Nước hay trà tốt cho thận hơn?

Cả nước và trà đều có thể đưa vào chế độ ăn uống để hỗ trợ sức khỏe cho thận nhưng tại sao nước vẫn nên là nguồn bổ sung chính?

Thận đóng vai trò thiết yếu trong việc lọc chất thải, cân bằng chất lỏng trong cơ thể và điều hòa huyết áp. Bổ sung nước là yếu tố then chốt để hỗ trợ chức năng thận và việc lựa chọn đồ uống - bao gồm giữa nước và trà - có thể ảnh hưởng khác nhau đến sức khỏe thận.

Nước: Chất lỏng không thể thiếu

Nước là yếu tố cơ bản của sự sống và đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì sức khỏe thận. Việc bổ sung đủ nước giúp thận lọc máu hiệu quả, loại bỏ chất thải qua nước tiểu và duy trì cân bằng điện giải.

- Giảm nguy cơ sỏi thận: Theo Hiệp hội Thận Quốc gia Mỹ, uống đủ nước làm loãng nước tiểu, giảm nguy cơ hình thành sỏi thận do ngăn ngừa sự tích tụ khoáng chất dẫn đến kết tinh.

- Ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu: Nước giúp cơ thể thường xuyên đào thải vi khuẩn ra ngoài, giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Theo khuyến nghị từ Viện Y học Mỹ, nam giới nên uống 3,7 lít nước mỗi ngày, nữ giới là 2,7 lít.

Trà có nhiều tác dụng nếu uống chừng mực. Ảnh: Ban Mai

Trà có nhiều tác dụng nếu uống chừng mực. Ảnh: Ban Mai

Trà: Đồ uống lợi ích kép

Trà là đồ uống phổ biến toàn cầu với nhiều dạng như trà xanh, trà đen, trà ô long. Trà chứa các hợp chất hoạt tính sinh học như catechin và flavonoid, có tác dụng chống oxy hóa và kháng viêm. Tuy nhiên, ảnh hưởng của thói quen uống trà với thận mang tính hai mặt.

Lợi ích tiềm năng của trà

Một số nghiên cứu cho thấy trà, đặc biệt là trà xanh, có tác dụng bảo vệ sức khỏe thận:

- Giảm nguy cơ sỏi thận: Theo nghiên cứu trên Frontiers in Nutrition, uống một hoặc nhiều tách trà xanh mỗi ngày có thể giảm nguy cơ nhập viện vì sỏi thận. Tác dụng này này nhờ vào catechin, chất chống oxy hóa có khả năng ức chế sự hình thành sỏi thận.

- Tăng cường chức năng thận: Catechin trong trà xanh còn có thể giảm viêm và cải thiện chức năng lọc máu của thận ở những người có nguy cơ suy thận.

Rủi ro tiềm tàng của trà

Mặc dù có lợi ích, thói quen uống trà, đặc biệt là trà đen, cũng có thể dẫn đến các rủi ro sau:

- Hàm lượng oxalate cao: Theo Havard Health, trà đen chứa nhiều oxalate, một chất có thể kết hợp với canxi và hình thành sỏi thận nếu tiêu thụ quá nhiều. Một nghiên cứu của Đại học Loyola (Mỹ) chỉ ra rằng uống trên 4 tách trà đen mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận.

- Mất nước nếu lạm dụng caffeine: Uống quá nhiều trà chứa caffeine có thể gây lợi tiểu mạnh, dẫn đến mất nước nhẹ, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng thận.

Cân bằng giữa trà và nước để bảo vệ sức khỏe thận

Với các kết quả nghiên cứu khác nhau, việc uống trà nên được thực hiện ở mức độ vừa phải.

Trà xanh tốt hơn trà đen: Trà xanh chứa ít oxalate hơn và mang lại lợi ích chống oxy hóa.

Ưu tiên nước: Nước vẫn là lựa chọn hàng đầu để bổ sung chất lỏng và hỗ trợ thận hoạt động hiệu quả.

Khuyến nghị

Đối với người trưởng thành không có vấn đề về thận, uống 1-3 cốc trà xanh mỗi ngày được xem là an toàn và có lợi. Tuy nhiên, nếu bạn có tiền sử sỏi thận hoặc các bệnh lý về thận, hãy ưu tiên nước và hạn chế trà đen.

An Yên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nuoc-hay-tra-tot-cho-than-hon-2364706.html