Nghệ An: Xây dựng mô hình xử lý rác thải thân thiện với môi trường
Mô hình xử lý rác thải góp phần biến rác thải hữu cơ thành nguồn tài nguyên quý; tăng thu nhập cho nông dân từ tài nguyên rác hữu cơ; Bảo vệ môi trường; Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp và do thức ăn thừa; Cải thiện sức khỏe đất và tăng cường sức khỏe vật nuôi; Nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Thực hiện Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế". Mục tiêu của dự án nhằm biến rác thải hữu cơ thành nguồn tài nguyên quý; tăng thu nhập cho nông dân từ tài nguyên rác hữu cơ; Bảo vệ môi trường; Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp và do thức ăn thừa; Cải thiện sức khỏe đất và tăng cường sức khỏe vật nuôi; Nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp là xu thế tiến bộ, vừa làm “sạch" đa chiều, lại vừa nâng cao rõ rệt hiệu quả kinh tế cho nhà nông.
Nâng cao rõ rệt hiệu quả kinh tế cho nhà nông
Nhằm thực hiện mục tiêu của Dự án, Hội Nông dân huyện Yên Thành đã chủ động phối hợp với các bên liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kế đó là mở các lớp tập huấn giảng dạy trực tiếp về kỹ năng sử dụng chế phẩm sinh học nhằm sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp. Lý thuyết được hướng dẫn cùng với hành động. Xuyên suốt quá trình học tập, đội ngũ chuyên gia, tư vấn rành nghề đã trực tiếp hướng dẫn bằng cách “cầm tay chỉ việc”, rối ở đâu gỡ ở đó. Cứ thế, học viên dần được trang bị vốn liếng kinh nghiệm, giúp họ tạo lập được sự chủ động cần thiết về sau.
Tiêu biểu phải kể đến trường hợp của anh Lê Xuân Hải, trú tại xóm Nam Phượng Sơn, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành. Khi Hội Nông dân huyện tiếp cận và gợi ý quy trình sản xuất bón hữu cơ vi sinh, anh Hải đã tận dụng nguồn phân chuồng, kết hợp phụ phẩm nông nghiêm để sản xuất thành công phân bón hữu cơ, biến những thứ tưởng chừng bỏ đi thành “mỏ vàng” đích thực. Bằng cách này, hàng năm gia đình anh Hải đã tiết kiệm đến 50% chi phí mua phân bón so với trước kia. Anh Hải cho biết: sau mỗi vụ dưa, trang trại lại tồn dư khoảng 1 tấn phụ phẩm. Nếu tiêu hủy như thông thường sẽ tăng cao nguy cơ ô nhiễm môi trường, lại lãng phí nguồn “tài nguyên” sẵn có.

Việc áp dụng sản xuất phân hữu cơ vi sinh giúp anh Hải tiết kiệm được 50% chi phí phân bón.
“Thời gian tới, tôi vẫn trung thành với cách này, thậm chí sẽ chủ động thu gom thêm phụ phẩm để gia tăng khối lượng phân làm ra nhằm thỏa mãn 100% nhu cầu sinh trưởng, phát triển của các loại cây trồng, có như vậy mới hình thành mô hình trang trại nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGap”, anh Lê Xuân Hải chia sẻ đầy tự tin.
Ông Phan Hoàng Thụ, Chủ tịch UBND xã Xuân Thành, huyện Yên Thành: “Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh dù mới mẻ nhưng kịp để lại những dấu ấn rất tích cực trên từng bờ xôi ruộng mật, hiệu quả kinh tế tăng cao giúp nhà nông thêm phần vững tin để chủ động mở rộng quy mô, hình thức. Trong xu thế phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững, chắc chắn tình trạng sử dụng phân bón hóa học bừa bãi sẽ dần bị hạn chế và loại bỏ, để thay thế bằng các giải pháp chăm bón thân thiện hơn. Cách làm phân bón vi sinh cũng khá dễ, nhìn chung phù hợp với tiềm lực và nhận thức của số đông nông dân”.
Lan tỏa mô hình toàn tỉnh
Đến nay, Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" được triển khai trên toàn tỉnh. Toàn tỉnh đã xây dựng được 670 mô hình xử lý rác thải tại địa bàn các xã tham gia dự án (gồm: 110 mô hình lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi; 150 mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày; 110 mô hình ủ phân tại ruộng; 150 mô hình nuôi sâu canxi và 110 mô hình nuôi giun trùn quế). Thực hiện nhân rộng được hơn 10.000 mô hình kỹ thuật xử lý rác thải, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn hội viên nông dân các kỹ thuật xử lý rác thải (lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi. (Ảnh: T.Lê)
Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Hội Nông dân 3 huyện, thị xã tham gia dự án thực hiện triển khai dự án trên 100% các xã, thị trấn trên địa bàn nhằm lan tỏa, nhân rộng những mô hình điểm.
Ông Nguyễn Quang Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An, nhấn mạnh: “Việc áp dụng các kỹ thuật xử lý rác thải theo hướng thân thiện với môi trường đã giúp cho các hộ dân giảm chi phí đầu vào trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Từng bước hình thành các mô hình nông nghiệp tuần hoàn bền vững. Đồng thời, từng bước nâng cao nhận thức của người dân, nông dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, duy trì và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường, tham gia xây dựng nông thôn mới”.

Khối lượng rác thải, phụ phẩm nông nghiệp giảm thiểu thấy rõ, giúp đường làng ngõ xóm, thêm sạch đẹp.
Giờ đây, khối lượng rác thải, phụ phẩm nông nghiệp giảm thiểu thấy rõ, giúp đường làng ngõ xóm, đặc biệt là hệ thống kênh mương nội đồng sạch đẹp hơn hẳn. Hoạt động này đã làm giảm thiểu tối đa sức người trong xử lý rác thải, lại tiết kiệm đáng kể chi phí nạo vét hàng năm, “mở đường” để địa phương tích lũy nguồn vốn đầu tư, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, qua đó đáp ứng cho nhu cầu tưới, tiêu thường trực của bà con nông dân. Phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp tìm được hướng xử lý phù hợp chính là lời giải thỏa đáng về tiêu chí môi trường và thủy lợi trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.