Nghề bó chổi đót ở thị xã An Khê

Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) hiện có hơn 10 hộ dân làm nghề bó chổi đót, tập trung ở các phường: An Phú, Tây Sơn, Ngô Mây. Thu nhập từ nghề bó chổi đót giúp nhiều gia đình có cuộc sống ổn định, yên tâm gìn giữ nghề truyền thống.

Gia đình bà Phạm Thị Tuân (tổ 3, phường Ngô Mây) đã duy trì nghề bó chổi đót do ba mẹ bà truyền lại. Bên cạnh bó chổi đót có cán bằng chính thân cây đót, khoảng 10 năm gần đây, bà làm chổi cán nhựa.

 Nhiều năm nay, bà Phạm Thị Tuân (tổ 3, phường Ngô Mây) duy trì nghề bó chổi đót, mang lại thu nhập ổn định. Ảnh: Ngọc Minh

Nhiều năm nay, bà Phạm Thị Tuân (tổ 3, phường Ngô Mây) duy trì nghề bó chổi đót, mang lại thu nhập ổn định. Ảnh: Ngọc Minh

Bà Tuân chia sẻ: Để có nguyên liệu làm quanh năm, đót khô mua về bà sẽ bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng gió, tránh ẩm ướt. Với chổi cán nhựa, bà sử dụng loại đót non xanh, có độ mềm dai khi gắn vào cán ít bị gãy, độ bền cao. Từ những bông đót, bà tách từng nhánh ra, rồi bó thành bó nhỏ, quấn thật chặt các bó nhỏ lại với nhau bằng dây kẽm, hoàn thiện lưỡi chổi xòe to đẹp. Sau cùng, bà dùng cán nhựa, cố định lưỡi chổi bằng các ốc vít chắc chắn.

Với chổi cán bằng thân của cây đót, bà chọn những bông đót có thân dài để tận dụng làm cán. Các bước tước nhánh, bó đót giống như làm chổi cán nhựa. “Nhưng khó nhất là công đoạn bện chổi bằng dây mây đòi hỏi người làm phải khéo léo, nhanh tay, chính xác, kéo đủ lực tạo ra cây chổi bền chắc, đầm tay, giúp việc quét nhà trở nên êm ái”-bà Tuân nói.

Chổi đót do bà Tuân làm ra được bán ở thị xã An Khê và bỏ sỉ cho một số tiểu thương đưa đi tiêu thụ tại các huyện lân cận: Đak Pơ, Kbang, Kông Chro. Mỗi năm, bà Tuân cung ứng cho thị trường hơn 24.000 cây chổi. Mỗi cây chổi bán giá từ 20-30 ngàn đồng, mang lại thu nhập không nhỏ cho gia đình. “Nghề bó chổi giúp vợ chồng tôi nuôi 4 người con khôn lớn, trưởng thành và mua sắm vật dụng trong nhà đầy đủ. Hiện 2 người con gái và người con dâu của tôi tiếp nối nghề truyền thống”-bà Tuân thổ lộ.

 Những cây chổi đót bền đẹp do hội viên nông dân ở thị xã An Khê làm ra. Ảnh: Ngọc Minh

Những cây chổi đót bền đẹp do hội viên nông dân ở thị xã An Khê làm ra. Ảnh: Ngọc Minh

Nghề bó chổi đót cũng giúp bà Nguyễn Thị Phước (tổ 7, phường Tây Sơn) có thu nhập ổn định, nuôi 4 người con ăn học đại học. Bà Phước kể: Năm 1984, gia đình bà chuyển từ huyện Ia Grai về An Khê sinh sống. Khi đó nghề nghiệp, ruộng rẫy không có, bà đã phát huy nghề bó chổi đót truyền thống của gia đình. Bằng đôi tay khéo léo, sự sáng tạo, bà bện những cây chổi bền đẹp, giá bán phải chăng nên chẳng mấy chốc chinh phục khách hàng.

“Hàng ngày, vợ chồng tôi bó cả trăm cây chổi. Những tháng cuối năm, dịp Tết, nhu cầu tăng gấp đôi, gấp ba, bó không đủ bán. Nhờ bó chổi đót để bán, tôi có tiền đóng học phí cho các con, chi tiêu hàng ngày thoải mái hơn. Khoảng 7 năm lại đây, mỗi ngày tôi chỉ bó 10-20 cây chổi, thu lời 100-200 ngàn đồng/ngày có tiền mua mắm muối và đỡ nhớ nghề. Tôi đã chia sẻ kỹ thuật bó chổi đót cho một số người ở phường”-bà Phước bộc bạch.

 Hội thi tay nghề “Nông dân bó chổi” năm 2025, tạo điều kiện giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các hộ làm chổi đót trên địa bàn phường Ngô Mây. Ảnh: Hoài Thương

Hội thi tay nghề “Nông dân bó chổi” năm 2025, tạo điều kiện giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các hộ làm chổi đót trên địa bàn phường Ngô Mây. Ảnh: Hoài Thương

Để khuyến khích hội viên nông dân làm nghề bó chổi, mới đây, Hội Nông dân phường Ngô Mây tổ chức hội thi tay nghề “Nông dân bó chổi” năm 2025. Hội thi có 4 đội tham gia với 8 thành viên thuộc các gia đình làm nghề bó chổi đót ở tổ 2 và tổ 3. Trong thời gian 60 phút, các đội thi phải làm ít nhất 5 cây chổi cán nhựa và 5 cây chổi cán bằng thân cây đót (2 cây cổ cao, 3 cây cổ thấp). Hình thức các loại chổi phải tròn, đều đẹp.

 Ông Trương Quốc Thắng-Chủ tịch Hội Nông dân thị xã An Khê trao giải nhất cho đội thi của bà Phạm Thị Tuân. Ảnh: Hoài Thương

Ông Trương Quốc Thắng-Chủ tịch Hội Nông dân thị xã An Khê trao giải nhất cho đội thi của bà Phạm Thị Tuân. Ảnh: Hoài Thương

Kết thúc hội thi, đội thi của bà Phạm Thị Tuân (tổ 3) đã xuất sắc giành giải nhất; giải nhì, giải ba và giải khuyến khích thuộc về các đội thi còn lại. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao giải phụ cho thí sinh nhỏ tuổi nhất và thí sinh lớn tuổi nhất.

Là thí sinh nhỏ tuổi nhất hội thi, chị Đỗ Thị Thu Kiều (SN 1995 ở tổ 3) chia sẻ: “Hội thi là cơ hội để tôi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật bó chổi và giao lưu với các đội khác. Tôi sẽ cố gắng bó chổi đẹp hơn, cải tiến mẫu mã, chất lượng của chổi đót để phù hợp với thị hiếu người mua”.

 Qua hội thi, chị chị Đỗ Thị Thu Kiều (tổ 3, phường Ngô Mây, thị xã An Khê), học hỏi kỹ thuật bó chổi đót bền đẹp hơn. Ảnh: Ngọc Minh

Qua hội thi, chị chị Đỗ Thị Thu Kiều (tổ 3, phường Ngô Mây, thị xã An Khê), học hỏi kỹ thuật bó chổi đót bền đẹp hơn. Ảnh: Ngọc Minh

Còn chị Đào Thị Mỹ Nương (tổ 2) cho hay: “Trước giờ tôi luôn cố gắng bó chổi sao cho nhanh mà cây chổi vẫn bền đẹp. Chính những thao tác quen thuộc này đã giúp tôi bó được nhiều chổi đẹp, đúng với quy định hội thi. Từ kết quả đó, đội của tôi đã đạt giải nhì hội thi tay nghề “Nông dân bó chổi” năm 2025. Hy vọng năm sau, Hội Nông dân phường tiếp tục tổ chức hội thi và nhân rộng ra các nghề khác”.

Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thương-Chủ tịch Hội Nông dân phường Ngô Mây, Trưởng ban tổ chức hội thi tay nghề “Nông dân bó chổi” năm 2025, thông qua hội thi nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn phường có cơ hội được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời tạo không khí vui tươi, đoàn kết hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, duy trì nghề truyền thống trên địa bàn và đẩy mạnh các phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, thi đua xây dựng phường đô thị văn minh.

Clip: Ngọc Minh

“Qua hội thị chúng tôi cũng muốn nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên nông dân để có phương hướng hỗ trợ, giúp cho nghề bó chổi đót nói riêng và các nghề trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất khác nói chung trên địa bàn ngày càng phát triển, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”-bà Thương nhấn mạnh.

NGỌC MINH

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nghe-bo-choi-dot-o-thi-xa-an-khe-post316793.html