Nghề dệt thổ cẩm của người H'rê là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Giá trị văn hóa truyền thống nghề dệt thổ cẩm của người H'rê thể hiện trên từng sản phẩm gắn liền với trí thông minh, bàn tay khéo léo và kỹ thuật tinh xảo của người thợ dệt, được lưu truyền từ lâu đời, bảo tồn và phát triển cho đến ngày nay.
Ngày 25/9, tại Khu Bảo tồn văn hóa làng Teng (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ), tỉnh Quảng Ngãi đã công bố quyết định của Bộ VHTT&DL về việc công nhận nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người H’rê xã Ba Thành là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, dưới sự chứng kiến của hàng trăm người H’rê đang sinh sống tại Quảng Ngãi.
Tại tỉnh Quảng Ngãi có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số như Cor, Ca Dong, H’rê… sinh sống, trong đó, người H’rê còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống và sản phẩm này được cộng đồng các dân tộc ưa chuộng.
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào H’rê ở làng Teng không chỉ tạo nên những sản phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày, mang lại giá trị kinh tế cho các hộ gia đình làm nghề dệt, mà còn là sản phẩm tinh thần để người thợ dệt gửi gắm tài năng, khiếu thẩm mỹ, sự thông minh, sáng tạo, tinh thần lao động của mình.
Nghề dệt và sản phẩm dệt truyền thống khẳng định sắc thái văn hóa truyền thống độc đáo của tộc người H’rê ở Quảng Ngãi, được lưu truyền từ lâu đời và được bảo tồn, phát triển, thể hiện qua cách tạo hình hoa văn trên sản phẩm dệt thổ cẩm và trang phục truyền thống.
Điểm nổi bật ở những bộ trang phục của người H’rê là thường có hai màu đen và đỏ. Người H’rê quan niệm, màu đen trên tấm thổ cẩm tượng trưng cho nước và đất là âm tính, nữ tính, còn màu đỏ là thế giới vô hình, tượng trưng cho thần linh, là dương tính, thuộc về nam giới. Trên tấm thổ cẩm có những hoa văn miêu tả thiên nhiên, công cụ của người H’rê như ba đường dích dắc, những đoạn thẳng song song và vuông góc với nhau từng đôi một, hoặc có hoa văn hình cái nơm chụp cá, đường lượn tạo nên hình dáng cách điệu như con sông, con suối, hay hoa văn có hình giống các loài vật như mỏ gà, mũi tên, tổ ong, da rắn, da trăn, lá cây... Điểm độc đáo là ở phương pháp kỹ thuật dệt cài hoa văn, chứ không phải là những đường thêu bằng chỉ màu trên nền vải như một số tộc người anh em khác.
Việc công nhận nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người H’rê xã Ba Thành là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia là cơ sở để bảo tồn và phát huy nghề này đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
Những năm qua, các sở, ngành, địa phương của tỉnh Quảng Ngãi đã khuyến khích, động viên và hỗ trợ để phát triển nghề dệt thổ cẩm; đầu tư nghiên cứu các đề tài khoa học và dự án bảo tồn nghề dệt thổ cẩm; tổ chức dạy nghề cho các thiếu nữ H’rê trong làng và các địa phương trong và ngoài tỉnh; quảng bá rộng rãi sản phẩm dệt thổ cẩm nhằm từng bước gìn giữ, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người H’rê xã Ba Thành.