Nghề báo và ông Vũ Khoan

Tối nay, thêm một lần nữa Giải Báo chí quốc gia sẽ được trao đúng dịp kỷ niệm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6). Nhiều nhà báo chuyên và không chuyên từng đứng trên bục nhận giải nhưng trong số đó, đến nay duy nhất chỉ có một người là nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ. Đó là ông Vũ Khoan!

 Tác giả trong một lần phỏng vấn ông Vũ Khoan. Ảnh: Xuân Hòa

Tác giả trong một lần phỏng vấn ông Vũ Khoan. Ảnh: Xuân Hòa

Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông Vũ Khoan nói rằng, ông không phải là người tài nhưng được người tài sử dụng. Với nhiều dấu ấn trên các vị trí từ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Thương mại, tới Phó thủ tướng Chính phủ rồi khi nghỉ hưu lại giành Giải Báo chí quốc gia cao nhất thì không biết ông tự đánh giá về bản thân mình như thế đã hoàn toàn chính xác chưa? Nhưng đối với những người làm báo từng có cơ hội làm việc với ông thì chắc chắn ở ông có hai điều: Thứ nhất là sống tử tế và thứ hai là rất thú vị! Có lẽ còn một điều thứ ba nữa, với những gì ông dành cho báo chí quân đội như Báo Quân đội nhân dân hay Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội, ông Vũ Khoan thực sự trân trọng nghề báo.

Trong nhiều năm kể từ khi ông rời căn biệt thự dành cho cán bộ lãnh đạo đương chức trên phố Phan Đình Phùng (Hà Nội) cũng là cái duyên với nghề, mỗi năm cũng vài lần, mỗi lần cũng vài giờ đồng hồ, tôi được phỏng vấn, trao đổi với ông. Bây giờ, bất cứ lúc nào nghĩ về các cuộc trò chuyện ấy thì lòng đầy hứng khởi. Hứng khởi bởi một trí tuệ uyên bác nhưng luôn hóm hỉnh với thực tiễn cuộc sống, hứng khởi bởi một con người của một thế hệ tuyệt đẹp, sẵn sàng lắng nghe và truyền lửa, trao tri thức cho những người trẻ. Các cuộc trả lời phỏng vấn của ông luôn rất gần gũi với mọi người đọc, người xem, để tất cả cùng nhau vun vén cho đất nước ngày càng giàu mạnh, xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

Không chỉ trả lời phỏng vấn hay mà ông cũng hay viết. Mỗi lần nhận được thư điện tử (email) từ địa chỉ vukhoan…@yahoo.com, tôi thường mừng thầm là báo lại sắp có “cái để đọc rồi” và tháng 7-2011 là một lần như vậy. Mùa hè năm đó, đất nước bức bối, căng thẳng trước những vụ việc ở Biển Đông. Bài viết “Cần có trái tim nóng và cái đầu lạnh” của ông đăng trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 18-7-2011 và sau đó được nhiều báo khác đăng lại, như một chiếc mỏ neo, tạo sự đồng thuận xã hội sâu rộng trước thời khắc an nguy của đất nước. Tác phẩm này sau đó được trao Giải B (không có Giải A) Giải Báo chí quốc gia năm 2011 và ông Vũ Khoan đã lên nhận giải trên cương vị… cộng tác viên của Báo Quân đội nhân dân.

Ông Vũ Khoan là một cây đại thụ của nền ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ phá thế bao vây cô lập và hội nhập quốc tế. Song có lẽ ông lại mang duyên với nghề báo. Bà Hồ Thể Lan, người bạn đời đầu bạc, răng long của ông Vũ Khoan vốn từng có nhiều năm làm Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí/Bộ Ngoại giao.

…Ông cũng đã về trời vào sáng nay, đúng ngày 21-6, Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam.

Chắc chắn nhiều người sẽ luôn nhớ lời ông: Phẩm chất đầu tiên-Sống tử tế.

“Vị thế dân tộc”

Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông Vũ Khoan cho biết, ông từng trực tiếp tham dự lễ kết nạp Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995. Rồi tới năm 2000, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông đã cùng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Charlene Barshefsky ký Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA), được Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tiếp tại Nhà Trắng. Khi ra Vườn hồng (Nhà Trắng) để công bố trước toàn thế giới về BTA, cũng giống như hồi năm 1995, ông Vũ Khoan bị choáng ngợp bởi một suy nghĩ: “Biết bao nhiêu chiến sĩ, biết bao nhiêu chàng trai và cô gái trẻ của Việt Nam, biết bao nhiêu người dân của Việt Nam đã hy sinh xương máu mới có được cái vị thế như vậy. Đây không phải là vấn đề cá nhân mà là vấn đề vị thế dân tộc”.

BẢO TRUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nghe-bao-va-ong-vu-khoan-731852