Nghề đặc biệt
Hôm nay là ngày tôn vinh những người làm ngành Y, tôn vinh những người ngày đêm thầm lặng chăm lo sức khỏe cho người dân. Đây là một nghề đặc biệt, bởi ít có nghề nghiệp nào mà xã hội đòi hỏi về phẩm chất và tài năng cao như đối với người làm công tác y tế. Bởi ít có nghề nào đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng, tấm lòng nhân ái, sự yêu thương, cảm thông và chia sẻ với người bệnh. Đọc lại những bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cho ngành Y tế, có thể hiểu được vì sao Người luôn nhắc “Lương y như từ mẫu”. Bác viết: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe của đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng”. Làm nghề nào cũng cần có tâm, với nghề y càng cần phải có y đức, bởi công việc cứu người, chăm sóc sức khỏe cho người khác lúc nào cũng cần sự hy sinh, sự tận tâm và lòng nhân ái…
Những lời dạy giản dị, sâu sắc, khoa học, mang tính định hướng chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành tài sản vô giá của ngành Y tế nước ta, góp phần tôi luyện nên những thế hệ thầy thuốc tài năng, giàu lòng nhân ái để bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Nghề y là nghề đặc biệt, nên y đức càng cần phải coi trọng. Trong nỗi đau chịu đựng những căn bệnh, trong lằn ranh sinh tử…, người bệnh chỉ trông chờ duy nhất vào người thầy thuốc. Thầy thuốc không chỉ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ mà còn là những người biết động viên, chia sẻ, cảm thông, thấu hiểu người bệnh.
Không chỉ là những “lương y như từ mẫu”, nghề thầy thuốc còn phải đối mặt với rất nhiều áp lực. Áp lực từ môi trường công tác, từ trong công việc; áp lực, căng thẳng đến từ chính bệnh nhân và người nhà của họ…, những điều này ít nhiều làm người thầy thuốc cảm thấy bị quá tải. Chưa kể, trong thời đại công nghệ 4.0, những phương pháp công nghệ mới trong điều trị y khoa cũng là những thách thức đối với các y, bác sĩ. Điều này đòi hỏi cán bộ ngành Y tế phải không ngừng học hỏi, cập nhật các tiến bộ kỹ thuật y khoa để áp dụng trong công việc. Công nghệ càng hiện đại càng mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng có thể khiến cho việc khám chữa bệnh bị phụ thuộc và ỷ lại vào máy móc. Thậm chí, trong tương lai còn có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo, robot làm thay các công việc trong chẩn đoán, xét nghiệm. Mối quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ cũng có thể bị giảm tương tác, ít tiếp xúc, ít trao đổi…
Nhưng suy cho cùng, công nghệ càng cao thì y đức càng phải sáng. Bởi, công nghệ có thể làm tất cả, nhưng không thể thay thế cảm xúc. Người làm nghề Y, dù trong môi trường nào cũng không thể cho phép mình vô cảm trước người bệnh, vì mỗi hành động dù nhỏ đến đâu của họ - cũng đều liên quan đến tính mạng con người. Như ông tổ ngành Y Lê Hữu Trác đã từng nói: “Suy nghĩ thật sâu xa tôi hiểu rằng thầy thuốc là bảo vệ sinh mạng cho con người, sống chết một tay mình nắm, họa phúc một tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng”.
Nghề đặc biệt là thế. Nghề đặc biệt nên có cứu hàng trăm người cũng là chuyện bình thường, nhưng chỉ cần sơ sẩy một phút, tính toán sai một chút, xui rủi một chút cũng thành chuyện lớn, đối diện với những phản ứng nhạy cảm từ người bệnh và khó có được sự thông cảm khi xảy ra những sự cố.
Nghề đặc biệt, là nghề của sự hy sinh và tình người, là sứ mệnh của tình thương và sự chăm sóc. Là nghề đòi hỏi sự can đảm, bởi phải đối mặt với những căn bệnh đáng sợ nhất của con người. Là nghề đòi hỏi kiến thức, tài năng và trách nhiệm cao nhất với sức khỏe con người…
Tôn vinh những người thầy thuốc, chúng ta cũng cần có sự cảm thông và chia sẻ với họ, không chỉ là trong một ngày 27-2!
HẢI NGUYỆT
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202402/nghe-dac-biet-ef013d5/