Nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm - Di sản phi vật thể quốc gia

Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống đan võng ngô đồng diễn ra trong đêm khai mạc Festival 'Cù Lao Chàm - Mùa ngô đồng đỏ' 2024.

Ngày 5/8, tin từ UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết, Lễ khai mạc Festival "Cù Lao Chàm - Mùa ngô đồng đỏ" 2024 và đón nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm sẽ diễn ra vào lúc 19h30 ngày 6/8 tại xã đảo Tân Hiệp.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động Festival biển "Hội An - Cảm xúc mùa hè 2024", hưởng ứng Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia và Năm Du lịch Quốc gia 2024.

 Nghệ nhân ở Cù Lao Chàm đang đan võng ngô đồng. Ảnh: QNO

Nghệ nhân ở Cù Lao Chàm đang đan võng ngô đồng. Ảnh: QNO

Sự kiện sẽ được tổ chức từ ngày 5 đến ngày 11/8 (kế hoạch trước đó là từ ngày 19 - 25/7), với các hoạt động chính: Triển lãm ảnh và vãng cảnh "Vườn hoa ngô đồng"; Trưng bày các sản phẩm và trình diễn nghề đan võng ngô đồng; Chương trình đêm Cù Lao; Phiên chợ kết nối sản vật Cù Lao Chàm "Món ngon xứ đảo"; Giải đua ghe ngang xã Tân Hiệp...

Đan võng ngô đồng ở đảo Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, là một nghề thủ công đặc trưng, biểu hiện cho nét văn hóa độc đáo lâu đời của người dân bản địa.

Võng được làm từ cây ngô đồng đỏ (Firmiana Colorata R. Br) còn gọi là bo rừng hay trôm màu - một loại cây thân gỗ có lá màu xanh thẫm, mùa hè ra hoa đỏ tươi, mọc nhiều trên các vách núi cheo leo.

Làm ra một chiếc võng phải qua nhiều công đoạn phức tạp, hoàn toàn thủ công. Trước tiên, người đan chọn cây ngô đồng thẳng, thân cây to khoảng bằng cườm tay hoặc nhỏ hơn, chặt xong đập lấy lớp vỏ ngâm nước suối cho mục lớp vỏ cứng, sau đó lấy lớp xơ màu trắng đục (còn gọi là manh đồng) ở trong ra giặt sạch, phơi khoảng một nắng.

Khi xơ khô và chuyển sang màu trắng tinh, có độ óng ánh là đã sẵn sàng để tước và xe sợi, đan võng. Để hoàn thành một chiếc võng phải mất từ 1,5 - 2 tháng.

Chiếc võng ngô đồng được đan bằng những sợi dây ngô đồng rất chắc chắn và có nhiều mắt võng. Tùy vào kích cỡ của võng, người ta chia làm 3 loại: võng ba, võng tư và võng sáu. Võng ba gồm 3 sợi dây tao (ở mỗi mắt võng có 3 sợi dây và gọi là dây tao), võng tư gồm 4 sợi dây và võng sáu gồm 6 sợi dây.

Võng ngô đồng có độ bền khá cao, nếu bảo quản đúng cách tuổi đời sử dụng của võng từ 15 - 20 năm. Không như võng ni lông, võng ngô đồng nằm mùa hè mát, mùa đông thì ấm. Với những đặc tính trên góp phần tạo nên giá trị đặc trưng của chiếc võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm.

 Cây ngô đồng mọc trên đỉnh núi Cù Lao Chàm. Ảnh: ĐĐK

Cây ngô đồng mọc trên đỉnh núi Cù Lao Chàm. Ảnh: ĐĐK

Không chỉ mang giá trị vật chất đơn thuần, chiếc võng ngô đồng còn gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất, gắn bó, ẩn chứa những tâm tư, tình cảm của người dân xứ đảo.

Việc công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề đan võng ngô đồng là sự ghi nhận, tôn vinh nghề truyền thống, sự sáng tạo của cư dân địa phương trong việc tạo ra nghề và không ngừng đổi mới, sáng tạo, gìn giữ, lưu truyền, tạo nên những sản phẩm du lịch.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nghe-dan-vong-ngo-dong-o-cu-lao-cham--di-san-phi-vat-the-quoc-gia-post306414.html