Nghệ An: Thiếu hơn 35.794 bể chứa bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Nghệ An hiện có 15.536 bể chứa bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, trong khi số bể cần có là 51.330 bể.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp, lượng, loại thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên địa bàn tỉnh Nghệ An khoảng 300-400 tấn/năm, tương đương với đó là khoảng 25-30 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật bị thải ra môi trường. Hiện nay, Nghệ An đã triển khai xây dựng bể, kho chứa vỏ thuốc. Tuy nhiên qua thời gian, bể và kho chứa vỏ thuốc đầy thì một số nơi còn loay hoay trong việc xử lý loại rác thải này.

ông dân xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc phun thuốc diệt mầm cỏ cho lúa mới gieo

ông dân xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc phun thuốc diệt mầm cỏ cho lúa mới gieo

Bởi theo thói quen, nhiều nông dân sau khi phun thuốc thường vứt bỏ bao bì ngay tại ruộng hoặc kênh mương nội đồng chính là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, bởi trong vỏ bao bì thuốc sau khi sử dụng vẫn còn tồn dư khoảng 10% lượng thuốc.

Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thế nhưng, tình trạng sử dụng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật vẫn đang ngày càng tràn lan và khó kiểm soát.

Với diện tích nông nghiệp lớn, mỗi năm Nghệ An tiêu thụ một lượng thuốc bảo vệ thực vật lớn, những loại thuốc bảo vệ thực vật này là những hợp chất hữu cơ độc hại đứng đầu danh sách 12 loại độc chất nguy hiểm, tồn tại rất bền trong môi trường nên khó phân hủy sinh học.

Theo ước tính, chỉ có khoảng 40% lượng thuốc phun xuống đồng ruộng là tiếp xúc trực tiếp với sâu bệnh, hơn 50% còn lại tồn dư trong bao bì, bay vào không khí, nhất là bị rửa trôi theo nguồn nước chảy vào kênh mương, ao, hồ và trầm tích ở đáy sông, kênh, rạch…

Nông dân xã Thanh Hưng, huyện Thanh Chương phun thuốc bản vệ thực vật trên cây lúa

Nông dân xã Thanh Hưng, huyện Thanh Chương phun thuốc bản vệ thực vật trên cây lúa

Những năm gần đây, nhờ các giải pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, người dân đã dần ý thức được tính nguy hiểm của việc vứt bừa bãi bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật ra đồng ruộng, mương nước. Các địa phương như huyện Đô Lương, Anh Sơn, Thanh Chương, Diễn Châu và Yên Thành… tiếp tục được đầu tư xây dựng hệ thống bể thu gom xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng trên đồng ruộng.

Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật thông tin, từ sự hỗ trợ từ Nhà nước cũng như nỗ lực của chính quyền địa phương và bà con nông dân, tính đến tháng 3/2022, Nghệ An đã có 15.536 bể thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng. Trước đó từ năm 2017, Nghệ An đã đầu tư xây dựng được 4.134 bể chứa tại các huyện Yên Thành, Anh Sơn, Diễn Châu, Đô Lương và Thanh Chương.

Tuy nhiên, với diện tích gần 154.000 ha đất sản xuất lúa, rau màu và cây ngắn ngày có thể đặt bể thu gom, thì để đảm bảo yêu cầu theo quy của Liên bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tài nguyên - Môi trường, Nghệ An phải xây dựng được 51.330 bể. Như vậy, địa phương này vẫn còn thiếu đến 35.794 bể chứa.

Nhiều người dân vẫn chưa có ý thức thu gom rác thải bảo vệ thực vật sau khi sử dụng

Nhiều người dân vẫn chưa có ý thức thu gom rác thải bảo vệ thực vật sau khi sử dụng

Đơn cử, tại huyện Yên Thành, “vựa lúa” lớn nhất tại tỉnh Nghệ An, từ năm 2017 đã được đầu tư xây dựng một lượng bể chứa bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật khá lớn. Tuy nhiên, năm 2022 này, huyện này vẫn được đầu tư thêm. Huyện Yên Thành hiện có hơn 44.000 ha đất nông nghiệp, trong đó, có trên 13.200 ha đất lúa, tổng diện tích lúa chiếm tới trên 10% cả tỉnh. Nếu đúng quy định thì địa phải có 4.400 bể chứa. Tuy nhiên, đầu năm nay khi đã lắp thêm 1.504 bể, huyện vẫn còn thiếu đến 2.896 bể chứa.

Thiếu bể chứa, đồng nghĩa với việc huyện Yên Thành nằm trong thực trạng chung của nhiều địa phương khác trên địa bàn. Đó là phổ biến tình trạng người dân sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vỏ bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ, thực vật được vứt bừa bãi, ngay trên đồng ruộng.

Phải nhìn rõ một thực tế là không chỉ ở những vùng chưa xây dựng được bể thu gom, tình trạng vứt bừa bãi loại rác thải” nguy hiểm này rất phổ biến, mà ngay tại những nơi đã có bể, nhiều nông dân vẫn chưa có ý thức thu gom, vứt rác vào bể chứa, mà vẫn ”thuận tay” vứt ngay trên ruộng lúa, trên bờ ruộng, dưới các mương nước, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước…”, ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Nghệ An chia sẻ.

Do vậy, không chỉ cần xây dựng các bể chứa, để giảm ảnh hưởng của tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật mà phải tuyên truyền giúp người dân nhận thức được những tác hại ghê gớm của tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đối với con người và cộng đồng, từng bước làm thay đổi thói quen vứt bỏ bừa bãi bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật ra đồng ruộng của người sản xuất, vị này cho biết thêm.

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghe-an-thieu-hon-35794-be-chua-bao-bi-vo-chai-thuoc-bao-ve-thuc-vat-219216.html