Nghề đặc biệt ở Nam Định: Nắng càng 'rát mặt' dân càng có tiền

Dưới trời nắng như đổ lửa, diêm dân Nam Định vẫn cần mẫn 'cõng nắng', tạo ra những hạt muối trắng tinh khiết.

Mặn chát từng giọt mồ hôi

Những ngày này ở Nam Định, trời vẫn nắng như đổ lửa. Thời tiết khắc nghiệt nhưng trên cánh đồng muối Bạch Long (xã Bạch Long, huyện Giao Thủy), diêm dân vẫn miệt mài làm việc để tạo ra những hạt muối trắng tinh khiết. Cũng bởi, nghề làm muối chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết. Nắng càng to, hạt muối làm ra càng trắng và đậm vị.

Hạt muối mặn nhưng những giọt mồ hôi của diêm dân còn mặn hơn. Quy trình làm ra thứ “vàng trắng” kết tinh hương vị của biển mất rất nhiều công đoạn. Diêm dân thường bắt đầu công việc từ sớm tinh mơ, khi mặt trời còn chưa ló dạng và kết thúc vào chiều tối muộn.

Hơn nửa đời người gắn bó với nghề làm muối, bà Mai Thị Thu (55 tuổi, diêm dân xã Bạch Long) chia sẻ, không giống những nơi khác chỉ cần múc nước biển lên phơi, diêm dân Bạch Long phải phơi và lọc cát để tăng độ mặn, do nước ở vùng biển Giao Thủy gần cửa sông nên độ mặn thấp.

Sau thời gian nghỉ trưa ngắn ngủi, đầu giờ chiều, dưới cái nắng như thiêu da đốt thịt, thêm nước biển bốc hơi mặn chát phả vào mặt bỏng rát, diêm dân lại lục tục kéo nhau ra đồng, cần mẫn hoàn thành nốt những công đoạn làm muối.

Lau vội những giọt mồ hôi trên trán, bà Thu chia sẻ: “Nghề làm muối cực lắm, mồ hôi đổ càng nhiều, nắng càng rát mặt thì càng thu hoạch được nhiều. Nên những lúc nắng nhất thì chúng tôi phải ra đồng. Không có nắng thì không có tiền”.

Do phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, những hôm nắng to cả ngày, diêm dân thấy mừng. Nhưng cũng có những ngày nắng mưa bất chợt, sáng nắng to, đến chiều mưa rào ập đến coi như một ngày làm việc “công cốc”, không có thu nhập.

Cần hướng đi mới để “cứu” nghề

Cánh đồng muối Bạch Long có thế mạnh là nguồn nước mặn dồi dào, rất thuận lợi để phát triển nghề.

Từng là “vựa” muối trù phú nhất miền Bắc với diện tích lên tới 230ha, nhưng giờ đây diện tích canh tác của cánh đồng muối Bạch Long chỉ còn khoảng 55ha với hơn 500 hộ tham gia sản xuất, khoảng 700 lao động trực tiếp.

Sản xuất muối đã khó, tiêu thụ còn khó hơn. Bao năm qua, vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá, được giá mất mùa” lặp đi lặp lại khiến phần lớn diêm dân không còn mặn mà với thứ “vàng trắng" này nữa. Họ đi tìm công việc khác có thu nhập tốt hơn.

“Nếu thời tiết thuận lợi, cả ngày làm việc trên ruộng muối, tôi cũng chỉ thu về được khoảng 150.000 - 200.000 đồng. Công việc cực nhọc là thế nhưng giờ lớn tuổi rồi, chẳng tìm được việc khác nên tôi vẫn phải bám ruộng.

Giờ đây, diêm dân chúng tôi chỉ mong chính quyền các cấp có chính sách hỗ trợ bà con để bình ổn giá muối, giúp nghề muối không bị mai một”, bà Thu tâm sự.

Ông Lại Viết Tiến, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ Diêm nghiệp, Thủy sản và Môi trường Bạch Long cho biết, năm nay thời tiết bất thường, sản lượng muối của Bạch Long thấp hơn so với năm trước.

Giá muối cũng rất rẻ, từ 1.600 đồng – 1.800 đồng/kg nên những người còn bám trụ với nghề muối chủ yếu là lao động lớn tuổi, yêu nghề và khó tìm được việc khác.

Để khuyến khích diêm dân bám đồng ruộng, từ năm 2022 địa phương đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thí điểm xây dựng mô hình sản xuất muối sạch cho xuất khẩu. Sản xuất muối sạch phát sinh thêm nhiều công đoạn, nhưng bù lại giá thu mua cao hơn.

Trao đổi với PV, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Giao Thủy Lê Văn Huấn cho biết, nhằm tìm hướng đi mới cho nghề muối, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng sản xuất.

Bên cạnh đó, địa phương sẽ phát triển du lịch trải nghiệm để tăng thêm giá trị cho sản phẩm muối, qua đó góp phần “hồi sinh” nghề truyền thống của địa phương.

Trọng Tùng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nghe-dac-biet-o-nam-dinh-nang-cang-rat-mat-dan-cang-co-tien-2312174.html