Nghề 'chém gió'

Sự bùng nổ của công nghiệp truyền hình từ nhiều thập niên trước đã hình thành nên một nghề tương đối phổ biến trong xã hội. Đó là nghề làm khách mời, với cương vị chuyên gia, để xuất hiện trên các chương trình đối thoại, đàm thoại trên sóng.

Và khi các nền tảng xem video trực tuyến nở rộ thành một trào lưu mà tất cả đều bị hút vào đó, nghề kể trên bắt đầu phát triển đại trà hơn với cơ hội xuất hiện không chỉ còn trên sóng truyền hình hay các buổi gặp gỡ có đông đảo khán giả nữa. Và những người hành nghề khách mời này có thể được gọi bằng nhiều chức danh khác nhau: từ diễn giả cho tới chuyên gia; từ nhà phê bình cho tới bình luận viên… Khác với nhiều năm trước, khách mời cũng không chỉ xuất hiện khu biệt ở lĩnh vực mình thành thạo nữa mà đã mở rộng đề tài hơn, trên trời dưới bể đủ cả. Nói vui với nhau, họ (và cả khách quan) vẫn nhận xét về nghề của mình là: nghề “chém gió”.

Thực tế, để được trở thành một khách mời bình luận, một diễn giả, người được mời rất cần phải có khiếu hoạt ngôn, khả năng ứng đáp với tình huống cụ thể nhạy bén. Thậm chí, có nhiều người còn giỏi tới mức độ chỉ cần biết chủ đề chính mình sẽ tham gia là gì mà không cần tới kịch bản chuẩn bị trước. Những người này trả lời mọi câu hỏi được đặt ra cho mình với kỹ năng, tốc độ dàn ý trong đầu cực nhanh và bật ra thành ngôn ngữ chuẩn mực cũng nhanh không kém.

Nhưng nhìn chung, khán giả vẫn ưa thích những diễn giả có thêm khiếu hài hước. Một diễn giả thông làu kinh sử mà kèm thêm khả năng nói chuyện dí dỏm chắc chắn rất dễ trở thành ngôi sao, thần tượng của một bộ phận. Nhưng cũng chính vì sự ưa thích (lối dí dỏm) rất phổ cập này, đã bắt đầu hình thành một lực lượng “chém gió viên” hùng hậu với chất lượng chuyên môn thấp nhưng lại được cổ xúy bởi những nhà sản xuất dễ dãi không chú trọng vào những chi tiết quan trọng nào khác ngoài mục đích tìm kiếm cái gây cười làm chủ đạo.

Bắt đầu từ cái sự dễ dãi này mà vấn nạn “loạn chém gió” bắt đầu hình thành, và cũng trở nên phổ biến. Không ít khách mời xuất hiện ở các chương trình đã đưa ra nhiều thông tin thiếu khoa học, thiếu chuẩn xác. Đáng ngại là những sai sót ấy của họ lại có thể diễn ra nghiễm nhiên ở những buổi tọa đàm mang tính chất phổ cập kiến thức, kinh nghiệm cho người trẻ. Vì tin tưởng vào vị thế của diễn giả, số lượng người trẻ tin vào thông tin sai lệch của họ cũng không ít chút nào. Cá biệt, có những khách mời vì chủ đích gây cười đã dùng những ngôn từ thiếu chuẩn mực.

Điển hình như ở một tọa đàm với sinh viên gần đây, khách mời còn bỡn cợt khi nói “Dương Vân Nga ngủ với hai vua” để rồi phải đăng đàn xin lỗi sau đó khi gặp áp lực chỉ trích từ báo chí và dư luận. Đó là còn chưa kể đến những video tự làm theo dạng vlog. Nhiều “chém gió viên” không chỉ gây cười dễ dãi với những thông tin sai lệch đơn thuần mà còn cố ý lồng ghép các luận điệu xuyên tạc, xỏ xiên. Gần đây thôi, một vlogger nổi tiếng từng phải chấp nhận án phạt hành chính do nội dung đưa ra có nhiều vi phạm. Và đó cũng không phải lần đầu tiên anh ta bị xử lý vì cùng lý do này.

Vấn nạn “loạn chém gió” thực tế khó có thể chỉ được giải quyết bằng chế tài. Cái cần hơn cả chính là bản lĩnh của những nhà sản xuất chương trình, đặc biệt là các chương trình truyền hình. Chính vì sự xuất hiện của không ít chương trình chém gió rất vô bổ, thậm chí hơi nhảm trên sóng truyền hình mà từ đó, các nội dung tương tự càng nở rộ hơn trên các nền tảng xem trực tuyến.

Nói chung, sẽ không thể có những “chém gió viên bừa bãi” nếu như không ai tự mang tới cho họ những diễn đàn, đặc biệt là những diễn đàn trên kênh sóng truyền hình.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/nghe-chem-gio-i709374/