Nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân

Xã Ninh Vân thuộc địa phận huyện Hoa Lư, nằm ở phía Nam của tỉnh Ninh Bình. Nơi đây được bao quanh bởi những dãy núi đá hùng vĩ. Từ những tảng đá vô tri, những nghệ nhân làng đá mỹ nghệ Ninh Vân đã tạo nên vô số tác phẩm nghệ thuật độc đáo, chứa đựng cả tâm hồn, trí tuệ và niềm đam mê những giá trị, tinh hoa văn hóa được gìn giữ, trao truyền.

Cổng làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân được làm bằng những khối đá lớn, được chạm khắc tinh xảo.

Cổng làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân được làm bằng những khối đá lớn, được chạm khắc tinh xảo.

Theo ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng ban Quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, nghề chế tác đá mỹ nghệ ở Ninh Vân được lưu giữ theo kiểu “cha truyền con nối”, nhiều gia đình có đến 6,7 thế hệ làm nghề chế tác đá. Trải qua nhiều thế hệ, các nghệ nhân làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân đã tạo tác ra những công trình nghệ thuật kiến trúc mang phong cách của từng thời kỳ lịch sử khác nhau. Nổi tiếng phải kể đến Cột kinh phật bằng đá tại chùa Nhất Trụ do vua Lê Đại Hành cho tạo tác; các hiện vật Long Sàng (sập rồng) bằng đá tại đền thờ vua Đinh, đền thờ vua Lê ở cố đô Hoa Lư có niên đại thế kỷ XVII-XVIII; Nhà thờ Phát Diệm, tại thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn. Nhiều công trình lớn của đất nước như: cụm tượng đài nghĩa trang Trường Sơn, tượng Mẹ Suốt ở Quảng Bình, tượng đài Bác Hồ ở quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Tuyên Quang), tượng Trần Hưng Đạo ở Kinh Môn (Hải Dương), các pho tượng La Hán đặt tại chùa Bái Đính…

Quy trình chế tác đá mỹ nghệ ở Ninh Vân bao gồm nhiều công đoạn khác nhau, mỗi công đoạn chế tác nhiều hay ít, đơn giản hay phức tạp phụ thuộc vào từng loại sản phẩm và đá nguyên liệu. Về cơ bản, quy trình chế tác được trải qua 3 công đoạn chính: khai thác, sơ chế đá nguyên liệu, chế tác với những kỹ năng chạm trổ đặc biệt.

Nhiều sản phẩm độc đáo được chế tác từ bàn tay khéo léo của những người thợ đá ở Ninh Vân.

Nhiều sản phẩm độc đáo được chế tác từ bàn tay khéo léo của những người thợ đá ở Ninh Vân.

Theo các nghệ nhân trong làng, đá vừa có phần “dương” (tức là phía bên ngoài), vừa có phần “âm” (tức là phía bên trong). Thông thường, sản phẩm được chế tác sơ bộ phần “dương” trước “âm” sau. Sau đó, người thợ sẽ vẽ những hình họa, đường nét theo mẫu lên bề mặt của phom sản phẩm. Công việc này đòi hỏi người thợ phải có trình độ hội họa, khéo tay, lành nghề. Bút vẽ hình lên phom đá là bút mực, chì màu hoặc bút làm bằng thép có mũi nhọn. Sau khi hoàn thành việc vẽ hình trên bề mặt phom đá, người thợ bắt tay vào việc đục thô, đục tinh và tạo bề mặt.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, anh Lê Văn Dũng, thợ chế tác đá Ninh Vân (Ninh Bình) chia sẻ, với những người thợ giỏi, giàu kinh nghiệm có thể đoán định độ dày, mỏng khác nhau của các tảng đá căn cứ vào các mạch gân, mạch râu hay các đường thớ đá. Muốn chế tác một sản phẩm có kích cỡ nào thì phải chọn phiến đá có kích cỡ tương ứng hoặc ngược lại, giúp người thợ thuận tiện trong việc chế tác sản phẩm phù hợp.

Nhiều sản phẩm độc đáo được chế tác từ bàn tay khéo léo của những người thợ đá ở Ninh Vân.

Nhiều sản phẩm độc đáo được chế tác từ bàn tay khéo léo của những người thợ đá ở Ninh Vân.

Từ những đôi bàn tay khéo léo, những người thợ đã tạo nên nhiều sản phẩm rất đa dạng, phong phú với 3 loại hình chủ yếu: đồ đá gia dụng như cối đá, bàn mài, ban thờ, lư hương; đồ đá mỹ nghệ với các tượng nghệ thuật như Tam Đa, Bát Tiên, tượng các nhân vật lịch sử; phù điêu với các đề tài như tứ linh, tứ quý, ngũ phúc lâm môn, lý ngư vọng nguyệt… Và loại hình công trình kiến trúc như cột trụ, lăng mộ.

Từ năm 2000 trở lại đây, tại xã Ninh Vân xuất hiện nhiều doanh nghiệp tư nhân sản xuất, kinh doanh đá mỹ nghệ, làm cho diện mạo kinh tế làng xã có nhiều biến đổi theo hướng chuyên nghiệp hơn. Nhiều máy móc công nghệ hiện đại cũng được các cơ sở sản xuất đưa vào ứng dụng trong nhiều khâu nhằm tăng năng suất lao động mà vẫn giữ được độ chính xác cao. Các sản phẩm của nghề đá mỹ mệ Ninh Vân đa dạng về loại hình và kỹ thuật chế tác, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Bảo vật Quốc gia “Long sàng” tại Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng thuộc Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư được làm bằng đá từ thế kỷ XVII.

Bảo vật Quốc gia “Long sàng” tại Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng thuộc Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư được làm bằng đá từ thế kỷ XVII.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng ban Quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, toàn xã hiện có 10/12 thôn có nghề chạm khắc đá mỹ nghệ, trong đó có 3 làng nghề là Xuân , Dưỡng Thượng và Dưỡng Hạ được Nhà nước công nhận là làng nghề chế tác đá mỹ nghệ truyền thống. Ninh Vân có khoảng 1.000 lao động chuyên làm nghề, trong đó có khoảng 50 người có trình độ cao. Ngoài ra, làng nghề còn thu hút lực lượng lao động thời vụ từ nhiều địa phương khác.

Theo thống kê, giá trị sản xuất từ nghề đá hàng năm chiếm trên 80% tổng giá trị sản xuất của xã Ninh Vân. Điều này đã cho thấy vai trò to lớn của nghề đá mỹ nghệ với đời sống người dân địa phương. Thời gian tới, việc thành lập Cụm công nghiệp đá mỹ nghệ Ninh Vân với tổng diện tích 30 ha sẽ là điều kiện thuận lợi để làng nghề đá Ninh Vân ngày càng phát triển, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo làng xã.

Bài, ảnh: Thu Hằng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/nghe-da-my-nghe-ninh-van-163982.html