góp phần quảng bá di tích lịch sử văn hóa Mai Hắc Đế - một di tích quốc gia đặc biệt, cũng như tiềm năng du lịch của huyện Nam Đàn.

Đền thờ Vua Mai Hắc Đế đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt.

Đền thờ Vua Mai Hắc Đế đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt.

Đây cũng là dịp tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân; đồng thời tạo cơ hội cho du khách thập phương tìm hiểu, thưởng ngoạn những giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của vùng quê xứ Nghệ.

Mặc dù ban tổ chức đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động, đặc biệt là hội vật được đánh giá lớn nhất Nghệ An, nhưng cũng chỉ có vài nghìn người dân địa phương và lân cận tới tham gia.

Điểm nhấn của lễ hội là hoạt động đấu vật đã thu hút gần 2.000 du khách trong và ngoài huyện tới theo dõi.

Điểm nhấn của lễ hội là hoạt động đấu vật đã thu hút gần 2.000 du khách trong và ngoài huyện tới theo dõi.

Một trong những điểm du lịch tâm linh thu hút đông du khách đến với tỉnh Nghệ An lớn nhất là đền Hoàng Mười (nằm ở địa phận làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An).

Đền ông Hoàng Mười thờ Quan Hoàng Mười, người có công hộ quốc bảo dân, chở che cuộc sống cộng đồng, được nhân dân khắp mọi miền ngưỡng mộ và tôn kính. Ngoài ra, đền còn thờ các vị phúc thần: Lê Khôi, Quận công Trịnh Trung, Song Đồng Ngọc Nữ và hệ thống đạo Mẫu tứ phủ, mà người đứng đầu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Bà Hoàng Thị Hoài Thanh, Trưởng ban quản lý di tích đền ông Hoàng Mười cho biết, từ đêm Giao thừa đến ngày mùng 8 tháng Giêng (28/1-5/2), đã có hàng chục nghìn lượt người đến dâng hương.

Mặc dù con số rất ấn tượng, tuy nhiên lượng du khách này vẫn chưa thể bằng được đền Củi (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) cũng là nơi tôn thờ Đức quan Hoàng Mười.

Điều đáng nói, nếu như du khách, khách hành hương về với đền Củi thu hút được khách quanh năm, thì đền Hoàng Mười chỉ đông khách vào mùa chính lễ (đầu và cuối năm).

"Thổi hồn" vào giá trị tâm linh để du lịch trở thành thế mạnh

Với gần 500 di tích lịch sử được xếp hạng, Nghệ An được xem là vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa, trong đó nhiều di tích trở thành điểm đến tâm linh thu hút khách du lịch.

Tuy nhiên, kết quả du lịch nói chung và du lịch tâm linh, về nguồn mang lại cho Nghệ An còn quá nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng.

Đền ông Hoàng Mười là một trong những điểm đến thu hút nhiều du khách nhất tại tỉnh Nghệ An.

Đền ông Hoàng Mười là một trong những điểm đến thu hút nhiều du khách nhất tại tỉnh Nghệ An.

Báo cáo từ Sở Du lịch tỉnh Nghệ An, dịp nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Nghệ An đã đón hơn 430 nghìn lượt du khách về tham quan ở các điểm du lịch, trong đó có khoảng 138 nghìn lượt khách lưu trú. Tổng thu từ du lịch của tỉnh Nghệ An dịp Tết Nguyên đán 2025 ước đạt 479 tỷ đồng.

Trong khi đó, du lịch Thanh Hóa đã đón khoảng 675 nghìn lượt khách, tăng 9,7% so với năm 2024. Tổng thu từ du lịch dịp Tết đạt khoảng 570 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2024.

Những hoạt động tâm linh được nhiều người tham gia với mong muốn có một năm bình an, thuận buồm xuôi gió.

Những hoạt động tâm linh được nhiều người tham gia với mong muốn có một năm bình an, thuận buồm xuôi gió.

Ông Đặng Trọng Tấn, Giám đốc khu du lịch Hòn Mát (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) chia sẻ, tiềm năng du lịch tâm linh ở Nghệ An rất lớn, tuy nhiên công tác quảng bá chưa được đầu tư.

Nếu như các địa phương khác đã biết cách "thổi hồn" vào các giá trị tâm linh sẵn có để thu hút du khách và tiến hành quảng bá các giá trị, câu chuyện một cách rộng rãi thì ở Nghệ An, bản thân nhiều người dân địa phương vẫn chưa được biết rõ về các di tích nơi mình sinh sống.

"Nhiều điểm đến tâm linh, song thiếu các sản phẩm du lịch bổ trợ, hoặc có thì còn manh mún, nhỏ lẻ, dẫn đến không phát huy được hiệu quả điểm đến. Đơn cử, là thiếu các điểm mua sắm sản phẩm đặc trưng địa phương, quà lưu niệm chưa đa dạng, chưa tạo được sự khác biệt để hấp dẫn du khách", ông Tấn nói.

Ngoài ra, các điểm tham quan di tích nằm khá xa nhau, trong khi hạ tầng du lịch chưa phát triển đã khiến du khách phải cân nhắc. Mặc dù các công ty du lịch đã tập trung vào việc phát triển các tour liên quan, nhưng du lịch tâm linh vẫn chỉ là hoạt động mùa vụ, chưa thực sự trở thành một sản phẩm có sức hút liên tục suốt cả bốn mùa.

Mặc dù vậy, do nhiều nguyên nhân nên các địa điểm tâm linh, du lịch về nguồn tại Nghệ An vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Mặc dù vậy, do nhiều nguyên nhân nên các địa điểm tâm linh, du lịch về nguồn tại Nghệ An vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Ông Trần Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết, để giải quyết vấn đề trên, năm 2025, ngành du lịch tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; tăng cường thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Đặt mục tiêu đón 6,1 triệu lượt khách du lịch trong năm 2025, ngành du lịch Nghệ An sẽ tập trung phát triển các loại hình sản phẩm du lịch chủ đạo nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của điểm đến.

"Sở Du lịch cũng chỉ đạo tăng cường liên kết giữa cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ ăn uống, mua sắm, giải trí, các điểm tham quan, du lịch với các đơn vị lữ hành để hình thành các tour, tuyến du lịch tại tỉnh; phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển du lịch bền vững", ông Cường cho biết thêm.

Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thao-go-kho-khan-phat-trien-du-lich-tam-linh-thanh-the-manh-kinh-te-dia-phuong-204250211162259398.htm