Nghề của chồng
Nhìn chồng nằm trên giường bệnh mà lòng Vân như xát muối. Khổ thân anh, một con người nhiệt huyết, ngay thẳng, luôn chịu thiệt về mình.
Đã bao lần Vân than phiền với chồng: "Anh làm gì cũng phải nghĩ đến người thân, đến gia đình nhỏ của chúng mình. Anh ở ngoài ánh sáng, họ ở trong bóng tối thì sao mà đấu được".
Hồi hai đứa còn học trung học, Lâm nhiều lần tâm sự cùng Vân, sau này sẽ thi vào trường báo chí để được đi nhiều nơi, viết về những cảnh đẹp của non sông, được chia sẻ những mảnh đời bất hạnh, những tấm gương cao đẹp và đặc biệt muốn đem những góc khuất trong xã hội ra ngoài ánh sáng bằng những bài báo. Ngày có giấy báo trúng tuyển hai đứa mừng rơi nước mắt. Từ đó Lâm theo ước mơ trở thành nhà báo, còn Vân theo truyền thống sư phạm của gia đình. Tình cảm hai đứa cũng từ đó lớn dần. Ra trường, Vân xin về quê, còn Lâm bám trụ trên đất Hà thành, làm cộng tác viên của mấy tờ báo với mục đích tích lũy kinh nghiệm trước khi xin về báo tỉnh. Với tình yêu nghề và lối viết sắc sảo, Lâm thường xuyên tìm đến các điểm nóng để điều tra, khi thì tụ điểm ma túy, mại dâm, lúc lại dịch bệnh, giao thông, thậm chí anh đi hàng tháng trời làm phóng sự điều tra về gian thương... Những bài điều tra của anh luôn gây được ảnh hưởng, được ban biên tập biểu dương, bạn đọc đón nhận tích cực. Cũng chính những bài điều tra đó mà không ít lần Vân bị đe dọa thông qua những tin nhắn nặc danh gửi đến. Lần anh điều tra nhóm người bán ma túy lẻ cho đối tượng nghiện sau bệnh viện, bài báo được đăng bằng một bút danh mới, một tuần sau chúng bị công an vây bắt. Nhưng không biết bằng cách nào những tên thoát thân điều tra ra Lâm là tác giả bài báo, chúng gửi tin nhắn uy hiếp tinh thần, dọa sẽ "xử" cả hai vợ chồng. Thấy vợ lo nghĩ, Lâm trấn an: "Chúng chỉ dọa thôi chứ không dám manh động đâu, anh cũng báo cáo ban biên tập và trình báo công an rồi. Mình làm việc có tập thể, được pháp luật bảo vệ, nhân dân tin tưởng em lo gì". "Nhưng em vẫn lo vì không vụ này thì vụ khác, em thấy nghề của anh nguy hiểm lắm. Hay…", Vân bỏ lửng câu nói, ngoảnh mặt nhìn chỗ khác tránh đối diện với ánh mắt của Lâm. "Em định bảo anh bỏ làm báo chuyển nghề phải không?". "Nghề nào cũng được miễn sao hằng ngày, hằng đêm em không phải nơm nớp lo âu", Vân phân trần. Nhìn vợ, Lâm nhẹ nhàng hỏi lại: "Theo em nghề nào là an toàn?".
Vân đắn đo chưa biết nói gì thì Lâm nói tiếp: "Em biết không, những năm tháng đất nước chiến tranh, có biết bao nhà báo đã vượt lên hòn tên mũi đạn để phản ánh những trận đánh oanh liệt của quân dân ta. Những bức ảnh, bài báo khi đó quý giá vô cùng. Không ít người đã hy sinh trong lúc tác nghiệp. Chúng mình đang sống trong thời bình nhưng xã hội vẫn còn những kẻ táng tận lương tâm, gieo cái chết trắng cho đồng loại. Vụ vừa rồi công an tiếp tục mở rộng điều tra, chắc chắn còn nhiều kẻ sẽ bị bắt nên em đừng lo. Mà em biết đấy, dù là thời bình nhưng những chiến sĩ công an, bộ đội biên phòng vẫn ngã xuống vì chiến đấu với những kẻ tham lam, xem thường pháp luật. Em có nghĩ vợ chồng mình được ở bên nhau, bên những người thân thế này là hạnh phúc lắm không... Nghề nào cũng vất vả, cũng có rủi ro, đành rằng nghề của anh hay động chạm đến những tiêu cực của xã hội, nhưng không vì thế mà mình đầu hàng. Như thế là hèn nhát, người làm báo phải có bản lĩnh em ạ".
Vân biết chẳng dễ gì để chồng thay đổi cái nghề mà anh đã yêu, đam mê, cũng giống như Vân yêu nghề của mình thôi. Nhưng lần này thì khác, anh đụng chạm đến nhiều đối tượng. Chuyện là đang mùa mưa bão, từ Trung ương đến tỉnh đều có công văn cấm khai thác cát và cho giải tỏa hành lang thoát lũ. Cách đó ít hôm, mấy đồng nghiệp ở Hà Nội về muốn cùng anh phản ánh về tình hình "cát tặc" và bến bãi trái phép, anh đã dẫn họ về điểm "nóng" nhất của tỉnh. Tối đó, mấy người xăm trổ đến nhà mang theo túi quà bảo anh nhận và nói với giọng đe dọa: “Đừng làm lớn chuyện”. Đương nhiên anh từ chối thẳng. Chiều hôm đó Lâm nhận được điện thoại của ai đó nói rằng hoạt động hút, bơm cát đang diễn ra rầm rộ ở điểm "nóng" trên. Không ngần ngại, Lâm một mình men theo đê về quay phim, chụp ảnh làm chứng cứ. Nhưng đó chỉ là cái bẫy dụ anh xuống. Chúng cho người áp sát rồi đạp xe anh lao xuống chân đê lúc trời nhá nhem vắng người. Lâm bị gẫy chân, phải nằm viện điều trị.
"Cậu ấy đỡ chưa?", Vân giật mình quay ra cửa thì thấy lãnh đạo và đồng nghiệp cơ quan tới thăm. "Công an đã điều tra ra thủ phạm rồi, cô cứ yên tâm chăm sóc chú ấy", đồng chí Tổng Biên tập nói. Đúng lúc ấy Lâm tỉnh, nhìn mọi người cười nói vui vẻ, bất chợt Vân thấy ấm áp, vững tin đến lạ…
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/doi-song/nghe-cua-chong-111427