Nghệ có chữa được bệnh trầm cảm?

Nghệ có tác dụng chữa bệnh và được sử dụng trong nhiều nền y học cổ truyền trên thế giới. Với bệnh trầm cảm, căn bệnh thời hiện đại và ngày càng phổ biến thì nghệ có tác dụng chữa trị không?

Nghệ được dùng như thế nào?

Nghệ hay còn gọi là khương hoàng, uất kim... Tên khoa học là Rhizoma Curcumae longae.

Bộ phận dùng là thân rễ đã phơi khô hay đồ chín rồi phơi hoặc sấy khô của cây nghệ vàng (Curcuma longa L.), họ Gừng (Zingiberaceae).

Theo y học cổ truyền, nghệ có vị hơi đắng, cay, tính ấm, quy vào các kinh Can, Tỳ; có tác dụng hành khí, phá huyết, chỉ thống, sinh cơ; chủ trị kinh nguyệt không đều, bế kinh, đau tức sườn ngực, khó thở, phụ nữ đau bụng sau sinh, bụng kết hòn cục, hoặc ứ huyết do sang chấn; viêm loét dạ dày; vết thương lâu liền miệng.

Nghệ được sử dụng như một loại thuốc thảo dược, chất tạo màu, gia vị và phụ gia thực phẩm trong hàng ngàn năm ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các nước châu Á.

Nghệ đã được sử dụng trong nhiều trường phái y học cổ truyền, bao gồm y học cổ truyền Hồi giáo, y học cổ truyền Trung Quốc và Ayurveda. Nghệ được dùng để điều trị bệnh lý về tiêu hóa, tim mạch, gan, thần kinh cũng như trong các bệnh lý viêm như viêm khớp và giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.

Curcumin, một dẫn xuất diarylheptanoid có trong nghệ, có đặc tính chống viêm, chống oxy hóa, chống ung thư; kiểm soát béo phì và các vấn đề về chuyển hóa; cải thiện trí nhớ và rối loạn tâm trạng.

Nghệ có nhiều công dụng với sức khỏe và được sử dụng trong nhiều nền y học cổ truyền.

Nghệ có nhiều công dụng với sức khỏe và được sử dụng trong nhiều nền y học cổ truyền.

Nghệ có điều trị được trầm cảm?

Ngày nay, trầm cảm là một vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến trên toàn thế giới. Hàng triệu người ở mọi lứa tuổi đang phải đối mặt với căn bệnh này. Trầm cảm ảnh hưởng đến tâm trạng và suy nghĩ của một người.

Trầm cảm biểu hiện qua nhiều triệu chứng khác nhau, từ tâm lý như buồn bã, lo lắng, mất tập trung đến thể chất như mệt mỏi, thay đổi cân nặng, rối loạn giấc ngủ, mất hứng thú với mọi thứ và có thể có những suy nghĩ tiêu cực. Điều này gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh.

Trong những năm qua, các thử nghiệm khảo sát hiệu quả của nghệ trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần đã liên tục tăng lên cả trên mô hình động vật và ở người. Các giả thuyết được đưa ra rằng curcumin có thể có hiệu quả trong việc điều trị các triệu chứng của nhiều loại rối loạn thần kinh tâm thần, trong đó có trầm cảm.

Nhiều nghiên cứu cho thấy curcumin có thể có hiệu quả như một phương pháp điều trị bổ sung trong các rối loạn trầm cảm. Nghiên cứu của Sanmukhani và cộng sự đã làm nổi bật tác dụng chống trầm cảm tiềm tàng của curcumin ở mô hình động vật, tương tự như thuốc chống trầm cảm thông thường như fluoxetine và imipramine. Cơ chế hoạt động liên quan đến các đặc tính chống oxy hóa và chống viêm của nghệ.

Người ta nhận thấy có sự liên kết giữa tình trạng viêm với sự phát triển của các triệu chứng trầm cảm. Đặc tính của curcumin có thể giúp ức chế sản xuất các yếu tố gây viêm, cải thiện các triệu chứng viêm ở những người bị trầm cảm.

Tác dụng tích cực của curcumin đối với các triệu chứng lo âu, vốn rất phổ biến ở những người mắc chứng rối loạn trầm cảm cũng đã được tìm thấy. Cơ chế có thể giải thích tác dụng có lợi của loại gia vị này đối với mức độ lo âu là do curcumin thúc đẩy quá trình chuyển đổi DHA, một axit béo omega-3 có đặc tính giống như thuốc an thần.

Nghiên cứu của Zhu và cộng sự năm 2019, đã xem xét tác dụng bảo vệ thần kinh của curcumin, báo cáo rằng việc sử dụng thường xuyên curcumin có thể liên quan đến việc cải thiện chức năng nhận thức. Hơn nữa, trầm cảm là một yếu tố nguy cơ gây ra chứng mất trí, nên các tác dụng bảo vệ thần kinh đa dạng của curcumin có thể hỗ trợ thêm cho việc sử dụng curcumin trên bệnh nhân bị trầm cảm.

Curcumin thường được bệnh nhân dung nạp tốt và không có tác dụng phụ. Có thể thấy rằng, nếu bổ sung nghệ vào chế độ chăm sóc tiêu chuẩn, có thể cải thiện các triệu chứng trầm cảm và lo âu ở những người bị trầm cảm.

Nhiều nghiên cứu chứng minh nghệ có hiệu quả chữa trị trầm cảm.

Nhiều nghiên cứu chứng minh nghệ có hiệu quả chữa trị trầm cảm.

Cách dùng nghệphổ biến và hiệu quả

Pha với nước ấm: Đây là cách đơn giản nhất. Pha 1 – 2 muỗng cà phê tinh bột nghệ với nước ấm (khoảng 40 độ C), khuấy đều. Uống hàng ngày để hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường sức đề kháng.
Kết hợp với mật ong: Pha tinh bột nghệ với mật ong giúp tăng hương vị và tăng khả năng hấp thu curcumin. Có thể pha hỗn hợp này với nước ấm hoặc uống trực tiếp.
Kết hợp với sữa: Hòa tan tinh bột nghệ với sữa ấm để tạo nên một thức uống thơm ngon và bổ dưỡng.
Làm viên hoàn: Trộn tinh bột nghệ với dầu dừa hoặc dầu ô liu để tạo thành hỗn hợp đặc. Vo thành viên nhỏ và bảo quản trong tủ lạnh. Cách này giúp bạn dễ dàng mang theo và sử dụng hàng ngày.
Ngoài ra, đối với nghệ tươi hoặc nghệ đã phơi sấy khô có thể sắc uống, ngày dùng 6 – 12 g.

Sử dụng nghệ pha mật ong hỗ trợ trị trầm cảm.

Sử dụng nghệ pha mật ong hỗ trợ trị trầm cảm.

Những lưu ý khi dùng nghệ điều trị trầm cảm

Nghệ chỉ hỗ trợ điều trị, không thay thế hoàn toàn các phương pháp điều trị khác.
Nên tìm hiểu và lựa chọn nơi uy tín để mua sản phẩm, đảm bảo an toàn khi dùng.
Nên dùng nghệ với một liều lượng vừa phải, không nên lạm dụng quá nhiều nguyên liệu này.
Người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng nghệ hoặc bất kì biện pháp hỗ trợ điều trị nào.

Mời bạn xem tiếp video:

Nguyên nhân nào khiến bệnh trầm cảm gia tăng ở giới trẻ? | SKĐS

ThS.BSNT. Lê Thanh Hằng, ThS.BSNT. Phạm Đức Thắng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nghe-co-chua-duoc-benh-tram-cam-169241008161644054.htm