Nghề báo - tôi yêu

Tháng 6 về, trong tôi cảm giác bâng khuâng, xao xuyến và thật sự tự hào về nghề báo, một nghề cao quý, tự hào, nhưng cũng rất nhọc nhằn, thậm chí không ít hiểm nguy.

Tác giả (bên phải) trao đổi thông tin với hội viên.

Tác giả (bên phải) trao đổi thông tin với hội viên.

Nhìn đồng nghiệp cùng những trang báo đẹp với các tuyến bài đầy cảm xúc, thể hiện được vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương và tiếng nói của nhân dân, khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, phát triển và hội nhập, tôi càng hiểu thêm báo chí là nhịp cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân, lòng dân với Đảng thật đong đầy.

Tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Ngữ văn, nhưng tôi lại bén duyên với nghề báo. Những ngày đầu cầm bút còn nhiều bỡ ngỡ, tứ bài viết vừa được thắp lên lại vụt tắt, cứ như thế, sự trải nghiệm trên những cung đường đi, những nơi tôi đến, những nhân vật tôi tiếp xúc, sự vụ tôi kiếm tìm có lúc rơi vào bế tắc, nhiều đêm cứ trăn trở ngày mai bài viết của mình phải bắt đầu từ đâu.

Từ sự yêu nghề và được sự hỗ trợ, động viên của bạn bè, đồng nghiệp, đã giúp tôi trưởng thành hơn. Việc mong muốn có được bài báo hay, có sức thuyết phục, để lại ấn tượng sâu sắc với bạn đọc, đã thôi thúc tôi luôn phải tìm tòi, học hỏi, tích lũy trau dồi cho mình những kiến thức, những kinh nghiệm và cách triển khai bài viết sao cho những thông tin cần truyền đạt được đầy đủ và hấp dẫn. Đó là cả một hành trình nỗ lực, cố gắng không ngừng với tất cả niềm đam mê với nghề và nhiệt huyết tuổi trẻ.

Làm báo trong thời công nghệ 4.0 hiện nay, tôi nhận thấy rằng, tuy có nhiều thuận lợi về điều kiện tác nghiệp, nhưng cũng không ít những áp lực, bởi người làm nghề báo luôn phải đối mặt với không ít gian khổ, hiểm nguy để có một tác phẩm báo chí để đời. Nhất là những tác phẩm ký sự, phóng sự lan tỏa những việc làm tốt đẹp trong đời sống xã hội và cả những trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng nhân dân trong công tác xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới.

Công tác tại Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Suối Reo, Cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh Sơn La, nơi đăng tải những sáng tác, nghiên cứu lý luận phê bình của hội viên. Tại đây, tôi luôn được trau dồi, rèn luyện về nghiên cứu lý luận, sưu tầm văn nghệ dân gian, dịch thuật, tìm hiểu thêm về nghệ thuật nhiếp ảnh, hội họa, âm nhạc, biểu diễn, kiến trúc, sân khấu... Tôi luôn cảm thấy tự hào và hãnh diện khi được viết và cảm nhận, được thỏa sức viết và khát khao được viết. Đó là ước mơ cháy bỏng của những người làm báo, làm văn chương, luôn đắm mình vào những trang viết, được là chính mình, thể hiện khát vọng ước mơ vươn đến giá trị chân - thiện - mỹ.

Thấm nhuần câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người làm báo phải “nói thẳng, nói thật” những điều “mắt thấy, tai nghe, óc suy nghĩ, trái tim mách bảo”, Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Suối Reo như tiếp thêm động lực để góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương Sơn La ngày một phát triển.

Lò Thị Na Ly (CTV)

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/nghe-bao-toi-yeu-GtkFK9USg.html