Nghệ An thúc đẩy tín dụng xanh
Để đẩy mạnh tín dụng xanh, trong thời gian tới cần phải ban hành các quy định về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với ngành kinh tế của Việt Nam, làm cơ sở cho các TCTD có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.
Những năm gần đây, ngành Ngân hàng trong cả nước đã và đang đẩy mạnh tín dụng xanh. Và trên thực tế, đây là một giải pháp tài chính hiệu quả hướng đến việc tài trợ cho các dự án, doanh nghiệp, cá nhân và những hoạt động có tác động tích cực đối với môi trường và xã hội.
Tại Nghệ An, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu và quá trình đó có sự đóng góp quan trọng của các TCTD. Trong những năm qua, nhiều TCTD trên địa bàn đã đẩy mạnh triển khai cấp tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực xanh, tăng cường các chính sách ưu đãi tín dụng đối với các dự án có yếu tố bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Các ngân hàng trên địa bàn dành nhiều nguồn vốn để đầu tư, phát triển ngân hàng xanh, triển khai các chương trình tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi 5-6%/năm.
Trong số 12 lĩnh vực xanh NHNN hướng dẫn các TCTD cho vay, hiện dư nợ tập trung chủ yếu vào nông nghiệp sạch chiếm 79%, lâm nghiệp bền vững chiếm 15%, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 6% và một số lĩnh vực khác như xử lý chất thải và phòng chống ô nhiễm...
Là một trong những TCTD tham gia tích cực trong hoạt động phát triển tín dụng xanh, thời gian qua, Agribank chi nhánh Tây Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ, đồng hành với khách hàng trong việc tiếp cận và giải ngân nguồn vốn tín dụng xanh. Điều này, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, hướng đến các mục tiêu mà chính phủ đã đặt ra trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đại diện Agribank chi nhánh Tây Nghệ An, chúng tôi hướng đến các dự án tín dụng xanh, sản xuất xanh sạch đúng với tiêu chí của tín dụng xanh. Từ đó, thẩm định kỹ để tư vấn cho khách hàng trong việc sử dụng dịch vụ. Bên cạnh đó, nỗ lực hỗ trợ cho bà con tiếp cận được các nguồn vốn với giá rẻ.
Gia đình ông Hoàng Xuân Anh ở xóm Đông Nam, xã Nghĩa Sơn huyện Nghĩa Đàn có kế hoạch phát triển nông nghiệp sạch, theo hướng khữu cơ, an toàn sinh học mà. Tuy nhiên, khi bắt tay vào công việc, điều khiến gia đình lo lắng chính là nguồn vốn đầu tư ban đầu. Sau đó, khi biết đến nguồn tín dụng xanh mà ngân hàng Agribank chi nhánh Tây Nghệ An đang triển khai trên địa bàn, ông Hoàng Xuân Anh đã liên hệ và tiếp cận nguồn vốn.
Sau khi thẩm định dự án với các tiêu chí phù hợp, Agribank chi nhánh Tây Nghệ An đã quyết định đầu tư nguồn vốn 1,2 tỷ đồng để gia đình ông xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà với quy mô 6 nghìn con theo tiêu chuẩn Việt GAP và trồng hơn 1 nghìn gốc ổi theo hướng hữu cơ.
Ông Hoàng Xuân Anh chia sẻ: Qua quá trình xây dựng trang, gia đình cần một số lượng vốn rất lớn. Cũng may rằng tôi tiếp cận được với vốn của tín dụng xanh. Với lãi suất ưu đại, nguồn vốn này thực sự là “đòn bẩy” hỗ trợ cho gia đình vừa kịp thời vừa hiệu quả.
Tương tự, tại Công ty TNHH Green Solar Sông Lam, một doanh nghiệp lựa chọn hướng đi theo mô hình kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường, tập trung vào các sản phẩm liên quan đến điện mặt trời áp mái và công nghệ chiếu sáng thông minh... Công ty cũng được HDBank Nghệ An đầu tư nguồn vốn, với lãi suất ưu đãi để phát triển thị trường và mở rộng quy mô hoạt động... Theo đại diện công ty, với việc tiếp cận được với ngồn tín dụng xanh, ưu đãi về lãi suất. Đặc biệt, được thế chấp bằng chính cái thống điện mặt trời thay vì các cái tài sản đảm bảo như là bất động sản đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp rất nhiều.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều khách hàng ở Nghệ An đã và đang tiếp cận với nguồn tín dụng xanh từ các TCTD trên địa bàn. Trong số đó, hầu hết, các khách hàng đều sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả và không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Điều này, khẳng định lợi ích, tác động từ gói tín dụng xanh đối với hoạt động chuyển đổi mô hình, phương thức sản xuất từ truyền thống sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, góp phân bảo vệ môi trường và phát điện bền vững theo đúng chủ trương của Chính phủ.
Phát triển tín dụng xanh là xu thế tất yếu nhằm hướng đến phát đển bền vững theo tinh thần chỉ đạo của NHNN. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay vẫn còn những hạn chế khó khăn. Theo đại diện NHNN chi nhánh Nghệ An, mặc dù tín dụng xanh trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực và ngày càng phát triển, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Cụ thể, khung pháp lý chưa hoàn thiện, còn thiếu các quy định, tiêu chí môi trường và danh mục phân loại xanh ở cấp quốc gia. Việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh chủ yếu là nguồn vốn trung và dài hạn, thời gian hoàn vốn lâu, trong khi nguồn vốn huy động của các TCTD phần lớn là vốn ngắn hạn. Việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kĩ thuật về môi trường chuyên sâu sẽ là khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng; khó khăn trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi thực hiện cấp tín dụng do còn thiếu cơ sở pháp lý, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường…
Bởi vậy, để đẩy mạnh tín dụng xanh trong thời gian tới cần phải ban hành các quy định về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các TCTD có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Nghiên cứu có hướng dẫn chung về tiêu chuẩn ESG nhằm giúp các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nghe-an-thuc-day-tin-dung-xanh-155802.html