Nghề báo trước những đòi hỏi của thời đại

Là nhà giáo nhưng tôi lại đam mê công việc của người làm báo.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cũng bởi điều này nên tôi cảm nhận được phần nào những vất vả, khó nhọc thậm chí là nguy hiểm của nghề báo. Trong đời sống hiện đại, nghề báo lại đang đứng trước những đòi hỏi, thách thức mới, đồng nghĩa với đó là khó khăn, nguy hiểm mới hiện hữu.

Tâm trong sáng

Thực ra, ở bất cứ thời kỳ nào đây cũng là đòi hỏi quan trọng đối với những người làm báo. Walter Lippmann - phóng viên, tác giả nổi tiếng người Mỹ, người từng 2 lần nhận được giải thưởng danh giá Pulitzer đã phát biểu “trong báo chí, nói ra sự thật là luật tối thượng”. Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, khi các nền tảng mạng xã hội ra đời thì thông tin được đăng tải tăng lên một cách chóng mặt. Có thể nói cứ mỗi giây, mỗi phút đã có một lượng thông tin khổng lồ được cập nhật đến mọi lứa tuổi, tầng lớp độc giả. Trong hàng triệu thông tin đó, có nội dung chính xác, có cái sai sự thật; có thông tin đã được kiểm chứng nhưng cũng có nội dung chưa được xác minh. Do đó, những người tiếp nhận và xử lý thông tin, trước hết là nhà báo phải có tâm trong sáng để xác tín, đưa tin thật chính xác đến bạn đọc.

Một bài báo có thể chắp cánh cho người ta bay lên; nhưng cũng có thể dìm người khác xuống bùn đen; làm tan nát một đời người, gia đình hay một tổ chức. Do vậy, người làm báo, không những phải có trình độ, sắc sảo trong nghề mà còn phải có cái tâm trong sáng. Nhà báo không được “bẻ cong” ngòi bút mà phải luôn đứng về lẽ phải. Đúng như cố nhà báo Hữu Thọ từng nói, tiêu chí tác nghiệp của người làm báo là: Mắt sáng, lòng trong, bút sắc!

Đòi hỏi sự thông minh, sắc sảo

Trong “Thư gửi anh em trí thức Nam Bộ”, năm 1947, Hồ Chí Minh từng dạy: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”. Trong kháng chiến chống Pháp, với những cán bộ, học viên vào học lớp viết báo đầu tiên năm 1949, Bác cũng từng dạy bảo: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung. Mục đích chung là kháng chiến và kiến quốc”. Trong bài phát biểu tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, Bác một lần nữa nhấn mạnh “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Như vậy, mục đích, nhiệm vụ của báo chí rất quan trọng và để hoàn thành được sứ mệnh đó đòi hỏi người làm báo phải thật sự thông minh, sắc sảo.

Xin được kể thêm câu chuyện sau để thấy, rằng nhà báo luôn phải linh hoạt, thông thái mới truyền tải được nội dung cần thiết đến từng bạn đọc. Truyện xưa kể rằng, Thành Cát Tư Hãn là một vĩ nhân nhưng không biết chữ. Có lần ông bảo viên thư lại viết một chiến thư. Anh ta viết một văn bản dài dòng kể tội đối phương, nêu sức mạnh và chính nghĩa của quân Mông Cổ, cuối cùng là hẹn ngày đánh. Viết xong anh ta đọc cho Thành Cát Tư Hãn nghe. Nghe xong ông bực mình cầm roi ngựa quất cho anh thư lại mấy roi, bảo chỉ viết hẹn ngày đánh thôi, không dài dòng. Lần khác, ông bảo viên thư lại viết bức thư mời một nhân tài đến gặp. Anh thư lại nhớ trận đòn ngày trước, bèn viết ngắn gọn : “Trẫm cần, nhà ngươi đến ngay”. Lại bị một trận đòn nữa. Chuyện cần viết ngắn thì viết dài, chuyện cần viết dài lại viết ngắn, bị ăn đòn là điều hiển nhiên. Đó là sự dốt nát của người biết chữ. Và nó gây nguy hại rất lớn đến nhiều người.

Sự hấp dẫn của báo chí là bởi tính đa dạng trong loại hình, nội dung, tôn chỉ, mục đích và hình thức thể hiện. Nếu nhiều tờ báo cùng sử dụng một tin tức, trùng lặp về hình ảnh, không có phản ánh mang tính cá nhân của người viết sẽ gây nhàm chán, không thu hút được người đọc. Bên cạnh đó, đặc điểm, sắc thái riêng của báo chí còn thể hiện trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Trong Thư gửi báo Quân du kích, Hồ Chí Minh cũng đã yêu cầu: “Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Tự do ngôn luận nhưng không lợi dụng

Đây chính là vấn đề đáng bàn đối với đội ngũ những người làm báo hôm nay, bởi tự do ngôn luận vừa là điều kiện “kích hoạt” quan trọng cho báo chí phát triển nhưng đồng thời nó cũng dễ bị lợi dụng gây méo mó sự thật. Tự do báo chí là nhu cầu tinh thần quan trọng của mỗi quốc gia, dân tộc, là đòi hỏi cơ bản của quyền con người. Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (Tuyên ngôn thế giới về quyền con người), được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua và công bố theo Nghị quyết 271A (III), ngày 10/12/1948 chỉ rõ “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và biểu đạt; bao gồm tự do giữ ý kiến mà không bị can thiệp, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận và truyền bá thông tin - tư tưởng bằng bất cứ phương tiện truyền thông nào và không giới hạn về biên giới”.

Hồ Chí Minh bắt đầu cuộc đời hoạt động của mình bằng tiếng nói đấu tranh của báo chí. Thực tiễn đó giúp Người nhận thức rõ, tự do báo chí là một nhu cầu quan trọng trong tiến trình tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc; là quyền được thông tin, trao đổi, giao tiếp, thể hiện ý chí và nguyện vọng một cách công khai thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng của mỗi con người. Hồ Chí Minh cũng nhận thấy rằng hoạt động báo chí còn xuất phát từ nhu cầu phát triển nội tại của một chế độ chính trị - xã hội, các giai cấp sử dụng báo chí chuyển tải ý chí và nguyện vọng của mình trước những vấn đề mà cả xã hội cùng quan tâm.

Như vậy, chúng ta có thể khẳng định, tự do ngôn luận là một trong những quyền tối thượng của mỗi người. Và tự do ngôn luận trong báo chí là tiền đề quan trọng để các nhà báo góp tiếng nói của mình vào việc bảo vệ công lý, các quyền của con người trước mọi bất công của xã hội.

Tuy nhiên, tự do ngôn luận trong báo chí không phải là tự do tùy tiện, vô hạn độ mà báo chí được quyền tự do trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Tự do báo chí gắn với pháp luật, với trách nhiệm và nghĩa vụ của các công dân trong xã hội. Thực tiễn ngày nay thêm sáng tỏ rằng, ở nước ta, tự do ngôn luận, tự do báo chí được Nhà nước tôn trọng và bảo vệ trên cơ sở từng người dân, từng nhà báo thực hiện đúng pháp luật, nêu cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bất kỳ ai cố tình lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc đều bị xử lý nghiêm minh. Điều này là hiển nhiên và không có gì khác biệt trong việc thực thi ở bất cứ một quốc gia độc lập, có chủ quyền nào.

Nhà báo luôn phải giữ mình, không chỉ bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ mà còn phải nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng để vượt qua mọi cám dỗ của vật chất. Người vững nghề đồng nghĩa với tâm sáng. Thực tế, với nền báo chí nước ta qua gần 99 năm đã chứng minh, nhà báo vững nghề luôn là người sáng tâm, thấu hiểu và biết dấn thân, hiểu rõ bổn phận, trách nhiệm công dân trong hoạt động nghề nghiệp.

Nguyễn Đình Ánh (Trường THPT Nghi Lộc 2 - Nghi Lộc - Nghệ An)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nghe-bao-truoc-nhung-doi-hoi-cua-thoi-dai-post688249.html