Nghề chằm nón ngựa Phú Gia (Bình Định) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

'Nghề chằm nón ngựa Phú Gia' là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ 5 của tỉnh Bình Định được ghi danh.

Ngày 12-9, tại xã Cát Tường, huyện Phù Cát (Bình Định), Sở VH-TT tỉnh Bình Định đã phối hợp với UBND huyện Phù Cát tổ chức lễ đón bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Nghề chằm nón ngựa Phú Gia".

Sản phẩm nón ngựa Phú Gia có lịch sử hình thành và phát triển hơn 200 năm.

Sản phẩm nón ngựa Phú Gia có lịch sử hình thành và phát triển hơn 200 năm.

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Bộ VH-TT-DL, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã trao bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Nghề chằm nón ngựa Phú Gia" cho Đảng bộ, chính quyền huyện Phù Cát.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang, sự kiện này vừa là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Phù Cát nói riêng và của tỉnh nói chung; vừa là dịp để tôn vinh di sản "Nghề chằm nón ngựa Phú Gia", cộng đồng dân cư, nhất là các nghệ nhân có công lao to lớn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, nâng cao trách nhiệm gìn giữ giữa các thế hệ. Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ 5 (sau Võ cổ truyền, Hát bội, Bài chòi, Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn) của tỉnh Bình Định được ghi danh.

"Nghề chằm nón ngựa Phú Gia" có niên đại trên 200 năm. Toàn xã Cát Tường có khoảng 300 hộ dân tham gia sản xuất nón ngựa; trong đó, có khoảng 260 hộ thuộc thôn Phú Gia.

Nón ngựa Phú Gia được xem là kiệt tác của nón lá khi gắn liền với hình ảnh uy nghiêm, mạnh mẽ của đội quân Tây Sơn thần tốc; là sản phẩm đặc trưng của văn hóa trang phục, có giá trị mỹ thuật cao. Ngày xưa, loại nón này chỉ dành riêng cho giới có chức sắc và giới thượng lưu, quyền quý trong thời đại phong kiến với mẫu hoa văn "Long, lân, quy, phụng, đám mây, hoa sen…" nhìn cao sang, trang nhã. Khi nhìn vào hoa văn sẽ nhận biết được phẩm hàm của vị quan đang sử dụng nó.

Lãnh đạo huyện Phù Cát đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề chằm Nón ngựa Phú Gia”.

Lãnh đạo huyện Phù Cát đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề chằm Nón ngựa Phú Gia”.

Nón ngựa Phú Gia được làm thủ công, trải qua 10 công đoạn khác nhau từ tạo sườn đến thêu truyền, kết lá… Nón được kết thành 10 lớp với nguyên liệu là lá kè (lá cọ), ống giang (cật), rễ dứa… mọc tự nhiên trong rừng nên rất bền, chắc có thể đạt tuổi thọ 150-200 năm.

Hiện nay, sản phẩm nón ngựa Phú Gia đã phủ khắp cả nước, làng nghề trở thành "điểm nhấn" du lịch của địa phương.

Đức Anh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nghe-cham-non-ngua-phu-gia-binh-dinh-duoc-cong-nhan-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-196240912160716416.htm