Nghề điêu khắc đá tại Việt Nam
Nghề điêu khắc đá tại Việt Nam là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời, phản ánh sâu sắc bản sắc văn hóa dân tộc và tinh thần sáng tạo không ngừng của người Việt. Trải qua hàng thế kỷ, nghề này không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ, thích ứng với thời đại, đóng góp vào đời sống văn hóa, kinh tế và du lịch của đất nước.
Nghệ thuật điêu khắc đá ở Việt Nam có nguồn gốc từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn, phát triển rực rỡ qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Các tác phẩm điêu khắc đá thời Lê sơ thường được thể hiện với phong cách hoa mỹ, nuột nà và cầu kỳ hơn thời trước đó, thường được tìm thấy ở các lăng mộ như tượng quan hầu, tượng con giống đá, hay những hình chạm khắc trên các thành bậc cửa điện Kính Thiên, đàn Nam Giao và các bia tiến sĩ ở Văn Miếu. Việt Nam có nhiều làng nghề điêu khắc đá nổi tiếng, mỗi nơi mang một dấu ấn riêng biệt.
Làng nghề Non Nước (Đà Nẵng) nằm dưới chân núi Ngũ Hành Sơn, làng nghề Non Nước có lịch sử từ thế kỷ 18, nổi tiếng với các sản phẩm tượng tròn và phù điêu phục vụ đời sống tâm linh, tín ngưỡng và trang trí. Hằng năm, thợ điêu khắc đá ở Non Nước sản xuất được khoảng trên 80.000 sản phẩm các loại phục vụ nhu cầu của người dân địa phương và du khách đến tham quan. Đây là trung tâm sản xuất đá mỹ nghệ đa dạng và chất lượng cao nhất cả nước. Vị tổ nghề ở đây là một người quê gốc Thanh Hóa, tên là Huỳnh Bá Quát, người đã có công đem nghề đá ở xứ Thanh vào Đà Nẵng

Vườn tượng của Nghệ nhân Nguyễn Long Bửu
Làng nghề Bửu Long (Đồng Nai) với hơn 300 năm tồn tại, làng nghề điêu khắc đá Bửu Long được coi là làng nghề thủ công lâu đời nhất của vùng đất Đồng Nai. Đá nguyên liệu để làm sản phẩm đá mỹ nghệ Bửu Long là đá tấm, đá phiến với màu xanh lục có độ cứng cao. Những người thợ tìm đá nguyên liệu được gọi là thợ làm “đá sống”, phải lên núi tìm những tảng đá đạt yêu cầu mang về. Từ đây, những người thợ điêu khắc đá bắt đầu công việc chế tác sản phẩm, gọi là thợ làm “đá chín”. Nghề này xuất xứ từ bang người Hẹ trong số những người Hoa di cư sang nước ta thời Trần Thượng Xuyên khai phá Cù Lao phố.
Làng nghề điêu khắc đá Ninh Vân, thuộc tỉnh Ninh Bình, có lịch sử phát triển từ thế kỷ 15 và ngày nay là một trong những làng nghề điêu khắc đá lớn và nổi tiếng tại Việt Nam. Làng nghề Ninh Vân chuyên sản xuất và cung cấp các sản phẩm điêu khắc đá cao cấp, từ tượng linh thú, phù điêu, cột trụ, đến bàn thờ, bia mộ và các vật phẩm trang trí nội thất. Vị tổ nghề đá ở Ninh Vân tên húy là Hoàng Sùng, người gốc Thanh Hóa (làng Nhồi) là một thợ chế tác đá tài giỏi thời trẻ di cư ra đây, làm rể của làng, lập nghiệp rồi truyền nghề này cho dân địa phương.
Nghề điêu khắc đá đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và kỹ năng cao. Quy trình chế tác thường bao gồm các bước: chọn đá, phác thảo, đục thô, đục tinh, mài và đánh bóng. Công cụ truyền thống như búa, đục, mũi ve, mũi ngô vẫn được sử dụng phổ biến, bên cạnh việc ứng dụng máy móc hiện đại như máy cắt, máy mài, máy khoan để tăng năng suất và độ chính xác.
Nghề điêu khắc đá không chỉ là một hoạt động kinh tế mà còn là biểu tượng văn hóa, thể hiện tinh thần và tâm hồn của người Việt. Các tác phẩm điêu khắc đá thường gắn liền với tín ngưỡng, tôn giáo, phản ánh niềm tin và triết lý sống của cộng đồng. Ngoài ra, nghề này còn góp phần tạo việc làm, phát triển du lịch và bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
Hiện nay, nghề điêu khắc đá đối mặt với nhiều thách thức như thiếu hụt nhân lực trẻ, áp lực cạnh tranh từ sản phẩm công nghiệp, và vấn đề môi trường trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ chính quyền, ứng dụng công nghệ và sự sáng tạo không ngừng của nghệ nhân, nghề điêu khắc đá Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, vươn ra thị trường quốc tế.
Nghề điêu khắc đá tại Việt Nam là một di sản quý báu, kết tinh từ bàn tay khéo léo và tâm hồn nghệ sĩ của người thợ. Việc bảo tồn và phát triển nghề này không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn mở ra cơ hội kinh tế bền vững, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Hiện nay giới nghệ sĩ điêu khắc đá vẫn còn hạn chế về số lượng, tuy nhiên có một số gương mặt nghệ sĩ có đóng góp tích cực trong giữ gìn và phát huy nét đặc sắc của lĩnh vực này.
Nguyễn Long Bửu - một nghệ sĩ điêu khắc tài danh là một trong những biểu tượng sống của nghệ thuật điêu khắc đá Việt Nam, người đã góp phần quan trọng trong việc nâng tầm làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng) lên bản đồ văn hóa quốc tế. Sinh năm 1957 tại phường Hòa Hải, Thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Long Bửu là thế hệ thứ tư trong một gia đình có truyền thống bốn đời làm nghề điêu khắc đá. Ông cố của ông, Nguyễn Chất, từng được Hoàng gia Campuchia mời tham gia trùng tu công trình Ăng Co Vát nổi tiếng. Ông nội, Nguyễn Bình, được triều đình mời tham gia xây dựng hoàng thành và lăng tẩm ở Huế. Cha ông, Nguyễn Sang, là một nghệ nhân tài năng với nhiều tác phẩm nổi tiếng về tượng Phật giáo, trong đó nổi bật là bộ tượng Thập bát La Hán tại nhiều ngôi chùa trên cả nước. Ông Sang được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu "Bàn tay vàng".
Từ nhỏ, Nguyễn Long Bửu đã được cha trực tiếp truyền dạy nghề điêu khắc đá. Năm 1976, ông gác lại đam mê để nhập ngũ thực hiện nhiệm vụ với Tổ quốc. Sau khi xuất ngũ, ông theo học tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, tiếp tục trau dồi kỹ năng và kiến thức nghệ thuật. Với hơn 40 năm gắn bó với nghề, ông đã tạo ra hàng trăm tác phẩm điêu khắc đá, từ tượng chân dung, tượng Phật giáo đến các tác phẩm nghệ thuật hiện đại. Đặc biệt, ông là người đầu tiên trong lĩnh vực điêu khắc đá của Việt Nam được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân vào năm 2016. Năm 2002, ông đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi điêu khắc đá quốc tế tại Thái Lan và giành huy chương bạc do Hoàng gia Thái Lan trao tặng. Ông Nguyễn Long Bửu đã hai lần được chọn để sáng tác và trưng bày tác phẩm tại các sự kiện APEC. Năm 2006, ông sáng tác và lắp đặt 33 tác phẩm nghệ thuật tại khuôn viên Trung tâm Hội nghị Quốc gia phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC tại Hà Nội. Năm 2017, hai tác phẩm "Niềm hạnh phúc" và "Bố cục" của ông được chọn trưng bày tại Công viên APEC ở Đà Nẵng, góp phần giới thiệu nghệ thuật điêu khắc đá Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Long Bửu là một tấm gương sáng về sự đam mê, kiên trì và sáng tạo trong nghệ thuật điêu khắc đá. Ông không chỉ gìn giữ và phát huy truyền thống gia đình mà còn góp phần đưa nghệ thuật điêu khắc đá Việt Nam vươn tầm quốc tế. Những đóng góp của ông là niềm tự hào của làng nghề Non Nước và của cả nền nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
Thái Dương là một người gốc Hải Phòng vào sinh sống và làm việc tại Bà Rịa cách đây hơn 20 năm, tuổi ông khoảng xấp xỉ với Nguyễn Long Bửu. Không rõ ông có theo học trường, lớp nào nhưng Thái Dương được coi là bậc thầy toàn bộ khu vực miền Nam về tất cả các thể loại điêu khắc đắp đất sét, đúc đồng và composite và khắc đá. Nhiều lớp nghệ nhân trưởng thành ở miền Nam đều từng trải qua xưởng của Thái Dương để làm việc và học tập kỹ năng lành nghề. Đặc biệt, tại “xưởng đồng” của ông có rất nhiều tư liệu nước ngoài rất phong phú, đa dạng các thể loại điêu khắc thể hiện tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực này. Thái Dương là một nghệ sĩ tài hoa, cho dù ông rất khiêm tốn và ít nói về mình.

Thủ khoa hiện đại Vũ Tú - “hoa Trạng nguyên” trong giới điêu khắc sinh năm 1987 tại thôn Ngọc Quan, xã Lâm Thao, tỉnh Bắc Ninh. Vũ Tú là một nghệ sĩ trẻ tiêu biểu trong lĩnh vực điêu khắc đương đại Việt Nam. Dù tuổi đời trẻ hơn nhiều so với các nghệ sĩ Nguyễn Long Bửu và Thái Dương nhưng Vũ Tú được coi là “hoa Trạng nguyên” trong giới điêu khắc. Xuất thân từ một gia tộc khoa bảng, anh là hậu duệ của danh nhân Vũ Miên - vị Quốc Tử Giám Tế tửu đứng đầu trường Quốc học cao cấp nhất thời Lê - Trịnh. Truyền thống học vấn và tinh thần hiếu học của dòng họ đã hun đúc trong Vũ Tú niềm đam mê sáng tạo và khát vọng cống hiến cho nghệ thuật. Ban đầu, Vũ Tú theo học bậc Đại học ngành Vật lý, và anh đã đạt danh hiệu Thủ khoa tốt nghiệp Đại học cùng với nhiều giải thưởng, bằng khen vinh danh và các học bổng dành cho sinh viên xuất sắc bậc nhất Đại học. Tuy nhiên, niềm đam mê nghệ thuật đã dẫn dắt anh chuyển hướng sang lĩnh vực điêu khắc, nơi anh có thể kết hợp tư duy logic của khoa học với sự sáng tạo nghệ thuật. Sự kết hợp độc đáo này đã giúp anh phát triển một phong cách riêng biệt, thể hiện qua các tác phẩm điêu khắc mang tính triết lý sâu sắc và hình thức biểu đạt độc đáo. Ít người biết rằng để trở thành nghệ sĩ như hiện nay, Vũ Tú đã tự học ngành điêu khắc trải qua bao năm tháng ngược xuôi ba miền đất nước: có lúc anh làm việc ở gần Ký túc xá Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh ở ven sông Sài Gòn, cũng có lúc anh xuất hiện ở con đường Tô Ngọc Vân của Đại học Nghệ thuật Huế tìm kiếm tư liệu chuyên ngành, cũng có khi anh lại làm việc tại làng đá Non Nước (Đà Nẵng)… Anh đã tự nghiên cứu các tư liệu trong và ngoài nước, trong tác phẩm của Vũ Tú thường phản ánh mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, giữa truyền thống và hiện đại, của phương Đông và phương Tây. Các tác phẩm của anh không chỉ là những hình tượng nghệ thuật mà còn chứa đựng những thông điệp sâu sắc về cuộc sống và con người. Anh tin rằng nghệ thuật không chỉ là sự thể hiện cá nhân mà còn là cầu nối giữa con người với nhau và với thế giới xung quanh. Vũ Tú được coi là tương giao của tinh hoa giữa Khoa học tự nhiên và Nghệ thuật thị giác và đã được trang web Việt Nam Văn Hiến đưa vào danh mục người Việt ưu tú. Với tài năng và tâm huyết, nhà điêu khắc Vũ Tú đã và đang góp phần làm phong phú thêm nền nghệ thuật điêu khắc Việt Nam, đồng thời khẳng định vị thế của nghệ sĩ trẻ trong bối cảnh nghệ thuật đương đại.
Nghề điêu khắc đá là một trong những nghề truyền thống lâu đời, đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo và tinh thần nghệ sĩ của người thợ. Từ những khối đá vô tri, qua bàn tay tài hoa, họ đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật sống động, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Xã hội cần tôn vinh những người thợ đã và đang giữ gìn, phát triển nghề nghiệp quý báu này. Họ không chỉ là những người lao động mà còn là những nghệ sĩ, thổi hồn vào đá, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật sống mãi với thời gian.
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nghe-dieu-khac-da-tai-viet-nam-a28714.html